Này cô gái, hãy ngừng ngưỡng mộ đàn ông theo kiểu "cỗ máy kiếm tiền"

Phạm Hường,
Chia sẻ

Những định kiến rất nặng nề rằng là đàn ông muốn được vợ, gia đình nhà vợ, xã hội nể trọng thì nhất định phải kiếm tiền thật giỏi đã vô tình khiến rất nhiều những khả năng khác, giá trị khác của đàn ông bị coi rẻ.

Tôi rất thích lời tuyên thệ “Yes, I do!” trong cuộc hôn nhân ở các nước phương Tây. Khi bạn kết hôn, tức là bạn tình nguyện sống trọn đời với vợ/chồng của mình dù trẻ hay già, dù khỏe mạnh hay ốm đau, bệnh tật… và chỉ có cái chết mới có thể chia lìa được hai bạn. Thế nhưng, ở Việt Nam, nếu như vợ đi làm kiếm được nhiều tiền hơn chồng, thì cuộc hôn nhân đó đã bước một chân trên bờ vực thẳm rồi.

Trước khi kết hôn (thậm chí là khi đang yêu nhau), chuyện lương bổng, sự nghiệp của các anh đã được gia đình các chị đem ra mổ xẻ: “Nó làm nghề gì? Lương khá không? Một tháng được bao nhiêu củ? Có làm thêm làm nếm được gì không? Có cơ hội thăng tiến không?”... Rất nhiều chị em giờ khi chọn người yêu hay bạn đời, thì cái nhìn đầu tiên bao giờ cũng dành cho vẻ ngoài: Quần áo, xe cộ, sau đó là công việc, lương bổng, gia thế… Chẳng biết từ bao giờ, giá trị của đàn ông được quy đổi hết ra khả năng kiếm tiền? Rất nhiều những khả năng khác như chăm sóc con cái, giỏi quán xuyến việc nhà, nấu ăn ngon, sống tình cảm… bị liệt vào hàng thứ yếu hoặc thậm chí bị lờ tịt đi. Đàn ông kiếm được càng nhiều tiền thì giá trị càng cao.

Này cô gái, hãy ngừng ngưỡng mộ đàn ông theo kiểu cỗ máy kiếm tiền - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhưng...

Hôn nhân đâu phải là một cuộc đua và vợ chồng cũng đâu phải “đối thủ” của nhau để ai cũng có thể đem chuyện lương bổng của vợ chồng lên bàn cân mà so sánh. Cứ như thể vợ chồng đến với nhau không chỉ vì tình yêu mà còn vì mức lương tương xứng. Cứ như thể khả năng kiếm tiền vượt trội của các bé trai so với các bé gái đã được bộ gen quy định sẵn ngay từ khi chúng còn nằm trong bụng mẹ. Đàn ông kiếm tiền ít hơn vợ sẽ mang nhục, còn phụ nữ kiếm tiền giỏi hơn chồng sẽ trở thành mối hiểm họa đe dọa hôn nhân. Cứ đem chuyện tiền bạc ra xét nét hơn thua thì có lẽ vợ chồng chỉ có thể cùng nhau đi được một đoạn đường chứ sao có thể cùng nhau đi đến hết cuộc đời được?

Người ta hay nói “Của chồng, công vợ”. Tức sự thành đạt của người chồng ít nhiều đều có công sức đóng góp của người vợ. Nhờ người vợ chu toàn việc nhà và làm tốt vai trò hậu phương vững chắc thì người chồng mới có thể yên tâm ra ngoài gầy dựng công danh, sự nghiệp. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ ngược lại: “Của vợ, công chồng”. Sự thành đạt của người vợ cũng ít nhiều có sự góp sức của người chồng. Nếu không có sự hỗ trợ, động viên của người chồng, liệu người vợ có dễ dàng gặt hái được thành công trong sự nghiệp?

Tôi biết có rất nhiều gia đình không hạnh phúc chỉ vì người chồng quá “lép vế” so với vợ, cụ thể là kiếm được ít tiền hơn vợ, sự nghiệp không thành đạt bằng vợ. Và trong trường hợp ấy, người chồng sẽ dễ bị mang tiếng là “Bám váy vợ”, “Để vợ nuôi”… Những định kiến rất nặng nề rằng là đàn ông muốn được vợ/ gia đình nhà vợ/ xã hội nể trọng thì nhất định phải kiếm tiền thật giỏi đã vô tình khiến rất nhiều những khả năng khác, giá trị khác của đàn ông bị coi rẻ.

