“Nếu la mắng con, hãy hoàn thành trong 7 giây”- bí quyết dạy con ngoan của bố mẹ Nhật

Happy Moms,
Chia sẻ

Nếu bạn đang thường xuyên la mắng, nổi giận với con vì những điều “không-đúng-ý-mình” thì hãy học hỏi bố mẹ Nhật cách để thay đổi thói quen không tốt này.

Để trưởng thành, trẻ cần học hỏi và khám phá rất nhiều điều và tất nhiên trong quá trình đó, trẻ sẽ mắc rất nhiều sai lầm khiến bố mẹ phát điên.

Hàng ngày, "chạy đua với thời gian" là một cuộc chiến thường khiến các bố mẹ dễ nổi điên lên với các con nhất. Thường thì trong mắt bố mẹ, lũ trẻ là những chú rùa chậm chạm, lề mề, lơ đễnh, hậu đậu… luôn tìm cách "câu giờ" và chạm vào việc gì là hỏng việc đó, trong khi bố mẹ thì bận bù đầu, lúc nào cũng "thèm khát" có thêm nhiều thời gian hơn nữa.

“Nếu la mắng con, hãy hoàn thành trong 7 giây”- bí quyết dạy con ngoan của bố mẹ Nhật - Ảnh 1.

Chính vì gia đình là nơi trẻ hoàn toàn thuộc về, nơi sẵn sàng chấp nhận con người trẻ, mang đến cảm giác yên tâm để trẻ thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, cá tính của mình, nên bố mẹ càng cần phải học hỏi, để biết cách lắng nghe và tôn trọng con. (Ảnh minh họa)

Nếu làm một thống kê nho nhỏ, các bố mẹ hãy thử xem mỗi ngày mình làm những việc này bao nhiêu lần:

- Nổi cáu với con những điều rất nhỏ nhặt

- Nói như là đổ lỗi cho con

- Nói với con quá nhanh

- Nói: "Ngay lập tức", "Nhanh lên nào", "Có nhanh lên không thì bảo", "Không được làm như thế", "Làm việc đó ngay"…

Chắc hẳn là con số thống kê sẽ khiến không ít bố mẹ giật mình khi thường xuyên dùng các câu từ thiếu tích cực, tạo ra sự căng thẳng trong các cuộc nói chuyện, giao tiếp với con, quan trọng hơn cả, sự nổi giận, mắng mỏ của bố mẹ lại hoàn toàn không mang lại tác dụng gì trong việc giúp trẻ nhận ra khuyết điểm của mình hay hiểu ý bố mẹ để hợp tác tốt hơn; thậm chí điều này còn có thể khiến trẻ trở nên ngang bướng, tự ti.

Với những kinh nghiệm lắng nghe, nắm bắt tâm lý trẻ của một giáo viên tiểu học trong suốt 9 năm, cùng với những kinh nghiệm, nghiên cứu, những buổi nói chuyện tư vấn với hàng ngàn cha mẹ Nhật, tác giả Mika Wakuda đã chia sẻ trong cuốn sách "Cha mẹ Nhật dạy con lắng nghe hơn là la mắng" của mình những bí quyết hiệu quả giúp bố mẹ thư giãn hơn khi nuôi dạy con và kết nối tình yêu chặt chẽ hơn với con.

“Nếu la mắng con, hãy hoàn thành trong 7 giây”- bí quyết dạy con ngoan của bố mẹ Nhật - Ảnh 3.

Trong cuốn sách "Cha mẹ Nhật dạy con lắng nghe hơn là la mắng", các tình huống mà cha mẹ nào cũng gặp phải khi nuôi dạy con được tác giả Mika Wakuda hướng dẫn xử lý một cách đơn giản, dễ hiểu và thú vị.

“Nếu la mắng con, hãy hoàn thành trong 7 giây”- bí quyết dạy con ngoan của bố mẹ Nhật - Ảnh 4.

Thay vì la mắng phủ đầu trẻ khi trẻ làm sai việc gì đó, lắng nghe suy nghĩ của trẻ sẽ giúp cha mẹ gặt hái được nhiều điều bất ngờ và ngọt ngào.

