Ngậm ngùi vợ "chảnh" làm dâu

Thu Nguyễn,
Chia sẻ

Nhiều cô vợ đã khiến cho các chồng của mình vô cùng ngán ngẩm vì lối sống chảnh chọe "làm vợ nhưng không muốn làm dâu".

Về làm dâu dắt theo ô sin

Nghe anh Khải (Hai Bà Trưng – Hà Nội) kể câu chuyện về người vợ của mình người ta mới ngỡ ngàng nhận ra có những nàng dâu hiện đại thực sự khiến mọi người… choáng váng. Ngay ngày đầu tiên về làm dâu, trước tuyên bố “xanh rờn” của vợ anh Khải mới bàng hoàng, ngã ngửa vì sự “hiện đại”, sang chảnh trong suy nghĩ của chị Hòa. Có mặt cả bố mẹ và chồng, chị Hòa không ngần ngại nói: “Thưa bố mẹ, cuộc sống bây giờ hiện bận rộn lắm, con cũng bận chăm công nghìn việc ngoài xã hội. Bởi vậy con xác định những công việc trong gia đình mà bổn phận của một người con dâu phải làm con xin phép không thể đáp ứng được. Thay vào đó con sẽ thuê ô sin để làm tất cả. Bố mẹ không cần phải đụng tay, đụng chân vào việc gì. Cứ để ô sin họ đảm nhiệm”.

Anh Khải và bố mẹ chưa hết ngỡ ngàng thì ngay ngày hôm sau, chị Hòa đưa về một người giúp việc. Chị cũng tỏ thái độ đầy “tinh thần cầu thị”: “Đây là chị giúp việc, chị ấy mới về còn bỡ ngỡ nên trong nhà có việc gì bố mẹ cứ chỉ bảo tận tình để chị ấy làm”. Theo những lời anh Khải chia sẻ, vì mới mẻ nên mọi người trong nhà dù không hài lòng với cách suy nghĩ và hành xử của chị Hòa nhưng bố mẹ anh Khải không muốn gây khó dễ cho con dâu nên nhẫn nhịn hi vọng sẽ thay đổi dần dần. Song tất cả mọi thành viên trong gia đình đều không thể ngờ, tìm người giúp việc xong, chị Hòa không làm bất cứ việc gì trong gia đình, từ việc giặt giũ, cơm nước tới những việc nhỏ nhặt hơn như quét cái nhà. Mọi việc chị đều giao phó hết cho người giúp việc.

Mẹ anh Khải bày tỏ suy nghĩ của mình: “Chúng tôi hiểu, cuộc sống hiện đại bây giờ con người bận rộn lắm vì vậy chúng tôi cũng không muốn làm khó con dâu. Nhưng là phụ nữ, việc chăm lo cho chồng, cho con vẫn là trách nhiệm và niềm hạnh phúc. Tôi chỉ muốn con dâu biết cách chăm lo gia đình của mình thôi mà khó quá. Sợ làm quá lên lại mang tiếng ác nên đành chấp nhận”. Với suy nghĩ đó, để thay đổi thói quen của chị Hòa, mẹ anh Khải cho người giúp việc nghỉ để chị buộc phải chú ý hơn tới công việc gia đình. Nhưng trước lời nhắc nhở của mẹ chồng chị Hòa lí luận với anh Khải: “Đâu phải là em không có trách nhiệm với gia đình, chẳng qua em còn nhiều công việc phải lo. Vì thế hàng tháng em đã sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền kha khá để thuê người làm giúp mình. Mẹ không thích lại cho người ta nghỉ giờ còn trách em nỗi gì”.
 
Nhiều cô vợ đã khiến chồng ngán ngẩm vì lối sống chảnh chọe làm vợ nhưng
không muốn làm dâu (Ảnh minh họa).

“Bố mẹ và người thân của mình cảm thấy vô cùng thất vọng về con dâu, nhưng không ai muốn nói gì thêm nữa. Ít lâu sau bố mẹ cho vợ chồng ra ở riêng, để tránh cho vợ mình cái suy nghĩ ‘làm vợ phải kiêm cả làm dâu’. Nhiều khi mình cảm thấy chán nản, thèm một không khí đầm ấm, tan sở về được ăn bữa cơm vợ nấu mà khó quá” – anh Khải ngậm ngùi chia sẻ.

