New Zealand điều tra vụ dọa bỏ độc vào sữa bột trẻ em

Nguyệt Nguyễn,
Chia sẻ

Thủ tướng New Zealand John Key ngày hôm nay, 10/3, cho biết có kẻ "khủng bố sinh thái" đã gửi thư nặc danh đe dọa sẽ bỏ độc vào sữa bột trẻ em do nước này sản xuât.

Cảnh sát nước này cũng cho biết đang xem xét vụ việc một cách nghiêm túc ngay sau khi những gói sữa bột trẻ em bị bỏ độc kèm theo những lá thư nặc danh được gửi tới Liên đoàn Nông dân Quốc gia và tập đoàn sản xuất sữa Fonterra.

"Trong khi có một khả năng rằng lời đe dọa này chỉ là một trò lừa bịp, chúng ta vẫn phải xem xét nó một cách nghiêm túc. Cuộc điều tra đang được tiến hành", Phó ủy viên Mike Clement cho biết.

New Zealand điều tra vụ dọa bỏ độc vào sữa bột trẻ em 1
Kẻ viết thư nặc danh đe dọa sẽ bỏ độc vào sữa bột trẻ em. Ảnh minh họa.


Nhà chức trách đã cảnh báo các bậc phụ huynh nên kiểm tra bao bì sữa khi có dấu hiệu giả mạo và các siêu thị nên di chuyển các lon sữa bột khỏi kệ bán hàng để người mua không thể tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.

Cảnh sát cho biết động cơ đằng sau bức thư khủng bố này là nhằm phản đối việc sử dụng chất độc 1080 để kiểm soát sâu bệnh. Trước đó, một số người đã chỉ trích cho rằng chất độc này sẽ giết hại độc vật hoang dã.

"Đây chắc chắn là một dạng khủng bố sinh thái", ông Key cho biết. "Động cơ của người này là cố gắng đe dọa chính phủ không được cho phép sử dụng chất 1080 nhưng trên thực tế bất kỳ ai thực hiện vụ đe dọa này cũng đều đáng lên án".

Thậm chí khi đây chỉ là một trò lừa bịp, lời đe dọa này được gửi đến đúng vào thời điểm nhạy cảm với ngành công nghiệp sữa New Zealand vốn đang hồi phục từ sau tin đồn sữa gây ngộ độc năm ngoái liên quan đến Fonterra.

Những hộp sữa nhãn hiệu này đã bị thu hồi khỏi kệ hàng ở nhiều nơi, từ Trung Quốc đến Ả Rập Saudi trước khi tin đồn được chứng thực chỉ là giả. Vụ việc đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành công nghiệp sữa New Zealand.

New Zealand là một trong số những nước xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới và sữa công thức cho trẻ em chiếm một phần quan trọng, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm chỉ tính riêng tại Trung Quốc là 2.2 tỷ USD.

Theo AFP
Chia sẻ