Nạo hạch chậu – Kỹ thuật lần đầu tiên được ứng dụng trong điều trị ung thư trực tràng tại Việt Nam

Tin, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Kỹ thuật nạo hạch chậu giúp giảm rõ rệt tỷ lệ tái phát tại chỗ, thời gian mổ ngắn, đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Ngày 10-8, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) cho biết, nơi đây vừa triển khai thành công kỹ thuật Nạo hạch chậu cho hai trường hợp mắc bệnh ung thư trực tràng điển hình. Đây là kỹ thuật tiên tiến lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.

Trường hợp đầu tiên là chị Đào Thị T., (46 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) đã được mổ ung thư trực tràng 2 năm. Lần này tái khám phát hiện khối hạch di căn rất lớn (50mm) vùng chậu bên trái. Trên phim chụp cũ của người bệnh đã có hạch chậu 8mm và không được phẫu thuật.

Bình thường trường hợp này sẽ được chỉ định hóa trị tiếp nhưng cơ may triệt để là không còn. Tuy nhiên, nhờ ekip điều trị quyết định phẫu thuật nội soi nạo hạch chậu bên trái, chị T. được lấy trọn các tế bào ung thư còn sót lại, nhờ đó có thêm được một cơ hội điều trị triệt để.

Nạo hạch chậu – Kỹ thuật lần đầu tiên được ứng dụng trong điều trị ung thư trực tràng tại Việt Nam - Ảnh 1.

Các BS tiến hành phẫu thuật ung thư trực tràng cho bệnh nhân.

Trường hợp thứ hai là anh Trịnh Trung H. (37 tuổi, ngụ TP.HCM), phát hiện ung thư trực tràng từ khi khối u còn rất nhỏ nhưng đã di căn sang hạch chậu trái. Sau khi hội chẩn ung thư, ê kíp bác sĩ khoa Ngoại Tiêu Hóa quyết định cắt u trực tràng kèm nạo hạch chậu trái cho người bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy có tế bào ung thư di căn đến hạch chậu này. Nhờ kỹ thuật tiên tiến nạo hạch chậu, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân tăng lên rất nhiều.

Các BS cho biết, ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh lí thường gặp và có tỉ lệ tử vong cao trên thế giới, chiếm 9% tần suất các loại ung thư. Ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng trong top 5 bệnh ung thư thường gặp, đứng hàng thứ hai trong các bệnh lý ác tính đường tiêu hoá và là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo một nghiên cứu tại thành phố Hồ Chí Minh, tần suất ung thư đại trực tràng 14,8/100.000 dân ở nam và tần suất này ở nữ là 10/100.000 dân. Một nghiên cứu khác tại Hà Nội cho thấy tỉ lệ này lần lượt ở nam và nữ là 9,5 và 6,4.

Theo báo cáo của tổ chức Y Tế Thế Giới thực hiện năm 2012 tại Việt Nam thì tỉ lệ ung thư đại trực tràng là 11,47/100.000 dân đối với nam, tỉ lệ này ở nữ là 6,11/100.000 dân, Trong đó, trực tràng là vị trí ung thư thường gặp nhất trên toàn bộ khung đại tràng, chiếm khoảng 20%-40%.

Nạo hạch chậu – Kỹ thuật lần đầu tiên được ứng dụng trong điều trị ung thư trực tràng tại Việt Nam - Ảnh 2.

Nạo hạch chậu là phương pháp lần đầu tiên được ứng dụng trong điều trị ung thư trực tràng tại Việt Nam.

Độ tuổi mắc bệnh của ung thư đại trực tràng thường là tuổi trung niên và tuổi già, tần suất cao nhất trong độ tuổi 60-70 tuổi. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu cho thấy ung thư đại trực tràng vẫn gặp ở người trẻ với tỉ lệ mắc bệnh trung bình khoảng 2%-10%. Ung thư đại trực tràng ở người trẻ thường có độ ác tính cao và tiên lượng xấu hơn so với người lớn tuổi.

Thống kê tại BV ĐHYD, mỗi năm có khoảng 300 trường hợp ung thư trực tràng được phẫu thuật, trong đó người bệnh dưới 40 tuổi chiếm khoảng 8%.

Đối với ung thư trực tràng, hầu hết các trường hợp được phát hiện ở giai đoạn II, III, khi tế bào ung thư đã phát triển tới các chặng hạch vùng, từ đó ăn lan và di căn sang gan, phổi, ổ bụng. Di căn hạch mạc treo đã được báo cáo từ lâu vào khoảng 15% các trường hợp. Rất ít trường hợp được phát hiện ở giai đoạn I.

Như tất cả các loại ung thư khác, ung thư trực tràng cần phải được tầm soát và phát hiện sớm. Các đối tượng nguy cơ như lớn tuổi, đi cầu ra máu, gia đình có người thân ung thư đại trực tràng hay u nhú lành tính của đại trực tràng. Việc tầm soát ung thư trực tràng khá đơn giản khi chỉ cần nội soi đại tràng là có thể phát hiện được .

Với việc ứng dụng kỷ thuật nạo hạch chậu, kết quả điều trị ban đầu rất khả quan khi tỷ lệ thành công cao và không có trường hợp nào để lại tai biến biến chứng. Thời gian mổ trung bình 60-80 phút khi nạo hạch chậu bên và ngày càng được rút ngắn. Người bệnh ung thư trực tràng, sau khi nhập viện sẽ được làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết. Sau đó, các chuyên gia về ung thư học sẽ cùng hội chẩn để đưa ra kế hoạch điều trị ngay tức thì và lâu dài cho người bệnh.

Đáng chú ý, Việt Nam chưa từng áp dụng kĩ thuật này trong điều trị ung thư trực tràng trước đó. Tại BV ĐHYD, trong giai đoạn chuẩn bị hơn 1 năm trước đây, khoa Ngoại tiêu hóa bên cạnh nghiên cứu về y văn quốc tế, tổ chức hội thảo với chuyên gia từ Nhật Bản, xây dựng các quy trình từ chọn lựa người bệnh, chẩn đoán, phẫu thuật và chăm sóc sau mổ. Từ đầu 2017, BV ĐHYD chính thức đưa vào ứng dụng kĩ thuật này.

Chia sẻ