Nâng ngực có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhưng không phải ung thư vú!

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Nâng ngực thực sự có thể là nguyên nhân dẫn đến một chứng bệnh ung thư ở hệ miễn dịch, mặc dù rất hiếm gặp.

Nâng ngực được khoa học cảnh báo tiềm tàng nguy cơ mắc ung thư

Hầu hết mọi người nhận thức được rằng có một số rủi ro nhất định khi nâng ngực như để lại sẹo, nguy cơ nhiễm trùng… Nhưng mới đây, một báo cáo mới của NBC News chỉ ra rằng có một điều nữa mọi người nên cân nhắc: Nâng ngực có thể dẫn đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), u lympho tế bào lớn anaplastic liên quan đến nâng ngực là một loại hiếm hoi của u lympho không Hodgkin. Trong hầu hết các trường hợp, BIA-ALCL được tìm thấy trong mô sẹo và chất lỏng gần khu vực nâng ngực, nhưng một số trường hợp, nó có thể lây lan khắp cơ thể bạn.

Nâng ngực có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhưng không phải ung thư vú! - Ảnh 1.

Hầu hết mọi người nhận thức được rằng có một số rủi ro nhất định khi nâng ngực như để lại sẹo, nguy cơ nhiễm trùng…

FDA thực sự đã xác định được mối liên hệ giữa nâng ngực và ung thư vào năm 2011, mặc dù ở thời điểm đó, rủi ro này được coi là cực thấp. Nhiều năm sau, vào năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ định BIA-ALCL là "u lympho tế bào T có thể phát triển sau nâng ngực.

Tính đến tháng 9 năm 2017, FDA cho biết đã nhận được 414 báo cáo trường hợp nâng ngực bị BIA-ALCL, (một dạng ung thư máu cực hiếm), trong đó có 9 bệnh nhân tử vong. Điều này cho thấy mặc dù ung thư do nâng ngực cực hiếm nhưng cũng phổ biến hơn việc nhiều chuyên gia nghĩ.

Các triệu chứng của ung thư máu hiếm gặp BIA-ALCL là gì?

Theo FDA, các triệu chứng của ung thư máu hiếm gặp BIA-ALCL khá dễ phát hiện như sưng liên tục, đau ở vùng xung quanh khu vực nâng ngực. Trong kỳ kiểm tra, bác sĩ thường sẽ thấy chất lỏng tụ lại xung quanh vùng ngực được nâng, gọi là huyết thanh. Một số bệnh nhân cũng nói rằng họ cảm thấy có khối u dưới da hoặc nhìn thấy viền nang sẹo dày, đáng chú ý xung quanh khu vực nâng ngực.

Nâng ngực có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhưng không phải ung thư vú! - Ảnh 2.

Theo FDA, các triệu chứng của ung thư máu hiếm gặp BIA-ALCL khá dễ phát hiện như sưng liên tục, đau ở vùng xung quanh khu vực nâng ngực.

"Nếu phụ nữ nhận thấy sự phình to hoặc sưng ngực, hoặc loét vú, đặc biệt là hơn một năm sau khi đặt túi ngực, điều quan trọng nhất là phải đến tìm bác sĩ phẫu thuật và thông báo ngay sự bất thường này", GS Richard J. Bleicher (Khoa ung thư phẫu thuật tại Trung tâm Ung thư Fox Chase) cho hay.

Nhiều phụ nữ lo lắng muốn tháo bỏ túi nâng ngực, điều này có thực sự cần thiết?

FDA cho biết, nếu những bệnh nhân nâng ngực thường xuyên xuất hiện những triệu chứng đau, cục u, sưng hoặc không đối xứng ngực sau khi vết rạch đã lành lặn hoàn toàn thì cần thiết phải đi khám và loại bỏ túi nâng ngực.

"Không ai mong muốn ung thư sẽ phát triển sau khi nâng ngực. May mắn là khả năng phát triển bệnh này cực kỳ thấp. Đã có những trường hợp hiếm hoi phát triển ALCL và tử vong nhưng không thực sự nhiều. Điều quan trọng hơn là bạn có thể điều trị được dứt điểm nên chị em không cần phải hoảng sợ", BS Bleicher nói.

Nâng ngực có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhưng không phải ung thư vú! - Ảnh 3.

Nếu những bệnh nhân nâng ngực thường xuyên xuất hiện những triệu chứng đau, cục u, sưng hoặc không đối xứng ngực sau khi vết rạch đã lành lặn hoàn toàn thì cần thiết phải đi khám và loại bỏ túi nâng ngực.

Điều quan trọng nhất cần phải chú ý gì khi nâng ngực?

Theo TS Lê Huy Thọ (Nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), mặc dù phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn là một loại phẫu thuật thông dụng, có độ an toàn cao nhưng không phải không tiềm ẩn rủi ro.

Trong một báo cáo tại Hội nghị thẩm mỹ Pháp- Việt được tổ chức tại trường Đại học y khoa Hà nội tháng 10/2015 cho thấy: tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật nâng ngực là 5,8% trên tổng số 1.561 túi độn ngực. Các biến chứng sớm sau mổ (tụ máu, nhiễm trùng, toách vết mổ ) là 2,3%. Các biến chứng muộn như: vỡ túi silicone 2%, túi giọt nước bị xoay là 0,5%, co bao xơ là 1%.

Nâng ngực có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhưng không phải ung thư vú! - Ảnh 4.

Mặc dù phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn là một loại phẫu thuật thông dụng, có độ an toàn cao nhưng không phải không tiềm ẩn rủi ro.

Theo vị chuyên gia này, điều quan trọng nhất trước khi nâng ngực là phải khai báo đầy đủ bệnh lý cũng như tiền sử bệnh của gia đình. Nếu giấu giếm thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Nhiều bệnh nhân bị bệnh lý tim mạch, huyết áp cao, sử dụng thuốc tê, thuốc mê dễ gặp phải biến chứng. Thủ thuật gây tê khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ dù là nâng ngực hay nâng mông, gọt hàm, độn cằm… cũng cần được chú ý hàng đầu. Thường thì gây tê có thể được làm tại các thẩm mỹ viện tư, nhưng gây mê phải làm ở bệnh viện có đội ngũ bác sĩ có tay nghề và có trang thiết bị đầy đủ.

Chuyên gia khuyến cáo, không chỉ chọn bác sĩ có tay nghề cao mà còn phải có kinh nghiệm, từng làm việc tại các bệnh viện lớn, cơ sở phẫu thuật cần đủ trang thiết bị và có đông bác sĩ, y tá tham gia. Tại đây bạn sẽ được tư vấn, khám trước khi quyết định nâng ngực hay không (nhất là khi kết hợp với hút mỡ bụng), nâng bằng phương pháp nào phù hợp nhất...

Chia sẻ