Nếu thấy mình có một trong 9 dấu hiệu này, các mẹ hãy rất cân nhắc việc sinh và nuôi con

Hòa Nguyễn,
Chia sẻ

Có con sẽ làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn. Tuy vậy nếu bạn có một trong những dấu hiệu dưới đây thì hãy dành thời gian suy nghĩ thêm.

Bạn đã lập gia đình một thời gian và đang nghĩ đến chuyện có con. Có thể bạn bắt đầu nhận thấy các bạn lớp đại học dần không còn rủ bạn đi ăn uống, cà phê, trà sữa nữa bởi hoặc họ đang mang bầu, hoặc đã làm mẹ. Cũng có thể bạn đã chán phải trả lời những câu hỏi soi mói của họ hàng mỗi dịp lễ Tết rằng là bao giờ thì định có con đây.

Nếu thấy mình có một trong 9 dấu hiệu này, các mẹ hãy rất cân nhắc việc sinh và nuôi con - Ảnh 1.

Hãy chuẩn bị sẵn sàng tâm lý và tài chính trước khi quyết định có con

Dù hoàn cảnh là gì thì có con không phải là một quyết định có thể suy nghĩ qua loa. Kể cả bạn có thích ngắm những tấm ảnh em bé dễ thương trên Instagram đến đâu thì bạn cũng cần phải chắc chắn là mình đã sẵn sàng với vai trò làm mẹ. Đây là những dấu hiệu chứng tỏ bạn nên chậm lại một chút để suy nghĩ cẩn trọng hơn.

1. Bạn vẫn còn "ham chơi"

Nếu bạn vẫn còn đang nghĩ nên đi ăn ở đâu, uống ở đâu, nhảy ở bar nào vào hai giờ sáng thì có thể bạn cần thêm thời gian để xác định đâu là ưu tiên lớn nhất trong cuộc sống hiện tại trước khi bước vào cuộc sống làm cha mẹ.

Dù rõ ràng là các mẹ cũng vẫn cần có đời sống xã hội, có nhóm bạn thân nhưng nói chuyện với nhau vào buổi đêm khi con đã ngủ có vẻ không lí tưởng lắm. Chăm sóc con nhỏ có nghĩa là bạn sẽ phải bỏ đi những buổi đi chơi tối muộn để đảm bảo điều tốt nhất cho con và cho sức khỏe chính bạn.

2. Không đủ khả năng tài chính

Nếu bạn không có đủ tiền tiết kiệm, thì việc phải nuôi thêm một miệng ăn không phải là một quyết định thông minh. Nuôi trẻ con rất tốn kém - không chỉ những đồ thiết yếu cho trẻ, bảo hiểm, tiền thuốc men, bạn còn phải nghĩ đến việc để dành tiền mua bỉm sữa trong những năm đầu đời.

Thêm nữa, một khi hết nghỉ thai sản, bạn phải cho con đi nhà trẻ nữa. Dù bạn thuê người giúp việc hay là cho con đi học thì chi phí đều không rẻ.

3. Bị mọi người xung quanh thúc giục

Chắc chắn bố mẹ bạn đã nhắc bạn rằng "không trẻ trung gì nữa đâu", và bạn của bạn cũng đã có con rồi.

Thế nhưng, điều quan trọng là hãy hỏi bản thân câu hỏi quan trọng tại sao bạn lại muốn có con - là do áp lực từ gia đình hay từ xã hội. Có thể, vợ/chồng đang gây áp lực muốn có con, dù bạn không chắc là mình đã sẵn sàng hay chưa.

Nếu bạn không thấy sẵn sàng làm mẹ, thì hãy trung thực với bản thân mình. Chắc hẳn bạn không muốn quyết định vội vã để rồi hối hận đúng không. Một bà mẹ 2 con giấu tên chia sẻ "Dù tôi yêu con không điều kiện, tôi không thể nói là mình thích làm mẹ. Thật sự rất vất vả và tốn nhiều thời gian để quen với cuộc sống làm mẹ".

4. Bạn muốn dùng con làm giải pháp cho mối quan hệ trục trặc

Nghĩ rằng có con sẽ làm các vấn đề hôn nhân biến mất là một sai lầm lớn. Mặc dù có thai sẽ thay đổi mối quan hệ của hai người là chắc chắn - nhưng không ai có thể đảm bảo rằng sẽ theo hướng tích cực cả.

Bạn có thể hi vọng có thêm thành viên nhỏ sẽ làm gia đình gần gũi bền chặt hơn, thế nhưng viễn cảnh em bé làm gia đình hạnh phúc thường là suy nghĩ ảo tưởng mà thôi.