Này cô gái, hãy ngừng ngưỡng mộ đàn ông theo kiểu cỗ máy kiếm tiền - Ảnh 2.

"Rất nhiều chị em giờ khi chọn người yêu hay bạn đời, thì cái nhìn đầu tiên bao giờ cũng dành cho vẻ ngoài..." - Ảnh minh họa

Chị K.Oanh là trưởng phòng kinh doanh một công ty chế biến thực phẩm đông lạnh trong khi anh Tiến, chồng chị, chỉ là nhân viên kế toán của một cửa hàng điện máy. Vì khối lượng công việc nhiều, chuyện con cái, nhà cửa chị Oanh giao đứt cho chồng lo liệu. Bị họ hàng, lối xóm, đồng nghiệp và thậm chí là gia đình bên vợ tối ngày mỉa mai “Số hưởng vì được nhờ vợ”, anh Tiến tự ái rồi dần chuyển qua xét nét vợ, ngày nào cũng kiếm cớ sinh sự với vợ. Không khí trong nhà không lúc nào được yên ả. Chị Oanh đi làm về đã mệt mỏi, lại liên tục bị chồng hoạnh họe liền nổi cơn tam bành. Trong một lần quá bức xúc, chị Oanh đã hét lên: “Tôi đi làm kiếm tiền nuôi cả cái nhà này cũng đủ mệt mỏi lắm rồi. Anh không để tôi yên được phút nào à?”. Anh Tiến chết sững: “Cô đi làm, tôi cũng đi làm. Cơm tôi ăn hàng ngày đều từ tiền của cô mà ra chắc?”. Lúc ấy, chị Oanh mới biết mình đã lỡ lời. Còn anh Tiến ngậm ngùi nhận ra, bấy lâu nay, vợ anh vẫn cho rằng chồng “ăn bám” vợ.

Đấy, ai bảo vợ chồng khó khăn, sống chết đều có nhau? Chỉ cần có sự chênh lệch về tiền lương thôi cũng đủ khiến cho người “lép vế” hơn suy sụp. Tại sao chúng ta cứ tự đặt mọi thứ vào trong khuôn khổ rồi cũng tự cho mình cái quyền phán xét khả năng lẫn hạnh phúc của người khác? Nhìn lại xem, xung quanh bạn vẫn có không ít những cặp đôi vợ là “thuyền trưởng” - chồng là “thuyền phó” mà gia đình vẫn hạnh phúc đấy thôi. Bạn lấy vợ/chồng chứ đâu có lấy cả cái xã hội ngoài kia?

Nếu bạn cảm thấy khả năng chăm sóc con cái, nhà cửa; khả năng san sẻ mọi điều với vợ của đàn ông là một đức tính quý, là một trong những yếu tố quan trọng giúp cuộc sống hôn nhân trở nên viên mãn, thì nó sẽ là như vậy. Một người chồng thành đạt trong sự nghiệp, tháng nào cũng đem rất nhiều tiền về cho vợ nhưng tối ngày mải mê họp hành, tiếp khách, chẳng biết một ngày của vợ con mình trôi qua như thế nào, thì bạn có cảm thấy hạnh phúc không?

Tôi có quen một cặp vợ chồng người miền Tây. Anh chồng là viên chức nhà nước, chị vợ ở nhà mở quán ăn. Khi chị sinh đứa con đầu lòng, anh quyết định nghỉ hẳn công việc ở cơ quan nhà nước để ở nhà phụ vợ. Hàng ngày, chị đi chợ, nấu ăn. Anh phục vụ bàn, thu tiền và rửa chén đĩa. Hàng xóm nhìn vào ai cũng chép miệng chê anh dại, có công việc đàng hoàng không muốn, lại muốn ở nhà “rúc váy” vợ. Chuyện đến tai anh, anh chỉ cười xòa: “Thiên hạ ai nghĩ sao mặc. Miễn sao hai vợ chồng tui cơm lành canh ngọt là được rồi. Thuận vợ thuận chồng, chuyện gì rồi cũng êm xuôi hết. Hơi sức đâu mà để tâm tới lời ra tiếng vào ngoài kia!”. Hạnh phúc thực ra chỉ giản đơn vậy thôi.

Chia sẻ