Nếu lỡ chia tay, “đừng gọi anh là người yêu cũ”

Libra,
Chia sẻ

Sau này nếu có gặp lại nhau, xin hãy gọi nhau là “một-nửa-chưa-vẹn-tròn”, em nhé!

Tôi từng biết đến Du Phong - một cây bút trẻ với những tác phẩm được in chung trong các tuyển tập “Ai đó bỏ ta đi”, “Tớ từng thích cậu như thế đấy”. Thế nhưng, mãi đến khi đọc “Đừng gọi anh là người yêu cũ”, tôi mới thực sự ấn tượng và có được cái nhìn sâu sắc hơn về tác giả này. “Đừng gọi anh là người yêu cũ” thu hút ngay từ tựa đề và trang bìa minh họa. Một chàng trai trẻ lặng yên ôm chiếc đồng hồ cát, nghe trái tim mình như từng hạt cát nhỏ rơi xuống tách trà chiều rồi lặng lẽ biến tan…

Bạn và tôi, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng trải qua một khoảng thời gian khó khăn sau khi chấm dứt một cuộc tình. Có những người buông tay nhau thật nhẹ nhàng, có những người khổ đau, tiếc nuối pha lẫn uất ức, có người lại lặng lẽ âm thầm đến quên cả việc nói tiếng chia tay... Bằng cách này hay cách khác, cuối cùng thì họ đều trở thành những - người - xưa - cũ ở trong nhau, đều trở thành những người từng cùng nhau bước đi nhưng không thể đến cuối đoạn đường.

sách

Chủ để về người yêu cũ thì... cũ thật đấy, nhưng chẳng bao giờ bị thời gian đóng bụi. Ở thế giới thuộc về quá khứ ấy, tác giả miệt mài khai phá một vùng trời mà người ta gọi là “hậu chia tay”. Hàng loạt những câu hỏi được đặt ra khiến người đọc không ít lần chùng xuống. Đó là trăn trở cho người xưa: “Đến bao giờ anh mới hết yêu em/ Để tên em hòa vào muôn ngàn tên khác?/ Đến bao giờ tình cảm trong anh phai nhạt/ Để chúng mình về làm bạn giống ngày xưa?”… cho đến những cảm thông cho tâm trạng của người lỗi nhịp: “Cô ấy cất tấm hình của chúng ta vào góc cũ dưới ga giường/ Và không bao giờ hỏi về em thêm một lần nào nữa/ Anh cũng giữ cho riêng mình một lời bào chữa/ Cho tất cả những êm đềm cố giấu nhưng chẳng thể nào quên”.
 
Trang viết của Du Phong nhẹ nhàng đầy tình cảm, thơ của anh có thể chưa xuất sắc, tản văn có thể chưa thật sự mượt mà, nhưng nó là tiếng nói, tiếng gõ nhịp của một tâm hồn đồng cảm. Du Phong viết thơ, làm văn như đang kể chuyện tình. Không câu nệ quá nhiều chữ nghĩa, không đi theo khuôn khổ gò bó. Tác phẩm của anh chỉ đơn thuần là một sự giãi bày và chia sẻ. Ở đó, chúng ta có thể cảm nhận được một tâm hồn nghệ sĩ đa cảm, một trái tim ấm áp đến lạ kỳ. 
 
sách

Ngòi bút trẻ ấy biết cách khéo léo biến hóa và đặt mình vào vị trí của từng nhân vật. Ấy là tình yêu rất mực bao dung dành người con gái mang trong lòng những vết thương sâu kín: “Ngủ đi thôi/ Em mệt rồi, tựa đầu vào vai anh mà ngủ/ Giọt nước mắt buồn em vô tình đánh rơi khi nhớ về chuyện cũ/ Cứ để nó lặng lẽ trôi/ Ngủ đi thôi... Có anh chở che rồi!”. Ấy là chàng trai thất tình với lời nhắn gửi chân thành đến người yêu cũ: “Người ấy bước từ từ, người ấy đến sau anh/ Nhưng sẽ sánh đôi cùng em một đoạn đường dài lắm/ Anh đã dừng lại ở một khung đường ngắn/ Vẫy tay chào, chúc phúc cho người ấy và em”...

Thông qua các tác phẩm ngắn của mình, Du Phong định hướng người đọc đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, trong cách ứng xử giữa người mới - người cũ, và ứng xử với chính bản ngã của mình. Điều đó thể hiện rõ nhất trong “Tôi kể bà nghe” - bài thơ khép lại cuốn sách và cũng từng khiến bao diễn đàn trên mạng xã hội phải “dậy sóng” vì sự mộc mạc mà quá đỗi sâu sắc, thân thương. “Tôi kể bà nghe/ Tuy chúng mình già nhưng chẳng yếu lắm đâu/ Trái tim tôi với bà vẫn còn đập những nhịp nguyên lành cho những yêu thương ngọt ngào phía trước/ Lũ trẻ bây giờ cho nhau trái tim đã bao lần bị ném, vùi, vỡ xước.../ Rồi chúng nó tự hỏi mình, đau khổ tại vì đâu?”.
 
sách hay

Hãy một lần cầm trên tay cuốn sách ấy, để hiểu vì sao tác giả lại thiết tha nhắn gửi “Đừng gọi anh là người yêu cũ”. Ở đó, bạn sẽ rưng rưng xúc cảm trước những câu thơ mộc mạc chân tình, những tản văn man mác dòng hoài niệm về những ký ức tình yêu dở dang, những nỗi buồn vô cùng vô tận… Để rồi lại cảm thấy yêu và trân trọng hiện tại hơn bất cứ điều gì. Vì tình yêu, không có cái đã cũ, không có điều sẽ mới, mà là nỗi cháy bỏng khát khao luôn đập trong trái tim người.
Chia sẻ