Trên thực tế, hôn nhân cần rất nhiều đóng góp của hai bên, nhưng việc nuôi dạy con còn khó hơn nữa. Phải chăm sóc con nhỏ khiến bạn lúc nào cũng mệt mỏi, thiếu ngủ và có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa bạn và chồng. Các cặp đôi thường xa cách với nhau hơn, và cũng khó để tập trung vào bạn đời khi sự chú ý phải phân chia cho thành viên nhỏ nữa.

5. Bạn thích mua đồ cho con hơn là muốn có con

Nhìn những tấm chăn mềm mại nho nhỏ, quần áo, rồi yếm của trẻ con thì ai mà chẳng thích. Những chiếc bao tay bao chân nho nhỏ làm đánh thức bản năng làm mẹ với nhiều người.

Nếu vì yêu thích những món đồ đáng yêu này là nguyên nhân chính khiến bạn muốn có con thì bạn sẽ ngỡ ngàng lắm đó - làm cha mẹ không chỉ là chọn quần áo dễ thương cho con. Tất nhiên, khi bạn trông cháu và vung tiền mua sắm đồ cho cháu… Bạn biết rằng cuối ngày bạn sẽ đưa cháu trả lại cho bố mẹ chăm sóc.

6. Bạn sợ nhiều thứ

Phân, nước tiểu, máu… là những thứ bạn phải xử lí khi là cha mẹ. Từ ngày đầu tiên làm mẹ, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác một đống bừa bộn mà trẻ nhỏ tạo ra, đặc biệt khi nhận ra trẻ sơ sinh cần thay từ 8 đến 12 cái bỉm một ngày.

Trẻ nôn trớ cũng là một việc thường xuyên xảy ra - có thể xảy ra khi mà bé hít khí khi uống sữa, hoặc là ăn quá nhiều. Nếu bé bị trào ngược, bé thậm chí còn nôn ngay sau khi ăn.

Khi trẻ lớn dần, chuyện không dừng ở đó - hãy sẵn sàng xử lí những vết bong da chảy móng xước tay chân, cũng như vết chân bẩn trong nhà hoặc trên ghế sô pha.

7. Bạn có nhiều thói quen xấu

Mỗi người đều có thói quen xấu - nhưng bạn cần kiểm soát một số thói quen nhất định, ít nhất là khi đang cố thụ thai hoặc trong 9 tháng mang bầu. Những thói quen như uống rượu và hút thuốc rất có hại cho thai nhi, chưa kể khói thuốc còn ảnh hưởng sức khỏe của trẻ nhỏ.

Nếu bạn không chắc chắn mình có thể cắt giảm những thói quen này vì con, bạn cần xem lại ưu tiên hiện tại của mình. Bạn cũng cần có sức khỏe tốt để chăm sóc người khác, một sinh mệnh khác.

8. Bạn chưa sẵn sàng cho những đêm mất ngủ

Bình thường bạn ngủ 8 đến 10 tiếng? May mắn lắm thì bây giờ ngủ được 4 tiếng. À, và quên cái chuyện ngủ nướng cuối tuần đi nhé.

Rất nhiều bé không ngủ ban đêm, thậm chí sau khi bé đã 1 tuổi. Một mẹ chia sẻ: "Tôi rất là mệt. Bé cứ dậy và bò lên giường hai vợ chồng lúc 4 giờ sáng. Thậm chí có đêm bé tỉnh và đến tận 6 giờ mới ngủ".

9. Bạn để ý đến ý kiến của người khác quá nhiều

Làm cha mẹ nghĩa là đôi khi phải "mặt dày". Goh Yun Mei, mẹ bé Vivienne chia sẻ, cô luôn xấu hổ khi để người khác nhìn thấy cơ thể mình. "Tôi không dám mặc bikini. Thế nên khỏi nói cũng biết tôi cảm thấy như thế nào khi lâm bồn. Tôi gần như chẳng mặc gì trên người, bao nhiêu người lạ xung quanh đi ra đi vào phòng để xem xét phần thân dưới của tôi", cô cười phá lên.

Kể cả khi bé chào đời rồi thì chuyện cũng không dừng ở đó. Ngực rỉ sữa làm ố quần áo, dỗ dành con khi bỗng nhiên con giận dỗi ăn vạ ở nơi công cộng.

Nếu bạn không sẵn sàng để tạm dừng mọi hoạt động trong cuộc sống thì đừng vội có con. Sẽ đến một lúc nào đó bạn sẵn sàng, và lúc đó sẽ chứng minh thời gian chờ đợi là xứng đáng.

Nguồn: Smartparent

Chia sẻ
Chuyên trang tin tức phụ nữ gia đình, tư vấn nuôi con thông minh tại aFamily.