Nắng nóng - bùng phát bệnh hô hấp ở trẻ

,
Chia sẻ

Theo bác sỹ, các bậc phụ huynh nên đưa con đi khám sớm khi có biểu hiện ho, sốt và không nên tự điều trị cho bé, tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Số lượng bệnh nhân tăng theo chu kỳ

 

Theo Bác sĩ Vũ Quý Hợp, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Nhi Trung Ương) thì số trẻ tới khám đông trong những ngày nắng nóng không phải là hiện tượng bất thường. Số lượng các ca khám xoay quanh con số 1900 đến 2000 lượt bệnh nhân một ngày là phù hợp với chu kỳ nàng năm, xu hướng tăng từ tháng 4, tháng 5 và cao điểm là tháng 7 và tháng 8.




Bác sĩ Vũ Quý Hợp, Bệnh viện Nhi Trung Ương.

 

Số lượng bệnh nhân tới khám vào mùa hè cũng tăng, vì khi nghỉ hè cha mẹ mới cho con đi khám các bệnh không có tính chất cấp cứu.

 

Đợt nắng nóng vừa qua số lượng bệnh nhi khám vào giờ tối tăng đột biến bởi cha mẹ ngại cho con ra ngoài vào lúc trời nắng, ca khám buổi tối từ 16h30 – 22h. 

 

Do nắm được quy luật nên bệnh viện đã chủ động tăng cường chống nóng bằng hệ thống phun mù, lưới giảm nắng, dùng quạt công suất lớn để thông gió và tăng cường mái che cho bệnh nhân ngồi chờ, giảm mật độ ngồi chật chội để thoáng khí, giảm tình trạng lây nhiễm chéo bệnh ở trẻ em đi khám. Bệnh viện cũng tăng giường theo kế hoạch là 850 giường bệnh, so với năm ngoái chỉ có 650 giường. Bệnh viện đã tăng cường 7 bác sĩ khám bệnh từ 16h30 - 22h đêm, sau thời điểm này là có 3 bác sĩ luôn túc trực.

 

Các bệnh hô hấp, tiêu hóa gia tăng

 

Theo số liệu của bênh viện thì số lượng bệnh nhân đông nhất phải kể đến các khoa như Tiêu hóa (hơn 100 bệnh nhân/50 giường). Hô hấp (trên 100 bệnh nhân/50 giường bệnh)...

 


Bệnh nhân tập trung chủ yếu từ sơ sinh tới 3 tuổi.

Bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ là viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Bệnh về hô hấp gia tăng vì về mùa hè thời tiết nắng nóng gây mệt mỏi khả nắng chống chọi với bệnh của trẻ kém hơn, việc điều khiển thân nhiệt kém dẫn tới sốt. Thời điểm này, số bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp chiếm từ 60-70% tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị. Bệnh nhân tập trung chủ yếu từ sơ sinh đến 3 tuổi.

Vì đây là lứa tuổi sức đề kháng kém, cơ thể nhạy cảm với những thay đổi của thời tiết nên cha mẹ phải đặc biệt lưu ý. Khi thấy con có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, thở nhanh, bú kém (với trẻ còn bú mẹ) cần đưa khám bác sĩ ngay, tránh tình trạng tự cho trẻ uống thuốc vì dễ làm trẻ nhờn thuốc, giảm hiệu quả điều trị.

Bệnh tiêu hóa cũng gia tăng do mùa nóng thức ăn dễ ôi thiu, bệnh dễ lan truyền. Các bênh tiêu chảy, kiết lị,  tả diễn ra phổ biến. Điểm đáng lưu ý là bệnh tiêu chảy của trẻ em phần lớn vào mùa đông do vi- rút, còn mùa hè lại do vi khuẩn. Nên cha mẹ lưu ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, sử dụng nước sạch. Biện pháp quan trọng và đơn giản nhất lại là giữ cho bàn tay luôn sạch sẽ, vì đây là một trong những đường lây lan vi khuẩn.

 

Cha mẹ không nên tự mua thuốc điều trị cho con

 

Vào mùa hè, lưu ý cha mẹ khi thấy các cháu có các biểu hiện bệnh cần cho các cháu đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất để xác định bệnh. Không nên mua thuốc tự điều trị cho con, vì cha mẹ chưa thể phân biệt giữa biểu hiện của các bệnh có tính chất nguy hiểm và bệnh thông thường (ví dụ sốt thường hay sốt viêm não). Hơn nữa phần nhiều cha mẹ cũng không thể phân biệt được tác dụng và nguy hiểm của các loại thuốc để điều trị cho con dẫn tới hiện tượng kháng thuốc, nhờn thuốc.


Khi con có biểu hiện bệnh, cần đưa tới cơ sở y tế gần nhất để khám.

 

Cũng theo bác sĩ  Vũ Quý Hợp thì để phòng tránh các bệnh về mùa hè đặc biệt là về hô hấp cha mẹ cần lưu ý:

 

- Không nên cho con ăn các đồ lạnh vì việc tiếp xúc với đồ lạnh đột ngột rất dễ gây viêm họng.

 

- Việc sử dụng điều hòa nhiệt độ cần lưu ý không để quạt và nhiệt độ quá thấp so với ngoài trời, vì nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng là điều kiện để nảy sinh các bệnh về hô hấp.

 

- Trước khi cho trẻ tắm 30 phút và sau khi tắm 1h không nên cho trẻ ngồi quạt, vì ngồi quạt lúc đó dẫn tới việc mất nhiệt khiến trẻ rất dễ đổ bệnh.

 

- Khi thay đổi thời tiết, như đang nắng lại mưa thì cần giữ con trong nhà không nên chủ quan thấy thời tiết mát hơn lại cho các cháu đùa nghịch vì lúc này hơi nóng mới bốc hơi, độ chênh nhiệt độ cao cũng bất lợi cho sức khỏe của trẻ.

 

- Đảm bảo môi trường thông thoáng sạch sẽ, vệ sinh cá nhân cho trẻ tốt. Đặc biệt là tránh không để trẻ tiếp xúc với khói than, khói thuốc, lông vật nuôi trong nhà (chó, mèo).

 

- Nên hạn chế đưa trẻ ra ngoài đường vào lúc nắng nóng. Khi đi ra đường để tránh nóng cho con không nên sử dụng các áo quá dầy, ủ quấn quá kỹ khiến cho trẻ ra mồ hôi và nhiễm lạnh dẫn tới ho, viêm đường hô hấp.

 

N.C.K tổng hợp
Chia sẻ