Mưa kinh hoàng 3 ngày liên tiếp, người dân Sài Gòn mệt mỏi vì nước mãi không rút hết

Mộc Cát,
Chia sẻ

Sau mấy ngày liên tiếp hứng chịu những cơn mưa lớn, nhiều người dân Sài Gòn đang rất khổ sở vì nhà vẫn ngập trong nước.

Những ngày vừa qua vì phải chịu những cơn mưa lớn nên Sài Gòn xuất hiện rất nhiều điểm ngập. Sau khi mưa tạnh hẳn và nước rút dần, người dân tiến hành dọn dẹp nhà cửa để bắt đầu lại những hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, mọi thứ dường như vẫn còn rất ngổn ngang, nhất là ở những vùng nước chưa rút hết, dân vẫn bì bõm lội trong nhà.

10
Một con đường ở quận Thủ Đức vẫn tràn ngập nước dù mưa đã tạnh từ lâu.


Mệt mỏi thu dọn đống hỗn độn

Tại khu vực Thanh Đa (quận Bình Thạnh), người dân vẫn còn hú vía khi nhớ lại hai đêm “kinh hoàng” vừa xảy ra. 

Ngồi ôm đứa cháu nhỏ trên chiếc ghế bố, cô Lê Thị Thu Thanh (52 tuổi) mô tả: “Hôm đó tôi cũng đang ngồi như vầy thì mưa ào tới. Chỉ độ nửa tiếng thì nước mưa tràn vào nhà, rồi nước từ đâu dưới đất rỉ lên, ngập luôn tới bàn thờ ông Địa. Mấy đứa nhỏ phải hì hục khiêng hết vật dụng dễ thấm nước lên trên cao, còn tôi ngồi tát nước ra ngoài liên tục. Đến tầm 9 giờ lại cúp điện, đã ẩm uớt lại còn tối tăm nữa. Thiệt kinh khủng”.

Đối diện nhà cô Thanh, vựa ve chai của chị Phạm Thị Ngọc Tuyền (35 tuổi) cũng thảm không kém. Dù nước chỉ ngập tới cạnh thềm, không tràn vào nhà nhưng bấy nhiêu đó đã đủ làm cho đống phế liệu của chị ngấm no nước. Chị Tuyền lắc đầu: “Giờ phế liệu ẩm ướt như vậy phải bán giá rẻ bèo, chứ phơi thì biết chừng nào mới khô. Dám chừng chiều nay mưa nữa…”. 

1
Nhân viên vựa ve chai của chị Tuyền đang ôm đống nhựa đầy nước vô nhà.

Gần đó, chị Nguyễn Thị Kim Lệ (35 tuổi) đang đổ mồ hôi như tắm bên mớ hỗn độn những nệm ướt, quần áo nát nhàu. Chị cho biết: “Mới đến trọ ở đây có 6 tháng nên đâu ngờ có vụ (nước ngập-PV) này. Lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy. Đang ăn cơm thì nước mưa đánh vào. Thêm nước cống tràn vô mang theo mùi hôi thối nồng nặc. Không chuẩn bị gì, đồ đạc của tôi nhanh chóng ướt nhẹp, hỏng luôn cả dàn karaoke. Chưa dọn xong thì mấy ngày sau lại mưa tiếp. Giờ nguyên đống đồ dơ này không biết khi nào mới dọn sạch”.

8
Chị Lệ mệt bở hơi tai dọn dẹp đống quần áo.

Các hộ dân ở đây cho biết, ba ngày mưa lớn, hầu như hộ nào cũng trong tình trạng ngập úng. Nước lênh láng từ chợ đến chung cư Thanh Đa, đồng thời nước sông lại tràn vào. Chỉ lên trần nhà, chú Long (58 tuổi), một người dân cố cựu tại đây chua chát nói: “Năm nào cũng ngập, nhưng chưa thấy trận nào ghê gớm như năm nay. Cái trần nhà này ngày xưa cao lắm, nhưng cứ mỗi năm nước ngập lại nâng nền lên, đến bây giờ giơ tay lên là với tới luôn. Giờ mà nâng nữa chắc cái nhà này thành cái hang”.

