"Một ngày cũng phải sống ý nghĩa", đó là cách cô gái 19 tuổi xinh đẹp này đối mặt với ung thư

Viên An - Minh Anh,
Chia sẻ

Đang ở tuổi trẻ trung, xinh đẹp và nhiều hoài bão nhất của đời người, Phạm Thị Huỳnh Nga (sinh năm 1997) bị phát hiện ung thư. Tuy nhiên, Nga vẫn lạc quan chia sẻ, dù còn một ngày cũng phải cố gắng sống cho thật tốt và ý nghĩa, vì cuộc đời còn nhiều điều tươi đẹp đang chờ mình.

9X xinh đẹp bị ung thư ước mơ được xoa đầu trẻ

Phạm Thị Huỳnh Nga (sinh năm 1997) là con đầu trong gia đình có 2 chị em ở xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Trải qua tuổi thơ vất vả và không được may mắn, bố mẹ ly hôn khi Nga còn nhỏ. Nga và em gái sống cùng mẹ và bà ngoại. Cả hai lớn lên nhờ những bữa cơm đạm bạc từ đồng lương ít ỏi của mẹ.

Cảm nhận được những nhọc nhằn của mẹ khi phải đi làm thuê từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về nhà, Nga luôn tự nhủ mình phải cố gắng học tập thật chăm chỉ để mai này có thể giúp đỡ và báo hiếu cho mẹ.

Đó là cách cô gái 19 tuổi xinh đẹp bị ung thư máu lạc quan và mạnh mẽ trước cuộc đời - Ảnh 1.

Dù bị mắc bệnh ung thư nhưng Nga vẫn lạc quan, yêu đời và mạnh mẽ sống.

Suốt 12 năm liền, với sự nỗ lực của bản thân, Nga luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Vốn yêu thích trẻ con nên Nga ấp ủ trở thành cô giáo mầm non để được dạy dỗ các em. Nhưng trớ trêu thay, ở tuổi 18 phơi phới thì con gái với bao dự định trong tương lai còn dang dở chưa thực hiện được thì bất hạnh đã ập đến với em.

Vào một ngày tháng 7/2015, sau nhiều lần bị sốt cao, uống thuốc hơn 1 tháng nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Nga được đưa vào bệnh viện tỉnh để chữa trị, tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán em mắc bệnh ung thư máu. Sau đó, Nga được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để tiếp tục điều trị.

Đó là cách cô gái 19 tuổi xinh đẹp bị ung thư máu lạc quan và mạnh mẽ trước cuộc đời - Ảnh 2.

Ước mơ của Nga chỉ đơn giản là cùng học cùng chơi với các em nhỏ.

Mẹ Nga, cô Lê Thị Ngọc (38 tuổi) đau đớn và suy sụp khi nghe biết bệnh tình của con. Cô bỏ lại hết mọi công việc để lên TP HCM chăm sóc con. Kinh tế vốn đã khó khăn, giờ lại rơi vào cảnh bế tắc hơn. Cô phải chạy vạy khắp nơi để có tiền cho con chữa bệnh.

Cũng từ khi phát hiện bệnh, Nga yếu đi rất nhiều, bị sút hơn 10kg, một bên tai không nghe được. Nhưng rồi vì thương mẹ, vì nghĩ đến những ước mơ còn chưa thực hiện, Nga nỗ lực vươn lên chiến đấu với bệnh tật. Sau 1 năm điều trị, tình trạng sức khỏe của Nga đã ổn định hơn và được xuất viện.

Nga lạc quan chia sẻ, dù còn một ngày cũng phải cố gắng sống cho thật tốt và ý nghĩa vì cuộc sống còn nhiều điều tươi đẹp đang chào đón mình.

Đó là cách cô gái 19 tuổi xinh đẹp bị ung thư máu lạc quan và mạnh mẽ trước cuộc đời - Ảnh 3.

Gạt hết mọi nỗi đau, cô gái đã vui cười trở lại.

