Năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành nước siêu già

Chí Tâm,
Chia sẻ

8,3% dân số Việt Nam hơn 65 tuổi, tức có khoảng 8 triệu người cao tuổi. Dự báo 30 năm nữa tỷ lệ này tăng lên 18%.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ 7% người hơn 65 tuổi. Đến năm 2019 số người hơn 65 tuổi đã chiếm 8,3% dân số.

Theo bà Lan, Việt Nam là nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Khi các nước khác phải mất từ 50 -100 năm thì Việt Nam chỉ khoảng 17-20 năm. “Việt Nam sẽ là quốc gia dân số siêu già vào năm 2050", bà Lan nói.

Dân số già nhanh, khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe, cũng như vấn đề an sinh xã hội dành cho người cao tuổi trong thời gian tới.

Năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành nước siêu già - Ảnh 1.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

TS Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cán bộ chương trình UNFPA cho biết, ở nước ta 70% người cao tuổi có ít nhất 2 bệnh. 14% người cao tuổi gặp khó khăn trong các hoạt động sống hàng ngày và cần hỗ trợ. Số người cao tuổi gặp ít nhất một loại khó khăn trong sinh hoạt hành ngày từ 28% ở độ tuổi người 60-69, lên đến hơn 50% ở người 80.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi năm 1999 lên tới 73,2 tuổi năm 2014, và dự báo sẽ lên 78 tuổi vào năm 2030.

Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội… trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác, dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội.

Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, 70% vẫn phải làm việc kiếm sống, trong khi người cao tuổi rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế, xã hội khi con cái không có việc làm và cuộc sống ổn định.

Theo các chuyên gia, biện pháp để nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi là cần cải cách chế độ hưu trí hiện hành, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm cho người cao tuổi, mở rộng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi dễ bị tổn thương hướng tới một hệ thống toàn cầu, tập trung đặc biệt vào người cao tuổi sinh sống ở khu vực nông thôn, phụ nữ cao tuổi. Cùng với đó, tăng cường dịch vụ y tế và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi nhằm chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ tài chính.

Mới đây, Thủ tướng vừa phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam 2030, trong đó có duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 11%.

Chia sẻ