2
Sau 3-4 lần nâng nền, giờ nhà chống ngập, giờ nhà ông Long thấp lè tè.

Từ hồi đầu năm, ông Long cùng những hộ dân ở đây đã hùn tiền lại để cùng nhau nạo vét đường ống cống trước nhà nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Ông cho rằng đường ống thoát nước tại đây đã cũ, tiết diện ống nhỏ không đủ sức chứa là một trong những lý do khiến tình trạng ngập tại khu vực Thanh Đa càng lúc càng nặng nề.

Cho đến tận trưa, nhiều người dân vẫn còn phải mệt nhừ lau nhà, khiêng lại vật dụng về vị trí cũ và giặt giũ đồ đạc. Có người còn đem đồ đi thanh lý và sửa chữa sạch, khiến nhà cửa trống trơn.

9
Một ngôi nhà trống trơn do chủ đem hết các vật dụng bị ngập đi.

Vẫn còn “sống chung với lũ”

Nhưng khu vực Thanh Đa vẫn còn may mắn vì nước đã rút hết. Với những hộ dân ở đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), họ chỉ còn biết kêu trời khi nước vẫn còn ùn ứ, chưa chịu thoát đi. Trước cửa nhà mình, cô Lưu Thị Hồng (54 tuổi) chắn đầy các bao cát, nhưng ba đêm vừa qua, dòng nước cuồn cuộn đã xé toạc chiếc đê mỏng manh ấy.

11
Những bao cát "vô dụng" trước nhà cô Hồng.

Trong nhà cô nước ngập lên đầu gối, có chỗ còn đến thắt lưng khiến nhiều đồ đạc có giá trị trong nhà cô bị hư hỏng. Do nước lên quá cao nên dàn xe máy nhà cô bị chôn chân tại chỗ, giờ đây phương tiện hữu hiệu nhất để di chuyển trong gia đình lại là chiếc xe đạp của đứa cháu đang đi học. Cô Hồng cười buồn bảo: “Nước cứ đến trưa lại rút bớt, nhưng chiều tối lại dâng lên. Nhà tôi nằm trong chỗ trũng, lại không có đường thoát nước nên giờ chẳng biết làm sao”.

3
Nước tràn ngập phòng khách.

6
Và lan đến tận nhà bếp làm nhiều đồ đạc hư hỏng.

Cô Hồng dẫn chúng tôi đi sâu vào đường 51 và 52 (quận Thủ Đức) để thấy rằng không chỉ mình gia đình cô chịu trận. Khắp nơi nước ngổn ngang, từ đường xá, nhà trọ đến những công trình xây dựng còn dang dở. Em Nguyễn Hoàng Vũ (15 tuổi) đang tát lia lịa dòng nước đục ngầu ra khỏi nhà. Em bảo: “Năm nào khu vực này cũng ngập, nhưng ngập đến mức này khi không còn gì diễn tả. Sống chung với lũ riết quen luôn rồi”.

4
Một dãy trọ tại đường số 51 (quận Thủ Đức) còn ngập đến cẳng chân.

12
Người dân thản nhiên phơi đồ giữa dòng nước đục.

13
Tát nước ra khỏi nhà.

Chỉ vào một miệng cống gần bờ sông Cầu, cô Hồng cho biết đó là điểm thoát nước chính cho cả khu vực. “Thế nhưng nó bị tắc nghẽn từ lâu, mỗi lần mưa là nước lại chảy lên như sông, mang theo những đống rác rưởi hôi thối không chịu được. Thêm nữa, đường ống lại thoát nước lại đặt cao hơn mặt đường thì sao mà thoát cho nổi” – cô Hồng tiếp lời.

7
Cô Hồng chỉ vào cống thoát nước chính đã quá tải.

5
Một đoạn ống thoát nước được đặt cao hơn mặt đường.

Cô Hồng cũng như nhiều hộ dân khác hi vọng chính quyền địa phương tìm cách giúp khơi thông và mở rộng hệ thống cống rãnh, vì không phải chỉ trong trận mưa vừa qua, năm nào khu vực này cũng xảy ra tình trạng ngập nước. 

14
Người dân "sống chung với lũ".

Trước khi chờ giải pháp từ cơ quan chức năng, người dân vẫn phải tiếp tục bì bõm đi chợ, đi học, ăn cơm giữa dòng nước, và cầu trời không trút nước thêm giọt nước nào nữa.


Chia sẻ