Mọi điều cần biết khi cho trẻ sử dụng núm vú giả: Bao giờ thì bắt đầu và khi nào nên dừng lại?

Kim Vi,
Chia sẻ

Núm vú giả có thể rất hữu ích trong nhiều trường hợp cũng như giúp em bé cai sữa. Nhưng việc sử dụng thế nào cho đúng thì không phải cha mẹ nào cũng biết.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều đồng ý rằng, núm vú giả là một trong những công cụ hữu hiệu trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh và thậm chí là trẻ lớn hơn. Lợi ích của nó thì đã được nhận thấy, tuy nhiên việc sử dụng núm vú giả lâu dài có thể gây ra những tác dụng không mong đợi về cả sức khỏe và tinh thần của trẻ. Việc loại bỏ núm vú giả ra khỏi vật dụng của trẻ có thể sẽ khó khăn nếu như trẻ đã quá quen với việc sử dụng vật dụng này. Là cha mẹ, bạn có thể làm gì để giải quyết tình trạng này?

Ưu và nhược điểm của việc sử dụng núm vú giả

Theo trang web dành cho cha mẹ HealthyChildren, tất cả các em bé được sinh ra đều có nhu cầu bú. Nhu cầu bẩm sinh này là cần thiết cho các em bé vì đây chính là cách để chúng có thể có được thức ăn. Mút tay cũng là một dạng tương tự, khi nó có thể giúp trẻ tự làm dịu và ngủ dễ dàng hơn. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng tuyên bố rằng, trẻ sơ sinh sử dụng núm vú giả sẽ ít gặp phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) hơn so với trẻ không sử dụng. Điều này có thể là do núm vú giả giúp giữ cho đường thở của trẻ sơ sinh mở và không bị cản trở khi chúng ngủ, mặc dù mối liên hệ chính xác giữa việc sử dụng núm vú giả và SIDS không rõ ràng.

Mọi điều cần biết khi cho trẻ sử dụng núm vú giả: Bao giờ thì bắt đầu và khi nào nên dừng lại? - Ảnh 1.

Sử dụng núm vú giả có những ưu, nhược điểm khác nhau trong sự phát triển của trẻ (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc sử dụng núm vú giả trong quá trình phát triển của trẻ cũng có những nhược điểm khác. Việc sử dụng núm vú giả quá lâu có thể gây ra nhiều vấn đề về răng miệng. Theo Tiến sĩ Carina De Los Reyes - nha sĩ nhi khoa và cựu chủ tịch của Hiệp hội Nha khoa Nhi khoa Philippines (PPDSI), thì một trong những vấn đề mà việc sử dụng núm vú giả ảnh hưởng đến trẻ là triệu chứng malocclusion - một tình trạng mà răng trên và dưới không thẳng hàng. Bên cạnh đó, sử dụng núm vú giả kéo dài cũng có thể khiến miệng trẻ bị hở hàm và răng nhô ra.

Vấn đề sức khỏe thứ hai từ việc sử dụng núm vú là nhiễm trùng tai. Nina L. Shapiro - trợ lý giáo sư chuyên khoa tai mũi họng trẻ em tại Khoa Y, Đại học California (Mỹ), cho biết mút núm vú giả thúc đẩy việc hội tụ chất lỏng trong tai và có thể dẫn đến nhiễm trùng tai. Hành động mút làm cản trở ống Eustachian – bộ phận giúp làm sạch tai giữa hoạt động chính xác, do đó chất lỏng bị giữ lại trong tai.

Cuối cùng, sử dụng núm vú giả kéo dài có thể cản trở sự phát triển khả năng nói của trẻ. Mặc dù các nghiên cứu về tác động của việc sử dụng núm vú giả với sự phát triển khả năng nói của trẻ không rõ ràng nhưng nếu như trẻ vẫn sử dụng núm vú giả khi được 1 tuổi thì việc phát triển khả năng nói không bằng những trẻ cùng tuổi không sử dụng núm vú.

