Thư gửi con dâu

"Nếu có cuộc chiến mẹ chồng - nàng dâu, mẹ sẽ là người chủ động dừng chiến!"

H.H,
Chia sẻ

Mẹ viết những dòng này với hi vọng rằng, vào một ngày đẹp trời nào đó, khi con xuất hiện trước cửa nhà mẹ, tay trong tay cùng con trai mẹ, con sẽ đọc được bức tâm thư này với một tâm trạng vui vẻ và an nhiên.

Mẹ và con, chúng ta có thể sống chung dưới một mái nhà, hoặc không; có thể cùng quan điểm và sở thích, hoặc không; có thể yêu quý nhau và cư xử thoải mái với nhau - như hai người bạn, hoặc không; có thể muốn tìm đến nhau để chia sẻ mọi niềm vui lẫn khúc mắc trong cuộc sống, hoặc không. Yêu cũng như ghét, thấu hiểu hay bất đồng, không phải cứ cố mà được. Nên thật lòng mẹ muốn mọi chuyện cứ để nó thật tự nhiên. 

Nếu có một ai đó vô ý đặt mẹ và con lên bàn cân và so sánh, mẹ mong con sẽ gạt hết qua một bên. So sánh thế nào được nhỉ? Một bên là vợ, một bên là mẹ. Rõ ràng là hai người ở hai vị trí hoàn toàn khác nhau, tình cảm con trai dành cho mẹ và tình cảm một người chồng dành cho vợ cũng chẳng thể giống nhau. Mẹ vẫn luôn thắc mắc, tại sao người ta cứ thích đem tình mẫu tử và tình nghĩa vợ chồng đặt lên bàn cân thế nhỉ? 

Có một câu hỏi vui (nhưng thực lòng mẹ chẳng thấy vui tí nào) là: Nếu mẹ và vợ cùng rơi xuống nước, trong trường hợp chỉ được cứu một người, bạn sẽ cứu ai trước? Có người nói Phải cứu vợ trước, vì mẹ già rồi, chẳng thể sống được lâu. Có người nói Phải cứu mẹ trước, vì mẹ chỉ có một trên đời, còn vợ thì nếu không còn người này thì có thể có người khác. Câu trả lời nào cũng có sự toan tính và thậm chí còn có chút gì đó bất nhân. Vì lựa chọn thế nào thì chàng trai kia cũng hẳn cảm thấy đớn đau lắm. Theo mẹ thì câu trả lời hợp lý nhất là Ai ở gần nhất thì ưu tiên cứu người đó trước. Bất luận hoàn cảnh thế nào. 

mẹ chồng nàng dâu
Ảnh minh họa

Con ạ, mẹ từng đọc một bài thơ rất hay con dâu gửi mẹ chồng, và cô con dâu đó đã tự nhận mình là Người đàn bà thứ hai :

Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con anh ấy là của mẹ
Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời anh yêu mẹ, mẹ ơi!

con dâu trong bài thơ đó thật dễ thương, nhưng con thấy đấy, tình cảm người con trai dành cho mẹ không giống như dành cho vợ của mình. Những gì con trai mẹ dành cho con, mẹ cũng đã nhận đủ đầy từ bố của các con rồi. Và những gì con trai mẹ dành cho mẹ, sau này con sẽ nhận lại được từ chính những đứa con của mình. Vậy nên con cứ yên tâm rằng, mẹ đủ tỉnh táo và hiểu biết để không cảm thấy tủi thân khi con trai mẹ san sẻ thời gian lẫn tình cảm cho gia đình riêng của nó. 

Bố mẹ chẳng thể ở mãi với các con, và bố mẹ cũng có cuộc sống riêng của mình. Nếu bố mẹ và các con sống cùng nhau dưới một mái nhà, mẹ nghĩ, chúng ta vẫn có thể có không gian riêng nếu chúng ta học cách tôn trọng nó. Như việc các con thức khuya, dậy trễ còn bố mẹ ngủ sớm, thức dậy cũng rất sớm; bố mẹ thích ăn cơm nhà còn tụi con khoái ăn cơm tiệm; bố mẹ thích trồng cây, các con lại muốn nuôi một con vật nào đó… sẽ chẳng là vấn đề gì to tát, nếu chúng ta vui vẻ và tôn trọng lẫn nhau. 

