Mẹ Xu Sim: Chọn trường cho con, không có trường tốt nhất, chỉ có trường vừa sức và phù hợp

Mẹ Xu Sim,
Chia sẻ

Các ba mẹ ạ, mình nghĩ không có trường tốt nhất, chỉ có trường vừa sức và phù hợp. Vừa sức con và vừa sức mẹ. Về phía con, đừng tối tăm mặt mũi học và thi. Về phía mẹ, đừng tối tăm mặt mũi cày cuốc kiếm tiền.

Với tất cả các phụ huynh, khi con cái kết thúc lứa tuổi mầm non và bắt đầu bước vào ngưỡng cửa tiểu học, việc chọn trường nào cho con theo học luôn là vấn đề thực sự "cân não". Trường công hay trường tư, quốc tế? Liệu con sẽ phù hợp với môi trường nào? Trường nào sẽ là lựa chọn phù hợp với kinh tế gia đình... Là một bà mẹ 2 con, nhà báo Thu Hà - mẹ Xu Sim cũng từng trải qua giai đoạn cân nhắc lên xuống khi chọn trường cho con. Và với kinh nghiệm sống của mình, chị Thu Hà sẽ giúp phụ huynh gỡ rối phần nào trong việc chọn trường cho con theo học trong bài viết dưới đây:

Hôm trước, ngồi tâm sự với một bạn. Bé nói: "Sai lầm lớn nhất của con là đã đậu trường Chuyên. Các bạn ấy học quá giỏi, học ở đây ngày nào con cũng thấy mình kém cỏi, chậm chạp, thua cuộc. Con không chơi thân được với ai và con cũng không muốn chơi với ai. Mỗi sáng con muốn khóc khi nghĩ tới việc tới trường và lại phải đối mặt toàn với người khổng lồ. Ngày mai cũng thế, ngày nào cũng thế, lúc nào cũng thấy kiệt sức, muốn gục ngã!

Mẹ thấy con lo lắng, học thua bạn bè, mẹ lại đăng ký cho con đi học thêm ở trung tâm. Mà chắc là có cố gắng cả đời cũng chả đuổi kịp được, trí tuệ của các bạn đã ở sẵn trong não các bạn ấy rồi, và con sẽ vĩnh viễn thua cuộc".

Mình đã khóc!

Mẹ Xu Sim: Chọn trường cho con, không có trường tốt nhất, chỉ có trường vừa sức và phù hợp - Ảnh 1.

Nhà báo Thu Hà - mẹ Xu, Sim.

Một giáo viên trường Trần Đại Nghĩa nhận xét, điều đáng sợ nhất ở Trần Đại Nghĩa là phụ huynh, nhiều người cạnh tranh, ghen tỵ và kèn cựa nhau đến khổ. Suốt ngày vẫn lùng sục để đi học thêm hết nơi này tới nơi khác, phân bì tỵ nạnh nhau từng nửa điểm. Ở trong cái nôi toàn học sinh giỏi, sự cạnh tranh trong họ càng như được nhân lên, chắp cánh. Tội nghiệp đứa trẻ, mỗi ngày đi học lại thấy một ngày chưa hài lòng bản thân mình và hài lòng ba mẹ.

Còn trường quốc tế thì sao? Khi hầu hết những vấn đề bức xức của trường công lập được giải quyết: không nặng lý thuyết, không ghi nhớ từ chương, không quá tải, học sinh được tự do và được tôn trọng…

Nhưng văn hoá gia đình và môi trường xã hội đã đồng bộ chưa? Nếu ba mẹ cứ mải mê kiếm tiền, rồi tới trường thả bụp 1 cái cho con vào tự do thì không phải học sinh nào cũng ổn.

Giờ học, giờ ăn, học sinh muốn ngồi đâu thì ngồi, nên trong lớp phân biệt đẳng cấp khá khắc nghiệt. Áp lực thuộc về 1 nhóm rất là lớn.

Bài tập thì thầy không ép, nên chẳng làm cũng không sao. Nhiều bé vốn quen bị ủn mông ép học, không quen tự học, vào trường quốc tế vài lần kiểm tra thấy không đạt, thầy sẽ hạ level, thành ra học bài dưới sức. Chương trình quốc tế đa dạng và linh hoạt nên thấy con mình điểm cao, thấy giáo viên khen, mà phụ huynh không biết được là con mình chỉ đang đứng cao trong chương trình dễ nhất, thấp nhất của lứa tuổi.

Hơn nữa, với học phí 30 triệu tới 50, 60 triệu/tháng thì rất nhiều phụ huynh cảm thấy mình đã chi trả quá nhiều, hi sinh quá nhiều. Và tất nhiên, họ sẽ kỳ vọng rất nhiều và đòi hỏi rất rất rất nhiều!