Đó là cách cô gái 19 tuổi xinh đẹp bị ung thư máu lạc quan và mạnh mẽ trước cuộc đời - Ảnh 4.

Mẹ và em gái là chỗ dựa lớn nhất cho Nga.

Vỡ òa trong ngày được thực hiện ước mơ

Ngày 21/12, Nga ra viện, được bệnh viện Chợ Rẫy và ê kíp báo Thanh niên hoàn thành tâm nguyện làm cô giáo mầm non trong sự bất ngờ và hạnh phúc.

Chiếc xe đưa Nga lăn bánh khỏi bệnh viện nhưng không phải về nhà như Nga nghĩ, mà quẹo phải sang đường Lý Thường Kiệt và dừng ngay số 11 đường Lý Thường Kiệt, Q.5 TP.HCM.

Tại đây, nhìn thấy những học học trò nhỏ trường mầm non Họa Mi 2 đang chờ đợi Nga dưới cơn mưa nặng hạt của Sài Gòn, Nga vỡ òa trong niềm xúc động.

Đó là cách cô gái 19 tuổi xinh đẹp bị ung thư máu lạc quan và mạnh mẽ trước cuộc đời - Ảnh 5.

Nga hạnh phúc khi được thỏa ước mơ làm cô giáo mầm non sau khi ra viện.

Nghẹn ngào trước tấm lòng và món quà của mọi người, Nga không thể cất lên lời. Nga được đưa đi thay đồng phục cô giáo và hóa thân làm giáo viên mầm non lên lớp dạy các em vào ngay sáng ngày ra viện.

Được các em nhỏ gọi thân thiện và đầy kính trọng "cô Nga ơi!", Nga cảm thấy mình thật hạnh phúc và may mắn. Với Nga, có lẽ hôm đó là ngày đẹp nhất của cuộc đời, ngày mà Nga không thể nào quên. Được dạy các em múa hát, được chơi cùng các em, Nga như quên rằng trong cơ thể mình đang mang căn bệnh nguy hiểm. Tất cả những lo âu, sợ hãi trước đó đã biến mất, chỉ còn lại niềm vui và sự vô tư, hồn nhiên,.

Còn với cô Ngọc, nhìn thấy con hạnh phúc mãn nguyện với nụ cười rạng rỡ nở trên khuôn mặt, cô cũng cảm thấy an lòng và được an ủi phần nào. Đứng ngoài cửa sổ nhìn vào lớp học, nơi con gái đang cùng các cháu nhỏ học hành, cô lại nấc lên với đôi mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Nhưng giọt nước mắt ở đây không phải rơi vì đau khổ, chán nản, mà vì hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của một bà mẹ khi thấy con đã thực hiện được những gì con mong ước.

Bệnh nhân lạc quan, điều trị sẽ hiệu quả

Nói về bệnh tình của cô gái giàu nghị lực này, Thạc sĩ – bác sĩ Lê Phước Đạm, Khoa Huyết học, Phó đơn vị Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) là người trực tiếp điều trị cho Nga cho biết, Nga bị mắc bệnh bạch cầu cấp, hay dân gian hay gọi là bệnh máu trắng, đây là bệnh lý ung thư máu cấp tính.

Từ khi phát bệnh đến nay, Huỳnh Nga đã được các bác sĩ điều trị kéo dài hơn một năm. Em đã qua hai chu kỳ điều trị. Hôm nay, sau một tuần kết thúc chu kỳ điều trị, tình trạng sức khỏe của em đã tốt hơn. Em có thể tự đi lại, tự sinh hoạt.

Đó là cách cô gái 19 tuổi xinh đẹp bị ung thư máu lạc quan và mạnh mẽ trước cuộc đời - Ảnh 6.

Căn bệnh quái ác vẫn ngày đêm chực chờ lấy đi nụ cười thiên thần trên đôi môi bé nhỏ.

Để có được hiệu quả điều trị như thế, theo bác sĩ Đậm, ngoài việc đúng bệnh đúng thuốc, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc tốt thì sự nỗ lực, cố gắng của chính Nga cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.