Bà Mika Wakuda cho rằng, "mục đích của việc khen và mắng là để giúp trẻ có thể sống tự lập. Điều đó không có nghĩa là cha mẹ bắt trẻ làm theo ý mình. "Thừa nhận", "dạy bảo", "truyền tải", "để trẻ tự nghĩ", "nói chuyện cùng nhau"… chính là quá trình hình thành nên những đứa trẻ có tính tự lập biết "suy nghĩ và hành động". Vì thế, từ khóa quan trọng giúp bố mẹ trở nên bình tĩnh hơn đó là "lắng nghe" con, bố mẹ cần phải lắng nghe con nhiều hơn, hãy lắng nghe trước khi la mắng để nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ.

Trong cuốn sách "Cha mẹ Nhật dạy con lắng nghe hơn là la mắng", bà Wakuda chỉ ra những bí quyết rất giản dị và đơn giản giúp bố mẹ học cách lắng nghe con hiệu quả như là chậm lại một nhịp trước khi cất lời, ngồi xuống bên cạnh con, nhìn vào mắt con khi nói chuyện, nói với con chậm rãi và rõ ràng, không so sánh con với trẻ khác, nhẹ nhàng lặp lại những điều mà bạn muốn nói với con nhiều lần… Đó đều là những việc rất đơn giản, tuy nhiên, nếu không chú ý và tập luyện thì bố mẹ sẽ rất dễ bỏ qua.

Tuy nhiên, không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể nhẹ nhàng với trẻ, việc la mắng đúng cách cũng sẽ mang đến những hiệu quả tích cực, bà Wakuda viết trong cuốn sách của mình rằng "Khi chứng kiến các bà mẹ mắng con, tôi đều có chung suy nghĩ: Dài quá!" vì thế, bà khuyên "hãy mắng trẻ chỉ trong 7 giây", cụ thể là hãy nói với trẻ những thông điệp ngắn gọn và chân thực nhất, ví dụ: thay vì chỉ đạo "con làm ngay cho mẹ", hãy nhờ vả trẻ giúp đỡ "mẹ rất vui nếu con giúp mẹ đấy"; thay vì nói "con không được làm như thế" thì hãy nói "con làm như thế này này"; thay vì dùng những từ trừu tượng khó hiểu, hãy dùng những từ cụ thể, dễ hiểu, có tính miêu tả giúp trẻ dễ dàng liên tưởng và hiểu chuyện…

Rất nhiều những lời khuyên cho từng tình huống cụ thể được tác giả Mika Wakuda chia sẻ trong cuốn sách "Cha mẹ Nhật dạy con lắng nghe hơn là la mắng" để hướng tới một thông điệp "thức tỉnh" rất nhiều bố mẹ hiện đại đó là: Nếu lúc nào bạn cũng tất bật, vội vã thì bạn sẽ bỏ qua rất nhiều điều tuyệt vời trong hành trình làm cha mẹ của mình, bạn cảm thấy căng thẳng và cuộc sống chỉ toàn những áp lực, bạn còn "lây lan" sự mệt mỏi đó cho con và khiến chúng càng trở nên "khó bảo" hơn. Hãy nhìn lũ trẻ, chúng luôn sống một cách thong dong, thư thả, chậm rãi, và vì thế mà chúng hạnh phúc, hào hứng với cuộc sống của mình. Hãy thư giãn mỗi ngày một chút để học cách "hòa nhịp thời gian" của con để làm cha mẹ tích cực.

Nhà báo, Tác giả sách thiếu nhi và Làm cha mẹ Phạm Thị Hoài Anh.

Chị là tác giả của các cuốn sách như “Trái tim của mẹ”, “Bàn tay của bố”, “Mỗi ngày 15 phút yêu con”, trong đó, cuốn sách “Trái tim của mẹ” đã từng đoạt giải thưởng Grand Prize cuộc thi Samsung KidsTime Authors’ Award awarded dành cho các tác giả Đông Nam Á tại Asian Festival of Children’s Content (AFCC) do Hội đồng Sách Singapore tổ chức năm 2015 và Giải Bạc sách Hay Việt Nam 2016 do Hiệp hội xuất bản Việt Nam trao tặng. Hiện chị đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Độc giả có thể tìm đọc những bài viết của tác giả Hoài Anh TẠI ĐÂY.

Chia sẻ