Mỗi người mẹ là một phụ nữ chuẩn 10

phongmay,
Chia sẻ

Các con là niềm vui, là nguồn sống của bác.

Đọc được thông tin về cuộc thi viết chủ đề “Phụ nữ chuẩn 10” tôi liền suy nghĩ sẽ viết bài tham dự. Nhưng viết về ai bây giờ? Viết về Bà hay viết về mẹ? Nhưng khi ngồi trước bàn phím, tôi muốn viết về Bác, chị gái của mẹ tôi.

Không rõ tiêu chuẩn “Phụ nữ chuẩn 10” của chương trình là gì nhưng với tôi, Bác xứng đáng được dành tặng câu nói ấy như một lời khen ngợi.

Mỗi người mẹ là một phụ nữ chuẩn 10 1

Sinh ra trong gia đình có 4 chị em gái, bố hi sinh trên mặt trận miền Nam, Bác là chị cả đã cùng bà ngoại tần tảo gánh vác công việc để nuôi ba em gái ăn học. Rồi bác lấy chồng với một người cùng hoàn cảnh, bố chồng là liệt sĩ. Mẹ chồng đã lập gia đình riêng, vì thế hai vợ chồng bác về sống cùng bà ngoại. Cuộc sống tưởng như là hạnh phúc. Bác là công nhân nhà máy Phúc Thịnh mà tiền thân là trại gà Đông Anh, chồng bác là kỹ sư xây dựng. Bác có được người chồng rất quan tâm yêu thương. Hai bác đã có 3 con trai. Gia đình tưởng sẽ hạnh phúc, vợ chồng chăm chỉ làm lụng nuôi 3 con ăn học nên người. Nhưng vụ tai nạn xe ngày ấy đã mang bác trai ra đi mãi mãi, để lại Bác tôi với 3 cậu con trai thơ dại, anh lớn nhất vừa tròn 5 tuổi, anh bé nhất mới được 5 tháng tuổi. Nỗi đau quá lớn.

Vì ba đứa con còn thơ dại, bác phải nén lại nỗi đau, lao vào vật lộn với cuộc sống, kiếm tiền nuôi 3 anh ăn học. Vẫn nhớ những gì mẹ tôi kể, bác làm ở trại gà vất vả lắm, phụ nữ là thế nhưng phải ôm vác những bao cám gà nặng hàng yến. Sau giờ làm, Bác tranh thủ trồng rau, lấy củi để đỡ tiền mua rau, mua than. Sẵn có kinh nghiệm chăn nuôi, bác vay mượn tiền mua gà công nghiệp về nuôi. Tôi nhớ rằng, nhà Bác là nhà đầu tiên trong làng nuôi gà công nghiệp và gà công nghiệp đẻ trứng. Vất vả vô cùng những lúc gà bị bệnh. Vừa đi làm về Bác phải xỏ ủng vào nhà gà nhỏ thuốc cho hàng trăm con gà, tới cả tiếng đồng hồ, khi xong thì lưng cứng đơ, người mỏi nhừ. Cứ như vậy, tiền lương, tiền bán gà, bán trứng đủ đề Bác trang trải học hành cho ba anh và xây nhà mới. Đó cũng là một trong những ngôi nhà gác 2 tầng đầu tiên của làng. Tôi thấy Bác mình giỏi quá.

Dù đã có 3 mặt con nhưng Bác vẫn có nhiều người quan tâm muốn cùng Bác xây dựng gia đình, nhưng Bác đều từ chối. Bác nói với các em gái rằng chỉ cần có 3 con, các con là niềm vui, là nguồn sống của bác.

Đã bao năm trôi qua, giờ Bác đã gần 60, các con trai đều đã lớn khôn, lập gia đình, bác vẫn tiếp tục chăm lo cho con cháu. Ngày ngày Bác vẫn chăm 5 đứa cháu nội, đứa lớn nhất đã học lớp 5, đứa bé thì tuổi rưỡi. Mình bác vẫn lo đủ cháo cơm cho mấy cháu đế bố mẹ chúng an tâm công tác.

Khi tôi hỏi, giờ Bác có lương hưu, các anh cũng đã có gia đình, tại sao Bác vẫn vất vả sớm chiều lo cho các anh, sao Bác không dành tiền đi du lịch và nghỉ ngơi? Bác chỉ nói một câu: "Những vất vả con nói chính là hạnh phúc của Bác". Tôi thấy cảm phục Bác, cả một đời tần tảo vì con, cả một đời dành trọn cho con.

Phải chăng những người phụ nữ Việt Nam đều vậy, hi sinh tất cả tuổi xuân, sức trẻ vì con cái, vì gia đình và họ thấy đó là hạnh phúc? Tôi thầm nghĩ, mỗi người mẹ là một phụ nữ chuẩn 10.

Chia sẻ