Một là chiều con, hai là con sẽ…

Minh Minh,
Chia sẻ

Cuộc sống hiện đại với tư tưởng hiện đại khiến nhiều ông bố bà mẹ thường coi con cái bình đẳng với mình. Nhưng ngược lại, con cái lại lấy đó để làm cơ sở để mà ra điều kiện với bố mẹ.

Ra điều kiện với bố mẹ không còn là điều gì lạ lẫm nữa. Và những lúc như vậy, nhiều ông bố bà mẹ mới nhận ra sự quá dễ dãi của mình đối với con cái.
 
... con sẽ không học
 
Tùng nổi tiếng trong lớp vì có bố mẹ thoáng tính và bình đẳng với con cái. Bố mẹ Tùng không gò ép con phải làm thế này, không được làm thế kia mà Tùng có thể làm theo ý Tùng miễn là đem lại kết quả tốt và không ảnh hưởng gì đến ai. Mục tiêu của bố mẹ Tùng là con trai phải học thật giỏi để ít nữa còn có cơ hội đi du học như bố mẹ. Thế nên, mọi thứ Tùng đòi hỏi liên quan đến việc học đều được bố mẹ Tùng đáp ứng.
 
Nhưng khi đã lớn hơn, quen nhiều bạn bè thì Tùng cũng thay đổi hẳn quan điểm. Thay vì chăm chỉ học hành, Tùng hay đi chơi hơn, kết giao với những bạn con nhà “có điều kiện” nhưng lại thích tiêu tiền hơn học. Không ít lần bố mẹ Tùng phải lên gặp cô giáo để giải quyết trường hợp Tùng bỏ học, không đóng tiền học, đánh bạn… Xấu hổ vì con, nhưng bố mẹ Tùng cũng không biết phải dạy con thế nào vì cho dù dùng biện pháp nặng hay nhẹ thì Tùng cũng phản ứng bằng cách ra điều kiện: “Con sẽ tập trung học nếu bố mẹ mua máy tính cho con, mua cho con…”. Đến lúc này bố mẹ Tùng mới biết mình đã để con tự do thái quá mức nào.
 

... con sẽ bỏ nhà đi

Vợ chồng chị Oanh có cô con gái năm nay vào lớp mười. Vừa vào năm học chưa được bao lâu mà chị Oanh đã thấy con gái có những biểu hiện lạ, học hành chểnh mảng hơn, thường xuyên vắng nhà không lý do và rất hay đi học sớm về muộn. Từ ngày con lên lớp 10, vợ chồng chị đã để con tự đi học bằng xe máy để con có thể đi cho kịp giờ học vì trường học hơi xa. Nhưng theo như chị Oanh để ý thì con gái đi xe máy lại chậm hơn cả so với đi xe đạp.

Dành ra vài buổi “thám thính”, chị Oanh bất ngờ khi phát hiện ra con gái đang “hẹn hò” với một anh chàng học trên hai lớp. Và hàng ngày, “nhiệm vụ” của cô bé là đến nhà đón cậu bạn kia đi học, đến chiều thì lại đưa cậu ta về nhà rồi mới về nhà. Những buổi trưa ở lại trường chờ học buổi chiều, cả hai cùng nhau đi ăn ở ngoài chứ không ăn ở căng-tin như các bạn khác. Nhìn hai đứa đèo nhau thân mật mà chị Oanh cảm giác như ngồi trên đống lửa. Kìm chế lắm chị mới về nhà để chờ con gái về và “hỏi cho ra lẽ”.
 
Chẳng cần biết con gái nói thế nào, vợ chồng chị Oanh đùng đùng bắt con phải chấm dứt “giao du” với cậu bạn kia, từ việc đưa đón đến ăn trưa cùng, kể cả việc nói chuyện cũng như chào nhau cũng phải chấm dứt hẳn, vì anh chị sợ còn “giao du” thì còn tình cảm và ảnh hưởng đến việc học của con. Chồng chị Oanh còn đùng đùng tuyên bố: “Chưa học hết năm thứ 2 Đại học thì đừng có nghĩ đến chuyện yêu đương, nếu không sẽ bị đuổi ra khỏi nhà”.
 
Con gái chị nói không chịu vì… trót có tình cảm với cậu bạn kia rồi. Vốn là đứa con gái cá tính, cô bé cũng quả quyết: “Con sẽ không đưa đón anh ấy nữa, nhưng chúng con sẽ vẫn là bạn ở đúng giới hạn để bố mẹ yên tâm. Còn nếu cứ ép buộc thì con sẽ đi khỏi nhà”. Thế mà vợ chồng chị Oanh cũng phải chịu con.
 
Vừa "đấm" vừa "xoa"
 
Những phản ứng kiểu như trên rất thường gặp ở những con gái, con trai đang trưởng thành người lớn và muốn được tự khẳng định mình. Cha mẹ thì luôn nghĩ con mình còn bé bỏng và luôn lo lắng con sẽ không “đối phó” với những “cạm bẫy” ngoài xã hội, nhưng những đứa trẻ lại khác. Bước vào tuổi dậy thì cũng là lúc nhiều đứa trẻ muốn được chứng tỏ mình, muốn được thể hiện bản thân và không muốn phụ thuộc vào những áp đặt hay tư tưởng của bố mẹ, và cách mà các con dùng để đối phó với bố mẹ là ra điều kiện.
 
Cách ứng xử hay nhất mà ông bà ta đã dạy là hãy “đấm”, để rồi “xoa”. Cha mẹ cứ sẵn sàng hi sinh một ngày đi học của con để dạy con một điều mà chưa chắc một ngày ở trường trẻ đã học được. Nhưng sau giai đoạn “cương” ấy, cha mẹ hãy “nhu”. Hãy trò chuyện với con như là người bạn, tìm hiểu tại sao chúng lại khát khao những nhu cầu ấy. Hơn nữa, cha mẹ vẫn có thể là người chủ động đặt ra đề nghị chấp nhận nhu cầu của con với một số điều kiện do chính cha mẹ “soạn thảo”...
Chia sẻ