Nếu muốn tìm mua sách xưa, báo giấy: Hãy ghé con phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn

Bài và ảnh: Linh Nguyễn,
Chia sẻ

Mới chỉ tầm hơn chục năm về trước, ở cái thời mà smartphone, máy tính bảng và mạng internet chưa phổ biến như ngày nay, niềm vui của nhiều người chỉ đơn giản là được cầm trên tay một cuốn sách hay một tờ báo giấy nóng hổi phát hành hàng tuần.

Theo thời gian, những cuốn sách cũ đã bắt đầu úa vàng, những cuốn truyện tranh không còn theo kịp tâm hồn đang ngày càng trưởng thành của thế hệ cũ, những tờ báo giấy được đem đi lót nồi, hoặc không, chúng sẽ được buộc thành từng chồng để đem đến vựa ve chai. 

Còn nếu may mắn hơn, những “kẻ lạc thời” này sẽ được đem tới phố sách cũ Trần Nhân Tôn ở quận 5, Sài Gòn để kéo dài chuyến hành trình của mình thêm một lần nữa. 

Phố Trần Nhân Tôn nằm trên một con đường nhỏ, không quá ồn ã và chỉ có khoảng mười mấy tiệm vẫn đang kinh doanh. 

Điểm đặc trưng dễ nhận thấy nhất ở đây là những chồng sách từ cũ đến mới cao ngất ngưởng, chiếm trọn không gian trong mỗi cửa tiệm, chỉ để lại một vài khoảng hở nho nhỏ đủ để 1-2 người lách qua. 

Vậy nhưng, trong những cửa tiệm đầy ngập sách ấy lại chẳng có bóng dáng một tờ báo giấy hay tạp chí xưa cũ. Họa hoằn lắm mới tìm được một vài cuốn tạp chí bị đè dưới chồng sách nặng trịch.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 2.

Những tờ tạp chí mỏng manh bị đè dưới cơ man những bao sách truyện nặng trịch. Thì cũng bởi, còn ai nhớ đến chúng nữa đâu.

Anh Long, một chủ tiệm sách cũ có tuổi đời 20 năm trên phố Trần Nhân Tôn chia sẻ, từ 3 năm trở lại đây, báo giấy đã trở thành mặt hàng bị lãng quên, chỉ thi thoảng mới có 1-2 người hỏi đến. Nhớ lại thời điểm năm 2010, khi ấy, sạp báo bày trước cửa tiệm của anh vẫn tấp nập người mua. Đó là thời kỳ huy hoàng của báo giấy. 

Lúc bấy giờ, các cô cậu bé tuổi teen vẫn chờ hàng tuần để rinh về một cuốn Mực Tím, Hoa Học Trò. Những tờ tạp chí Điện Ảnh, Đất Mũi và Phụ Nữ vẫn còn rất ăn khách. Anh kể, ngày xưa cả con đường la liệt các loại báo giấy, nhưng giờ chẳng còn mấy ai bán nữa rồi...

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 3.

Những cuốn Cây Thuốc Quý, Khoa Học Phổ Thông, Trà Sữa Cho Tâm Hồn xếp ngổn ngang bên một góc nhỏ. Chúng không quá cũ, vẫn đủ mới để độc giả thưởng thức, nhưng có mấy ai dừng chân lại trước góc nhỏ này?

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 4.

Tầm mười mấy năm về trước, xấp báo Tuổi Trẻ Cười này là nguồn vui của nhiều thế hệ. Nhưng giờ thì, chúng sẽ được "mua về để lót nồi" như câu chia sẻ thật thà của một chủ tiệm.

Tiếc thay, giờ chỉ còn lác đác 1-2 tiệm có bán tạp chí cũ để… lót nồi hoặc bọc hàng hóa. Khách đến mua có thấy chúng cũng chỉ lướt qua trong nháy mắt rồi lại quay về với việc chính: tìm mua sách. 

Ở phố Trần Nhân Tôn, bạn có thể tìm thấy đủ mọi loại sách yêu thích. Từ những cuốn truyện tranh thời thơ ấu như Mặt Nạ Thủy Tinh, Chie, Lucky Luke, những bộ tiểu thuyết cũ cho tới những cuốn sách từ thập niên 60-70 như Anh Hùng Xạ Điêu (1964), Chung Vô Diệm, Trăm Năm Cô Đơn.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 5.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 6.

Những bộ truyện tranh gợi nhớ một thời "nhịn quà sáng", cố dành dụm mà cũng chẳng đủ để rinh về trọn vẹn

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 7.