Cuộc chiến mẹ chồng - nàng dâu chỉ nổ ra nếu một trong hai bên gây chiến và sẽ thực sự kết thúc nếu một trong hai bên dừng chiến. Mẹ chưa bao giờ mong cuộc chiến đó nổ ra. Và nếu một ngày nào đó, nó nổ ra, thì mẹ sẽ là người chủ động dừng chiến. Vì sao? Vì dù ai đúng ai sai trong cuộc chiến này, thì con trai của mẹ vẫn là người cảm thấy tổn thương nhiều nhất, khi cả vợ và mẹ đều không thể hòa hợp được với nhau. Và thêm một điều nữa, con là con dâu của mẹ, mẹ va chạm với cuộc sống này lâu hơn con, lòng mẹ đủ rộng để có thể bỏ qua những điều vụn vặt hàng ngày. Ngay cả khi con không hiểu và yêu thương mẹ (dù con đã cố gắng), thì mẹ vẫn tin, một ngày nào đó, tình cảm đó sẽ nảy sinh và bồi đắp theo thời gian, tuyệt nhiên không thể vội vã. 

Mẹ không phải là một bà mẹ chồng cổ hủ. Mẹ sống độc lập từ nhỏ và mẹ luôn nghĩ mẹ tự có trách nhiệm với cuộc đời mình. Mẹ chọn sinh con không phải vì mong sau này mẹ già, con cái sẽ có trách nhiệm phải nuôi lại mẹ. Tình mẫu tử sao có thể toan tính sòng phẳng như vậy chứ? Mẹ cũng không bắt con dâu phải gánh vác việc nhà chồng. Đôi vai nhỏ bé này, gánh vác công việc ngoài xã hội lẫn việc của gia đình riêng cũng đã đủ mỏi mệt lắm rồi, không phải vậy sao? Bố mẹ không mua con, và bố mẹ đẻ của con cũng không bán con cho bố mẹ. Hôn nhân tuyệt nhiên không phải là một cuộc mua bán. Nên con dành tình cảm và sự quan tâm tới gia đình chồng thế nào thì con trai mẹ cũng phải dành tình cảm và sự quan tâm cho gia đình vợ như thế. 

Trong cuộc sống gia đình, nếu có điều gì đó không bằng lòng với chồng, con đừng vội đổ lỗi Tại bố mẹ của anh cả đấy. Đúng là Giỏ nhà ai, quai nhà nấy. Nhưng ngoài những nét tính cách được thừa hưởng của bố mẹ, các con cũng có những nét tính cách riêng của mình. Bố mẹ chồng cũng như bố mẹ đẻ, đều có ưu - khuyết điểm riêng. Và các con đôi khi được thừa hưởng hết tất cả. Thế nên, hãy cố gắng phát huy ưu điểm và tự tiết chế những khuyết điểm mà các con được thừa hưởng từ bố mẹ mình. 

Cuộc hôn nhân của bố mẹ không phải lúc nào cũng toàn màu hồng mà đôi khi có cả màu xám. Bố mẹ cũng có xung đột, cũng có những khoảng thời gian đen tối, cũng có dăm ba lần làm đơn rồi lại lẳng lặng xé đơn, có những lúc chiến tranh nặng nề tới mức ông bà hai bên phải nhảy vào can thiệp.

Nếu một ngày nào đó, các con cũng rơi vào tình cảnh tương tự, hãy bình tĩnh xem lại tình cảm của mình. Còn tình yêu (và tình thương) là còn tất cả. Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ như không có gì. 

Nếu một ngày đó, con bàng hoàng nhận ra, tình cảm đã không còn nữa, hãy tìm một giải pháp ít gây tổn thương nhất đến những đứa con của mình. Ngay cả lúc đó, mẹ vẫn mong vợ chồng con có thể mỉm cười ngồi lại nói chuyện với nhau thay vì hằn học trong đau đớn. Cuộc đời này quá ngắn để ta thù ghét chính những người mà ta đã từng yêu thương. 

Mẹ của con!
Chia sẻ