Miệt mài canh sale giảm giá, người tiêu dùng giúp ngày Độc thân 11/11 sở hữu nhiều con số kỉ lục về doanh thu bán hàng

Scorpiot,
Chia sẻ

Không chỉ trở thành ngày hội mua sắm lớn nhất năm tại Trung Quốc mà ngày Độc thân 11/11 còn sở hữu những con số kỉ lục về doanh thu bán hàng của các sàn thương mại và thương hiệu bán lẻ.

Được khởi xướng đầu tiên từ tỷ phú Jack Ma, ông chủ của tập đoàn nổi tiếng Alibaba, ngày lễ Độc thân (11/11) đã trở thành dịp mua sắm nhộn nhịp và sầm uất với quy mô lớn tại các nền tảng sàn thương mại điện tử của Trung Quốc.

Những con số biết nói

Theo thống kê, người tiêu dùng Trung Quốc đã tiêu khoảng 10 tỷ USD chỉ trong chưa đầy 30 phút đầu tiên của ngày 11/11/2019. Rất nhiều hàng hóa được bán ra từ thiết bị điện tử tiêu dùng đến cả những món đồ xa xỉ mà nhiều người không nghĩ tới như ô tô. Con số này tương đương với 1/3 tổng giá trị giao dịch cả ngày này vào năm ngoái.

Con số cập nhật gần đây nhất cho thấy tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã phá vỡ kỉ lục của chính mình vào năm trước khi thu về gần 30 tỷ đô la Mỹ chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Hùng hục canh sale giảm giá, người tiêu dùng giúp ngày Độc thân 11/11 sở hữu nhiều con số kỉ lục về doanh thu bán hàng - Ảnh 1.

Tất cả các thương hiệu smartphone Trung Quốc đều báo cáo doanh số bán hàng vượt xa kỳ vọng. OPPO và Huawei chỉ mất 1 phút đầu tiên để có thể phá kỷ lục doanh số smartphone của Ngày độc thân năm ngoái.

Xiaomi - nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 tại Trung Quốc - cho biết doanh thu bán hàng trên nền tảng Tmall đã phá vỡ cột mốc 1 tỷ nhân dân tệ (143 triệu USD) chỉ sau một giờ, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vivo cho biết doanh số smartphone trong ngày này đã tăng gấp 3,7 lần trong 2 giờ đầu, so với cùng kỳ năm ngoái. Thương hiệu Honor có doanh số bán hàng cao nhất trên cả 3 nền tảng thương mại điện tử Tmall, JD.com và Suning.com.

Apple mặc dù đang bị người dùng Trung Quốc tẩy chay, nhưng cũng có một ngày Độc thân rất thành công. Doanh số trong 10 phút đầu tiên trên nền tảng Tmall đã cao gấp 7 lần doanh số cả một ngày Độc thân năm ngoái.

Alibaba cho biết họ đã nhận được hơn một tỷ đơn đặt hàng một ngày trước khi lễ mua sắm bắt đầu, điều đó có nghĩa là 77% dân số Trung Quốc sẽ có một gói hàng sau ngày Độc thân.

Một thương hiệu Hàn Quốc cũng ghi nhận doanh thu trong ngày này bằng với doanh thu còn lại trong cả năm.

Theo Reuters, ngày Độc thân 11.11 năm nay là sự kiện mua sắm trực tuyến lần thứ 11 được tổ chức với hơn 200.000 thương hiệu tham gia, 1 triệu sản phẩm mới được cung cấp, thu hút hơn 500 triệu người, tăng khoảng 100 triệu so với năm ngoái.

Điều này đã khẳng định ngày lễ mua sắm 11/11 đã vượt qua cả những dịp như Black Friday hay là Cyber Monday của Mỹ với những doanh thu khổng lồ.

Thành công tới từ cách thức bán hàng đa dạng, mới mẻ và chuyên nghiệp

Sở dĩ có những doanh thu khổng lồ này là nhờ vào cách thức kinh doanh mới mẻ tới từ những sàn thương mại điện tử và các hãng bán lẻ. Họ đã có chiến lược khá hiệu quả khi biến ngày lễ độc thân này thành sự kiện toàn cầu bằng cách lôi kéo tất cả người tiêu dùng trên khắp thế giới phải nói về nó.