Những cuốn sách đã cũ, cái mất bìa, cái long gáy

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 8.

Có cuốn giấy đã ố vàng, mở ra đôi khi còn tìm thấy vài nét bút viết vội của người chủ cũ

 Những cuốn truyện tranh thường được xếp ở ngay mặt tiền bởi đây là mặt hàng dễ bán và bán chạy nhất, còn sách và tạp chí cũ chủ yếu được đặt bên trong tiệm, đôi khi phải đóng thùng vì số lượng quá nhiều. Các chồng sách được xếp ngay ngắn, phân theo chủng loại và nội dung để khách tiện tìm kiếm. 

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 9.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 10.

Các chủ tiệm sách ở đây hầu hết đều bén duyên với nghề trên dưới 20 năm, có tiệm đã duy trì nghề suốt 3 thế hệ. Tình yêu và sự gắn bó với trang sách khiến họ sở hữu vốn am hiểu rộng đến kỳ lạ. Khách đến mua chẳng cần tự mình tìm kiếm, cứ đọc tên sách là họ sẽ ngay tức khắc tìm được cho bạn, thậm chí đôi khi có thể cùng bạn trò chuyện, bình phẩm về những chi tiết thú vị trong cuốn sách ấy.

Ở đây, sách truyện cũ có thể được bán theo ký, theo bộ hoặc theo tuổi đời của chúng. Bạn có thể mua một cuốn truyện ma với giá siêu rẻ chỉ 5.000 đồng, mua 1 bộ truyện tranh từ 20 năm trước với giá chỉ khoảng 200.000 đồng/bộ hoặc 15.000 đồng/cuốn. So với giá bán truyện tranh ở thời điểm hiện tại, mức giá này rẻ hơn từ 2-3 lần. 

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 11.

Ở đây, sách truyện cũ có thể được bán theo ký, theo bộ hoặc theo tuổi đời của chúng.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 12.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 13.

So với giá bán truyện tranh ở thời điểm hiện tại, mức giá các bộ cũ ở đây rẻ hơn từ 2-3 lần.

 Với một số bộ sách/truyện kinh điển, thời điểm xuất bản sẽ quyết định giá trị của nó. Những bộ hiếm xuất bản lần đầu hoặc xuất bản trước năm 1975 thường có giá trị cao hơn những phiên bản sau đó. Bởi lẽ, chất giấy ở những năm 75 đẹp hơn bây giờ rất nhiều, lời văn cũng hấp dẫn hơn. Một số cuốn như Tam Quốc (1959) sau khi tái bản lại đã bị cắt mất lời bình - một nhân tố từng làm nên sự độc đáo và ấn tượng của phiên bản cũ.

Một cuốn sách từ trước năm 75 tuy đã long bìa nhưng chất lượng in vẫn còn rất hoàn hảo. Những nét chữ vẫn hiển hiện rõ mồn một, không hề bị nhòe hay phai mờ bởi thời gian.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 15.

Sách ngày xưa nào có nhiều màu bắt mắt như bây giờ. Người ta thường chỉ dùng các tông màu xanh lá-đỏ-xanh dương để in tranh minh họa. Ấy vậy mà đến giờ, những bức tranh ấy vẫn rất đẹp và sống động.

Cùng một nội dung nhưng sách xuất bản trước năm 75 có giá trung bình cao gấp 2-3 lần phiên bản mới. Cuốn Sử Ký sau năm 75 có giá chỉ 100.000 đồng, nhưng nếu là trước năm 75 thì giá của nó sẽ lên tới 1 triệu đồng. Hay như cuốn Trăm Năm Cô Đơn (sau 75) có giá chỉ 50.000 đồng, nhưng nếu “ra đời” trước năm 75, nó sẽ có giá 200.000 đồng.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 16.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 17.

Tuổi đời của những cuốn sách cũ sẽ quyết định giá trị của chúng

Cá biệt hơn, có những bộ truyện kinh điển được chủ tiệm rao bán với mức giá lên tới gần chục triệu đồng. 

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 18.

Bộ Doraemon đầu tiên xuất bản tại Việt Nam năm 1992 tuy còn thiếu 3-4 tập nhưng đã có giá 8-9 triệu đồng.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 19.

Chủ tiệm còn cất công sưu tầm được 6 lá thư chia tay Doraemon mà phía Nhật Bản viết tặng cho độc giả Việt Nam.