"Tâm lý là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp điều trị hiệu quả", bác sĩ Đậm chia sẻ.

Theo vị bác sĩ này, bệnh bạch cầu cấp rất dễ "đánh gục" tinh thần của bệnh nhân, nhất là người trẻ. Ở tuổi đôi mưới, các bạn có rất nhiều hoài bão, nhiều ước mơ. Bỗng đùng một cái, nghe bị bệnh ung thư máu, bệnh lại xuất hiện một cách đột ngột thì tâm lý sẽ rơi ngay vào chán chường, bi quan.

Tuy nhiên, đối với Nga, trong quá trình điều trị, cũng có đôi lúc em mệt mỏi, chán nản. Đó là những lúc truyền hóa chất vào người. Bởi lẽ, theo lời bác sĩ, mỗi lần truyền hóa chất như vậy, bệnh nhân rất mệt, cực kỳ khó chịu và đau. Thế nhưng, căn bệnh đã không thể "đánh gục" em. "Sau giai đoạn điều trị thì em rất lạc quan. Nga và gia đình có sự hợp tác điều trị rất tốt", bác sĩ điều trị cho Nga nói.

Đó là cách cô gái 19 tuổi xinh đẹp bị ung thư máu lạc quan và mạnh mẽ trước cuộc đời - Ảnh 7.

Mẹ của Nga rơi nước mắt khi nói về căn bệnh của con gái.

Ngay chính bản thân Nga cũng tâm sự: "Phải cố gắng, không được bỏ cuộc, dù cho còn một ngày cũng phải cố gắng. Cuộc sống còn nhiều điều tươi đẹp mà mình chưa được biết lắm!"

Sự kiên cường của em, một là để "bệnh tật không ăn hiếp mình", để vơi đi nỗi buồn, sự lo lắng của mẹ. Bên cạnh đó, là để nuôi ước mơ trở thành cô giáo mầm non. Ước mơ mà mỗi khi trò chuyện, em đều nhắc đến, coi đó là động lực cho em chiến đấu với bệnh tật.

Đó là cách cô gái 19 tuổi xinh đẹp bị ung thư máu lạc quan và mạnh mẽ trước cuộc đời - Ảnh 8.

Niềm vui nho nhỏ của cô gái nghị lực trước dịp Noel bên các em nhỏ.

Theo bác sĩ Đậm, bạch cầu cấp là một dạng ung thư máu cấp tính. Bệnh không có biểu hiện nào báo trước mà thường xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh.

Triệu chứng thường gặp của bệnh có thể là: xuất huyết (chảy máu răng, chảy máu mũi, xuất huyết dưới da), nhiễm trùng (nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa) và thiếu máu (biểu hiện là mệt mỏi, chán ăn và đau đầu).

"Điều nguy hiểm của bệnh là xuất hiện đột ngột, không báo trước. Ở đây, chúng tôi từng gặp những trường hợp trước đó bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh. Thậm chí đi khám sức khỏe định kỳ một tuần trước đó các kết quả xét nghiệm, đánh giá sức khỏe đều bình thường. Tuy nhiên, sau đó một tuần, bệnh nhân xuất hiện một trong ba triệu chứng trên và bị bệnh bạch cầu cấp", bác sĩ Đậm cho biết.

Cho đến thời điểm hiện tại, y học vẫn đang tìm nguyên nhân gây ra bệnh và cũng không có một phương pháp nào phòng ngừa.

"Hiện tại, việc điều trị giúp kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân chứ khoa học vẫn chưa có cách điều trị khỏi bệnh", bác sĩ Đậm cho biết.

Đối với các bệnh nhân dưới 60 tuổi, phương pháp điều trị tốt nhất là ghép tế bào gốc (có thể chọn tế bào gốc từ người cho trong gia đình hoặc người cho từ cộng đồng có sự phù hợp).

Phương án điều trị thứ hai đối với bệnh bạch cầu cấp là hóa trị. Quá trình điều trị kéo dài, qua nhiều giai đoạn và phải lặp đi lặp lại nhiều lần.

Chia sẻ