“Mùa thu của cây dương” – Có những lòng tốt giản đơn thôi…

Hải Hoàng,
Chia sẻ

Không cầu kì, kiểu cách, không đao to búa lớn, “Mùa thu của cây dương” cũng nhẹ nhàng như một chiếc lá dương vàng óng xoay xoay theo làn gió thu rớt xuống khu vườn.

Mùa thu của cây dương

Tác giả: Yumoto Kazumi

Dịch giả: Nguyễn Thị Hương Giang

NXB Văn Học
Giá bìa: 37.000
 


Tôi ấn tượng với Yumoto Kazumi từ lần đầu tiên khi đọc “Khu vườn mùa hạ”. Và cho đến tác phẩm thứ hai, “Mùa thu của cây dương”, tôi biết mình hoàn toàn bị chinh phục. Ở cả hai tác phẩm, điều tôi yêu nhất chính là việc Yomoto Kazumi đã tìm cách gửi gắm những thông điệp vô cùng sâu sắc bằng những câu chuyện đơn giản nhất.
 
Cả trong “Khu vườn mùa hạ” hay “Mùa thu của cây dương”, Yumoto Kazumi đều xây dựng nên một thế giới rất giản dị, và trong đó, cũng là những câu chuyện với nội dung giản dị đến không ngờ. Ở “Khu vườn mùa hạ”, đó là chuyện về hai cậu bé theo dõi một ông cụ, chỉ vì thắc mắc không biết người chết sẽ như thế nào. Còn trong “Mùa thu của cây dương”, đó là chuyện về cô bé Chiaki và bà cụ chủ nhà trọ với “dịch vụ” kì lạ: Chuyển thư cho những người đã khuất.
 


Mùa hè năm Chiaki lên 6 tuổi, Chiaki và mẹ chuyển đến khu nhà trọ mang tên Cây Dương trong tâm trạng khủng hoảng. Người bố không còn, mẹ Chiaki trở nên tiều tụy và hầu như không còn đủ sức để chăm lo cho cô con gái. Chiaki nhạy cảm và thiếu thốn tình thương yêu, sống khép kín trong hàng trăm mối lo sợ thường nhật, những mối lo sợ tưởng chừng như rất “nực cười” như chuyện quên sách vở, đi học muộn, quên khóa cửa, cháy nhà, hay có một ống cống đen tối chực hút lấy mình… Tất cả đủ để thể hiện tâm trạng một cô bé con đang vô cùng hoảng loạn mà không tìm được nơi bấu víu. Mãi cho đến một ngày khi cô bé bị ốm, và bà cụ chủ nhà nhận sẽ chăm sóc cho cô khi mẹ đi làm, cái bà cụ mà theo Chiaki, có gương mặt như anh chàng thủy thủ Popeye trong hoạt họa…
 


Và thật bất ngờ, cái bà cụ có phần hơi đáng sợ trong suy nghĩ của một cô bé con ấy lại làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Chiaki. Từ một cô bé nhút nhát hay lo sợ, Chiaki đã hòa đồng với tất cả mọi người. Cô quen dần với lớp học mới và làm bạn với những người hàng xóm trong trang viên Cây Dương. Đó là cô Sasaki với thú vui ném thức ăn cho mèo từ trên cao, là bác Nishioka hiền lành nhưng cũng dễ bốc đồng, là chàng trai Osamu dễ thương, là cả những chú mèo con đáng yêu nhưng có tật hay… vệ sinh bừa bãi… Nhưng trên tất cả, bà cụ chủ nhà đã giúp Chiaki thoát khỏi những khủng hoảng sau sự ra đi của người bố bằng một câu chuyện kì lạ, câu chuyện về “dịch vụ” chuyển thư cho những người ở thế giới bên kia.
 


Người thành lập “dịch vụ” kì lạ này không ai khác chính là bà cụ chủ nhà. Trong nhà bà cụ có một chiếc ngăn kéo chuyên để đựng những lá thư của rất nhiều người còn sống gửi cho những người thân đã khuất của họ. Và bà cụ chủ nhà sẽ ra đi để thực hiện công việc đưa thư của mình khi nào chiếc ngăn kéo kia đầy ắp. Tất cả những người gửi thư sẽ phải trả một khoản phí. Riêng Chiaki được bà cụ cho phép gửi thư “miễn phí”. Vậy là cô bé bắt đầu viết cho bố, từ rụt rè đến hăng hái. Từ những câu chuyện vặt vãnh thường nhật cho đến những tâm sự thầm kín. Những lá thư ngày một nhiều, và cùng với nó, những nỗi lo sợ, sự phiền muộn và hoảng loạn của cô bé lại ngày một vơi đi…
 


Một câu chuyện thật như đùa. Một câu chuyện mà sau này, khi đã là một người phụ nữ trưởng thành, Chiaki đã nghĩ rằng đó chỉ là những cố gắng của bà cụ nhằm an ủi cô bé con 6 tuổi. Nhưng rồi một ngày, 20 năm sau ngày gia đình cô chuyển khỏi trang viên Cây Dương, Chiaki nhận được tin bà cụ qua đời. Những bí mật lúc này mới thực sự được hé lộ. Không chỉ là bí mật về cái chết của người cha, đó còn là bí mật về chiếc ngăn kéo ngày nào, bí mật của những lá thư, bí mật của bà cụ có gương mặt thủy thủ Popeye mỗi khi ăn rau chân vịt…
 


Không cầu kì, kiểu cách, không đao to búa lớn, “Mùa thu của cây dương” cũng nhẹ nhàng như một chiếc lá dương vàng óng xoay xoay theo làn gió thu rớt xuống khu vườn. Một câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc lạ thường. Một câu chuyện về tình yêu, tình người, và một lần nữa, về cái chết. Nói “một lần nữa” bởi đây cũng là chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm “Khu vườn mùa hạ”. Cái chết trong câu chuyện của Yumoto Kazumi có lẽ không hề đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Cái chết, với bà cụ chủ nhà giống như một chuyến đi, một nghĩa vụ, một công việc phải làm. Cũng chính bởi thế, nên đám tang của bà cụ không hề buồn bã như những đám tang khác. Có nỗi tiếc thương cho người đã khuất, nhưng tâm trạng của ai cũng nhẹ nhõm hơn hẳn. Có lẽ bởi ai trong số họ cũng đinh ninh rằng, bà cụ đang thực hiện chuyến đi của mình, đang làm công việc mà bà đã dành thời gian nhiều năm chuẩn bị - công việc chuyển những lá thư.
 


Một mùa thu nữa lại trải lá vàng trên căn hộ Cây Dương, nơi lưu giữ những kỷ niệm về một con người kì lạ. Bà cụ ấy không hề được tác giả nhắc tên, suốt từ lúc bà xuất hiện trong cuộc đời cô bé Chiaki cho đến lúc qua đời. Khi bà ra đi, cũng không có ai là họ hàng thân thiết, nhưng bà lại có vô số bạn bè. Những người bạn đưa tiễn bà bằng sự quý trọng, bằng tình yêu, tình người, và trên tất cả, là một sự thanh thản, nhẹ nhàng mà không phải đám tang nào cũng có. Bà sẽ sống mãi trong trái tim họ như một biểu tượng về lòng tốt thầm lặng. Một lòng tốt giản đơn thôi, dễ dàng thôi, lòng tốt của người dưng qua đường, lòng tốt giữa con người với con người, nhưng mấy ai trong đời này có được?
Chia sẻ