MERS-CoV - virus tử thần đe dọa nhiều quốc gia

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Với sự thông thương du lịch và thương mại, nguy cơ virus MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam rất lớn.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến nay, trên toàn thế giới đã ghi nhận 1.154 người mắc, trong đó có 434 người tử vong do nhiễm MERS-CoV. Hiện đã có tới 26 quốc gia ghi nhận bệnh nhân MERS-CoV. 

Trong thời gian gần đây, một số quốc gia ghi nhận những trường hợp nhiễm MERS-CoV mới như Hàn Quốc, Quata, Trung Quốc. Với sự thông thương du lịch và thương mại, nguy cơ virus MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam rất lớn.

Hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung Đông là gì?

Hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do một loại virus Corona có tên là MERS-CoV gây ra. Phần lớn các trường hợp được xác định nhiễm MERS-CoV có biểu hiện bệnh đường hô hấp cấp tính nặng và tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh lần đầu tiên được phát hiện tại Ả rập xê út vào tháng 9/2012, có ổ chứa từ lạc đà, sau đó lây từ người sang người với thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày. 

So với coronavirrus SARS, độc lực của virus MERS-CoV mạnh hơn, có khả năng gây tử vong cao hơn. 

MERS-CoV có thể trở thành dịch bệnh thế kỷ

Lý do thực sự có thể biến MERS-CoV thành một dịch bệnh thế kỷ đó là virus truyền bệnh có thể di chuyển từ người sang người. Theo các nhà khoa học, MERS-CoV có thể truyền giữa những cá thể có tiếp xúc trực tiếp với nhau, thường thông qua đường hô hấp nhưng trong phạm vi giới hạn.

Điều này khiến đa số các trung tâm y tế cho rằng, căn bệnh này ít khả năng có thể trở thành đại dịch và lây truyền cho hầu hết dân chúng.

Tuy nhiên một số nghiên cứu lại chỉ ra rằng MERS-CoV dễ lây lan hơn chúng ta tưởng. Một thí nghiệm đã cho thấy, loại virus này có thể tồn tại trong không khí một khoảng thời gian nhất định trong điều kiện môi trường chung gồm chủ thể mang virus và những người xung quanh.

mers-co- bệnh dịch nguy hiểm
Tính đến nay, trên toàn thế giới đã ghi nhận 1.154 người mắc, trong đó có 434 người tử vong do nhiễm MERS-CoV Ảnh: Press TV

Đường đi của dịch bệnh MERS-CoV

Bệnh có thể lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, qua tiếp xúc gần gũi giữa người khỏe mạnh và người nhiễm MERS-CoV.

Về nguồn bệnh, hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc của MERS-CoV. Tuy nhiên, virus này được cho là lây từ động vật sang người. Người ta cũng đã tìm thấy mối liên quan từ dơi với MERS-CoV. Một số giả thuyết khác về nguồn gốc của MERS-CoV là từ lạc đà dựa trên các bằng chứng qua kết quả giải trình từ gen khẳng định sự hiện diện của MERS-CoV ở lạc đà.

Đối tượng nào dễ nhiễm MERS-CoV?

Bệnh có nguy cơ mắc ở mọi lứa tuổi, nhưng nhóm những người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bệnh hay xảy ra ở nam giới. Nhóm nguy cơ cao có khả năng mắc bệnh như: người mắc bệnh đái tháo đường, suy thận, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch, những người suy giảm miễn dịch...

Có những triệu chứng gì khi khi nhiễm MERS-CoV?

Phần lớn bệnh nhân nhiễm MERS-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp gồm sốt trên 38 độ C, ho, khó thở, ớn lạnh, đau họng, đau cơ, đau khớp, sau đó có khó thở và diễn biến viêm phổi nhanh chóng, có thể kèm theo buồn nôn, nôn, tiêu chảy...  có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh XQ tổn thương phổi ở các mức độ khác nhau và kèm theo có hội chứng suy thận cấp.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng từ nhiễm trùng không triệu chứng đến bệnh cảnh rất nặng và tử vong. Khoảng 2/3 các trường hợp có biểu hiện bệnh cảnh đường hô hấp nặng. Điều trị bệnh cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

Những người khi trở về từ các nước ở bán đảo Ả Rập hoặc những nước đang có dịch cần lưu ý gì?

Đối với những người có biểu hiện sốt hoặc các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp như ho, khó thở ít nhất trong vòng 14 ngày sau khi trở về từ các nước thuộc bán đảo Ả Rập hoặc các nước láng giềng cần phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Những trường hợp có hội chứng viêm đường hô hấp cấp mà chưa xác định rõ nguyên nhân tại cộng đồng cũng cần được theo dõi và khám xác định chẩn đoán MERS-CoV để điều trị kịp thời.

Biện pháp phòng ngừa và điều trị MERS 

Hiện nay, các bác sĩ chưa có giải pháp đặc biệt hoặc vắc xin để phòng ngừa nhiễm MERS-CoV

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ khuyến cáo mọi người tự bảo vệ mình khỏi căn bệnh này thông qua hoạt động phòng ngừa hàng ngày: 

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong 20 giây. Có thể sử dụng chất rửa tay chứa cồn. 
- Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác.
 - Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng rửa tay. 
- Tránh tiếp xúc cá nhân với người bị bệnh. 
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường chạm như đồ chơi và tay nắm cửa.
 - Những người chăm sóc bệnh nhân MERS cần vệ sinh tay thường xuyên và đeo mặt nạ khi tiếp xúc trực tiếp cho đến khi bệnh nhân phục hồi.
 - Tránh tiêu thụ các sản phẩm sữa, thịt sống hoặc chưa nấu chín.
 - Do virus gây bệnh được tìm thấy trong một số con lạc đà, nên cần thận trọng khi tiếp xúc với lạc đà.
Tăng cường giám sát người nhập cảnh tại cửa khẩu đối với người về từ các nước Trung Đông, hoặc có tiền sử tiếp xúc với người bệnh viêm đường hô hấp trong vòng 14 ngày theo khuyến cáo của WHO.

Bộ Y tế áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc:

Trước tình hình Hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus corona (MERS-CoV) xuất hiện ở Hàn Quốc và Trung Quốc, Bộ Y tế chính thức áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc tại cửa khẩu quốc tế.

Bắt đầu từ hôm nay 3/6, Bộ Y tế chính thức áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Trước đó, Bộ Y tế đã áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh đến từ chín nước khu vực Trung Đông.

Bộ Y tế yêu cầu Trung tâm Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế sẽ kiểm tra thân nhiệt của các hành khách. Nếu phát hiện hành khách có thân nhiệt cao, tiến hành cách ly, theo dõi, sau đó tiếp tục kiểm tra thân nhiệt. Nếu hành khách vẫn sốt cao và có nghi ngờ sẽ báo cho các bộ phận liên quan cùng phối hợp để xử lý theo đúng quy trình. Trung tâm có thể chuyển bệnh nhân lên BV Bắc Thăng Long, ca nặng có thể đưa vào BV Bạch Mai và BV Nhiệt đới Trung ương.


Chia sẻ