Dưới đây là ba cách để bạn có thể giúp trẻ kết thúc việc sử dụng núm vú giả:

1. Chọn đúng thời điểm

Mọi điều cần biết khi cho trẻ sử dụng núm vú giả: Bao giờ thì bắt đầu và khi nào nên dừng lại? - Ảnh 2.

Một tuổi là thời điểm thích hợp để ngưng cho trẻ sử dụng núm vú giả (Ảnh minh họa)

Khi nói đến việc loại bỏ sử dụng núm vú giả cho trẻ, thời gian là yếu tố quan trọng nhất. Các chuyên gia khuyên rằng trong 6 tháng đầu, bạn có thể cho trẻ sử dụng núm vú giả để trải nghiệm những lợi ích của nó.

Tuy nhiên, Tiến sĩ De Los Reyes khuyên các bậc cha mẹ nên bắt đầu ngưng cho trẻ sử dụng núm vú giả khi trẻ được 1 tuổi. Theo Tiến sĩ Marolyn Morford - nhà tâm lý học tại State College, Pennsylvania (Mỹ) cho biết 1 tuổi là độ tuổi lý tưởng để ngừng sử dụng núm vú giả của con bạn, bởi vì ở độ tuổi đó nhu cầu phát triển của trẻ không còn là mút mà là trau dồi khả năng nói chuyện mạch lạc hơn và việc sử dụng núm vú giả liên tục có thể cản trở điều đó.

Một điều khác cần xem xét khi nào thì nên cho trẻ dừng sử dụng núm vú giả là tình huống ở nhà. Nếu như gia đình bạn có một sự thay đổi hay sự kiện quan trọng đang xảy ra như: sinh thêm con nhỏ, chuyển đến nhà mới hay có một chuyến đi dài… thì đó là khoảng thời gian không phù hợp để loại bỏ việc sử dụng núm vú giả ở trẻ vì nó có thể khiến trẻ căng thẳng hơn.

2. Bắt đầu chậm rãi

Mọi điều cần biết khi cho trẻ sử dụng núm vú giả: Bao giờ thì bắt đầu và khi nào nên dừng lại? - Ảnh 3.

Bạn có thể loại bỏ núm vú giả ra khỏi trẻ khi trẻ ngủ sâu và ban đêm (Ảnh minh họa)

Thực sự việc bắt đầu cho trẻ ngưng sử dụng núm vú giả cần rất nhiều thời gian và nỗ lực của các bậc cha mẹ. Bạn có thể bắt đầu bằng cách hạn chế cho trẻ sử dụng núm vú giả vào một thời điểm cụ thể trong ngày, chẳng hạn như vào thời gian ngủ trưa hoặc khi trẻ ngủ vào ban đêm, khi trẻ đã ngủ sâu bạn có thể lấy núm vú giả ra. Sau này, trẻ hoàn toàn có thể ngủ thiếp đi dù không có sự trợ giúp từ núm vú giả.

3. Luôn luôn khích lệ trẻ

Mọi điều cần biết khi cho trẻ sử dụng núm vú giả: Bao giờ thì bắt đầu và khi nào nên dừng lại? - Ảnh 4.

Việc loại bỏ một thói quen từ nhỏ của trẻ có thể sẽ gặp phải khó khăn, do đó hãy luôn ở bên cạnh khích lệ tinh thần con của bạn (Ảnh minh họa)

Quá trình loại bỏ núm vú giả ra khỏi trẻ đã quá phụ thuộc vào nó có thể rất khó khăn, vì vậy bạn hãy luôn ở bên cạnh và khích lệ trẻ. Bạn có thể dành cho trẻ lời khen hoặc phần thưởng đơn giản khi mà trẻ giảm được tần suất sử dụng núm vú giả hàng ngày. Và nếu như trẻ vẫn quay lại sử dụng chúng, hãy vẫn cứ khích lệ tinh thần và nhắc nhở trẻ rằng vẫn có thể bắt đầu lại mọi thứ.

Nguồn: Smartparenting

Chia sẻ