 Những bộ truyện tranh nổi tiếng như Chie-Cô Bé Hạt Tiêu có giá 2 triệu đồng/bộ, Dũng Sĩ Hesman đủ bộ có giá 10 triệu đồng (nhưng cực hiếm), Lucky Luke có giá 6 triệu đồng/bộ. 

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 20.

Một cuốn truyện Lucky Luke với những dòng chú thích giản dị, có lẽ đến từ chủ sở hữu đầu tiên.

Ngoài bán lẻ và theo bộ, ở đây cũng có nhiều cuốn được bán theo ký. Đó thường là cuốn lẻ trong bộ dài tập nhưng không thể ghép đủ bộ. Còn nếu quá cũ, rách nát hoặc “ế” lâu năm như sách tin học, sách dạy may vá thì chúng sẽ được tách xé và đưa tới vựa ve chai. 

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 21.

Còn nếu quá cũ, rách nát hoặc “ế” lâu năm như sách tin học, sách dạy may vá thì chúng sẽ được tách xé và đưa tới vựa ve chai.

Không chỉ bán sách, các chủ tiệm ở đây cũng nhận thu mua sách truyện cũ. Không ít bộ truyện hiếm được chính người bán mang đến tiệm, chỉ đơn giản vì với họ, chúng đã cũ và là thứ nên bỏ đi sau khi dọn nhà. Ngoài ra, các tiệm trên phố Trần Nhân Tôn còn nhận “thâu lại” sách. Nói dễ hiểu hơn thì là chấp nhận cho khách trả lại hàng với giá bằng ½ giá đã bán, kể cả sau nhiều ngày. Với họ, đó là cách để tạo cơ hội cho người mua được đọc nhiều sách hơn.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 22.

Bởi vậy mà dù không quảng bá online như nhiều nhà sách hiện đại, những cửa tiệm ở đây vẫn đón khách đều đặn mỗi ngày. Những bậc phụ huynh thường dắt con tới đây vào cuối tuần hay dịp hè để mua sách, truyện tranh. Các bạn trẻ tới đây để tìm mua sách văn học hiện đại, tiểu thuyết, sách kỹ năng và sách tâm lý. Có người thì mua về với mục đích sưu tầm, tìm lại tuổi thơ hoặc để trưng bày trong những quán cà phê hoài cổ. Những vị khách trung niên hoặc cao tuổi tới đây để hoài niệm về một thời xưa cũ, họ chủ yếu tìm đọc các loại sách văn học xưa, sách tử vi và Đông y. 

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 23.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 24.

Những vị khách trung niên hoặc cao tuổi tới đây để hoài niệm về một thời xưa cũ

 Ngoài ra, con phố này còn đón những lượt khách là người nước ngoài và khách Việt kiều. Khách nước ngoài thường tìm mua sách truyện bằng tiếng Anh nguyên bản, trong khi các Việt kiều sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để sở hữu những cuốn sách ao ước thuở bé.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 25.

Những cuốn sách mang trong mình dấu ấn của thời gian

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 26.

...là lựa chọn yêu thích của những Việt kiều xa xứ.

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 27.

Khách nước ngoài tới đây thường tìm mua những cuốn sách/truyện nguyên bản tiếng Anh. Hai cuốn sách này có giá khoảng 50 -60 nghìn đồng/cuốn.

 So với vài năm trước, số tiệm sách trên phố Trần Nhân Tôn đã giảm khoảng 2-3 tiệm, nhưng lượng sách thì vẫn ào ạt đổ về. Để bảo quản sách nguyên vẹn, các chủ tiệm thường cất chúng ở nơi thoáng mát, lâu lâu phải “trở qua trở lại, lấy ra lấy vô” để không bị bụi. Bên cạnh đó, họ thường quét bụi để chống mối mọt. Hoặc nếu kỹ tính hơn, họ sẽ rắc thêm thuốc bột chống mối. 

Hồi tưởng về một thời hoàng kim của sách xưa, báo giấy trên phố sách cũ Trần Nhân Tôn, Sài Gòn - Ảnh 28.

Những bộ sách/truyện đã gom đủ các tập sẽ được gói kín bằng giấy bóng kiếng. Một số sách thì được đóng thùng, hoặc… cất ở nhà nếu chúng có giá trị lớn. 

Cuối tuần này, nếu bạn đang ở Sài Gòn và có thời gian rảnh, hãy thử đến phố Trần Nhân Tôn để trải nghiệm một góc xưa bên những trang sách, cùng những chủ tiệm sách thân thiện và rất đỗi nhiệt tình. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể mặc cả thoải mái ở đây, nhất là khi mua với số lượng lớn nhé!

Chia sẻ