Đầu tiên là việc mời các ngôi sao nổi tiếng thế giới vào sự kiện của mình. Năm nay, ngôi sao người Mỹ Kim Kardashian đã livestream với hàng triệu người hâm mộ về việc sẽ bán các sản phẩm của thương hiệu mình trên trang bán hàng của Alibaba. Ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift đã được mời tới biểu diễn trong ngày diễn ra sự kiện này.

Hùng hục canh sale giảm giá, người tiêu dùng giúp ngày Độc thân 11/11 sở hữu nhiều con số kỉ lục về doanh thu bán hàng - Ảnh 3.

Hay như gần 20.000 thương hiệu và các nhà bán lẻ đã có thể quảng bá sản phẩm dưới hình thức quay video trực tuyến. Mọi thanh toán đều được thực hiện dễ dàng qua Alipay - ví điện tử đang được 900 triệu người Trung Quốc sử dụng. Alibaba cũng có hẳn 1 chi nhánh giao hàng riêng cùng hàng chục đối tác lớn nhỏ để xử lý hơn trăm triệu đơn hàng.

Hãng bán lẻ Alibaba chia sẻ, trong 8 tiếng đầu sự kiện các phương thức vận chuyển từ xe máy điện, tàu hỏa cao tốc cho tới máy bay đều được họ sử dụng để đảm bảo sản phẩm tới tay khách hàng chỉ trong vòng 1 tuần. Họ sẽ bắt đầu chuyển hàng đi từ ngày 12 và ngày 13 để người mua có thể nhận hàng vào ngày 15 hoặc ngày 16.

Ngoài Tmall và Taobao là 2 nền tảng mua sắm truyền thống, năm nay Alibaba còn mở rộng sang các nền tảng gồm Lazada, AliExpress với mong muốn thu hút thêm những khách hàng bên ngoài Trung Quốc.

Ngày Độc thân (11/11) hot không kém tại Việt Nam

Hùng hục canh sale giảm giá, người tiêu dùng giúp ngày Độc thân 11/11 sở hữu nhiều con số kỉ lục về doanh thu bán hàng - Ảnh 4.

Từ nhiều năm qua, Alibaba và các đối thủ cũng đã mang ngày lễ Độc thân vào Đông Nam Á, một thị trường thương mại điện tử hàng đầu hiện nay với kì vọng sẽ mang lại thành công như tại quê hương của nó suốt 10 năm qua.

Tại Việt Nam, ngày lễ Độc thân chỉ du nhập vài năm trở lại đây nhưng các doanh nghiệp cũng không bỏ lỡ cơ hội này. Năm nay, không chỉ áp dụng các hình thức giảm giá, khuyến mại và cạnh tranh với nhau mà các doanh nghiệp còn đưa ra nhiều hình thức mới lạ, gây nhiều tò mò cho người tiêu dùng.

Các chiêu thức khuyến mại đa dạng tới từ các ngành hàng với nhiều chiêu hàng giảm giá như rạp chiếu phim bán vé xem với với dịch vụ ghế thoát ế, các nhãn hàng chơi đùa với con số 1: mua 1 tặng 1, hay giá cho các sản phẩm là 1.000 đồng/11.000 đồng/111.000 đồng.

Các trang giảm giá của các sàn thương mại điện tử cũng bắt kịp xu hướng như chạy các cách thức giảm giá và thời gian giao hàng đa dạng hơn để thu hút được nhiều khách hàng biết tới nhất. Ngoài ra còn kết hợp thêm cách thức như livestream, gameshow, vừa chơi vừa nhận quà với những ngôi sao nổi tiếng.

Sự sôi động trong phương thức cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử Việt Nam tại ngày lễ đặc biệt này khiến tình hình truy cập và mua sắm chứng kiến sự đổi ngôi liên tục.

Tuy nhiên, đi kèm với những lợi nhuận trước mắt thì thách thức thật sự được đặt ra. Các trang bán hàng buộc phải bắt kịp xu hướng mới để cạnh tranh. Đồng thời vừa phải cải thiện được những yếu tố cơ bản nhất của mình, là đa dạng nguồn hàng hóa và tốc độ giao hàng.

Chia sẻ