Bố mẹ chồng mất, tuyệt giao với họ hàng nhà chồng

Cũng chung một nỗi khổ vì có cô vợ suy nghĩ “làm vợ chứ không làm dâu”, anh Thành (Thanh Xuân – Hà Nội) phải khó xử với với cả dòng họ chỉ vì cách xử sự của vợ. Bố mẹ anh mất đã lâu, người thân trong gia đình, họ hàng đều ở quê xa. Anh những tưởng chị Thúy – vợ anh phải thấy may mắn hơn đôi chút vì không phải sống cảnh nhà chồng, cảnh mẹ chồng – nàng dâu và cũng không bị người thân trong gia đình chồng gièm pha, dòm ngó. Chí ít, mỗi năm chỉ có vài ngày lễ Tết anh chị phải về quê đoàn tụ, thăm viếng mọi người thì chị sẽ phải làm tốt bổn phận dâu con trong dòng họ. Nào ngờ, càng được thể, nghĩ bố mẹ chồng không còn, không phải lấy lòng ai nữa, lần nào chị Thúy cũng thoái thác không về quê.

Theo anh Thành kể, duy nhất ngày cưới về ra mắt họ hàng, cho tới giờ đã 5 năm kết hôn chưa một lần nào vợ anh chịu về thăm quê cùng chồng. Ban đầu chị còn khéo léo tìm cách thoái thác như: “Con còn nhỏ quá,đưa con về cùng sợ không đảm bảo, anh về một mình đi” hoặc “Mấy hôm nay em thấy người khó chịu quá, sợ về quê mặt mũi tiu nghỉu mọi người lại tưởng không vừa ý cái gì dây mất tình cảm ra, anh về một mình nhé”. Nhưng lâu dần, anh hiểu tất cả lí do vợ đưa ra chỉ là chống chế mà thôi. Bị anh bắt bí, chị Thúy không ngần ngại mà bày tỏ quan điểm: “Em chỉ có nghĩa vụ cung phụng, hiếu lễ với bố mẹ chồng thôi. Mà bố mẹ đã mất từ trước khi mình lấy nhau rồi. Họ hàng thì ở xa, quanh năm cũng chả gặp mặt chứ đừng nói là nhờ vả được gì. Em không có thời gian phải về quê tươi cười với ông nọ, đon đả với bà kia, phiền nhiễu, quê mùa chứ ích lợi gì”.

Bổn phận làm dâu mà chị em nên biết

Trong suy nghĩ của những người vợ như chị Hòa, chị Thúy, họ không hiểu rằng bổn phận làm dâu không phải đơn thuần chỉ là trách nhiệm mà còn là một niềm hạnh phúc. Nó là sợi dây gắn kết tình cảm giữa mọi người trong gia đình với nhau. Có lẽ cuộc sống vợ chồng của chị Hòa, anh Khải sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều nếu sau những ngày làm việc vất vả, chị cùng mẹ chồng vào bếp nấu vài món ngón cho gia đình. Tình cảm vợ chồng sẽ nồng thắm hơn khi chị tự tay là cho chồng chiếc áo sơ mi để mặc trong cuộc họp quan trọng ngày mai hay tự tay nấu cho mẹ chồng bát cháo khi ốm thay vì giao phó tất cả cho người làm.

Còn chị Thúy, hẳn chị đã không biết được rằng, anh Thành sớm mất bố mẹ, chính họ hàng ở quê là những người đã bao bọc, che chở nuôi dưỡng và là chỗ dựa tinh thần cho a anh trong những năm tháng khó khăn. Nhưng  chỉ vì thái độ “không cần thiết phải thân mật” của chị với họ hàng nhà chồng mà anh Thành phải chịu sự xa lánh của mọi người. Giờ đây mỗi lần về quê, anh Thành luôn phải lắng nghe những lời trách cứ từ các cô, các chú: “Giờ chúng nó là người thành phố, thiết tha gì gần gũi với đám nhà quê chúng mình nữa” mà ruột gan anh đau như cắt.

Những người phụ nữ nên hiểu rằng, kết hôn không có nghĩa là chỉ có trách nhiệm làm vợ với chồng mà còn có trách nhiệm làm dâu con trong gia đình. Trách nhiệm đó sẽ thực sự trở thành niềm hạnh phúc nếu bạn biết khéo léo làm hài lòng mọi người. Cuộc sống gia đình sẽ tuyệt vời hơn, bạn cũng sẽ nhận được từ chồng tình yêu thương hơn gấp bội nếu dành thiện cảm từ những người thân xung quanh chồng. Đừng ích kỉ nghĩ rằng “chỉ làm vợ chứ không cần làm dâu” bởi như thế vô hình trung bạn đã đánh mất đi rất nhiều tình cảm nồng ấm khác trong gia đình.

Chia sẻ