Những năm tháng làm việc trong trường song ngữ, trường Quốc tế, mình nhìn thấy nhiều giáo viên căng thẳng và sợ hãi với áp lực từ phụ huynh. Con bạn học với 1 giáo viên căng thẳng vì sợ bạn, vì sợ sai, điều đó có tốt cho con không?

Mẹ Xu Sim: Chọn trường cho con, không có trường tốt nhất, chỉ có trường vừa sức và phù hợp - Ảnh 2.

Nếu ba mẹ cứ mải mê kiếm tiền, rồi tới trường thả bụp 1 cái cho con vào tự do thì không phải học sinh nào cũng ổn (Ảnh minh họa).

Một giáo viên đã dạy cả công lập và quốc tế nói: Trường công thì quyền lực nằm trong tay giáo viên, trường quốc tế thì quyền lực nằm trong tay phụ huynh. Vẫn chưa thấy có nơi nào học sinh làm trung tâm!

À, còn trường tư chất lượng cao thì sao? Hè rồi, mình được giới thiệu tới 1 trường được nhiều người nhận xét rất tốt. Quy định tuyển sinh của trường: Yêu cầu phải khá giỏi trở lên, điểm tổng kết lớp 4 và 5 tối thiểu phải là 36 điểm 2 môn văn toán. Ưu tiên cộng điểm với những giải thưởng thi học sinh giỏi tiểu học cấp thành phố, cấp quốc gia, cộng điểm nếu có bằng cấp tiếng Anh…

Ồ, lạm phát học sinh giỏi ở đâu mà ra? Vấn nạn trẻ con tiểu học bị nhồi nhét học và nhồi nhét thi ở đâu mà ra? Các trung tâm tiếng Anh, trung tâm luyện Toán Văn, học thêm tới 8 -9h tối, học suốt thứ 7, chủ nhật ở đâu mà ra? Chính là ở quy định đầu vào của những trường mệnh danh là lá cờ đầu của ngành giáo dục này!

Và nếu cứ chạy đua trong các cuộc cạnh tranh tuyển chọn khốc liệt, nếu cứ cố đạt điểm cao, vậy có làm triệt tiêu tính sáng tạo, dám khác biệt của con? Con có khó bao dung và hợp tác, những điều con rất cần trong cuộc sống tương lai không?

Nếu ở Mỹ, áp lực muốn con học trường tốt sẽ đổ lên đầu ba mẹ, phải cày ra nhiều tiền, mua nhà giá cao ở những khu vực có trường tốt, thì ở Việt Nam thì áp lức đó chủ yếu đổ lên đầu tụi nhỏ: phải cày học và cày thi!

Mình biết nhiều học sinh vẫn đang phát triển tốt ở trường chuyên, trường Quốc tế, nhưng nếu con mình không may rơi vào vài phần trăm không thích hợp?

Nhà mình có Xu và Sim rất khác nhau. Xu ham học, nỗ lực vươn lên, nhưng lại hay tự gây áp lực cho mình, con dễ mặc cảm, nên mình nghĩ Xu không hợp với trường chuyên. Sim lười hơn, nhưng ưu điểm là vô tư trong chuyện đậu - rớt và không áp lực, có thể Sim sẽ sống trong trường chuyên được.

Nhưng nếu 2 đứa 2 trường thì áp lực lại đổ lên mẹ Hà. Và thêm nữa, mình vẫn muốn chị em thân nhau hơn, mình chọn tình cảm hơn là thành đạt, nên đã thôi 1 đứa thì thôi luôn. Và, thú thực, nỗ lực thì tốt, nhưng nỗ lực hoài thì cũng mệt lắm.

Các ba mẹ ạ, mình nghĩ không có trường tốt nhất, chỉ có trường vừa sức và phù hợp. Vừa sức con và vừa sức mẹ. Về phía con, đừng tối tăm mặt mũi học và thi. Về phía mẹ, đừng tối tăm mặt mũi cày cuốc kiếm tiền.

Mẹ Xu Sim: Chọn trường cho con, không có trường tốt nhất, chỉ có trường vừa sức và phù hợp - Ảnh 3.

Có lẽ vậy nên ba mẹ đã quá dày công tìm trường và quá đầu tư vào trường, mà bỏ lơ mất trường học quan trọng nhất, thầy giáo quan trọng nhất, mà học phí rẻ vô cùng, là chính ba mẹ và chính gia đình mình! (Ảnh minh họa)

Nếu con thong dong vào trường chuyên, không cần học thêm gì thì trường chuyên ok. Nếu mẹ trả vài trăm triệu học phí/năm mà không phải băn khoăn, không thấy đang hi sinh vì con, thì trường Quốc tế ok.

20 năm nay, mình đã từng làm việc với hàng trăm học sinh trường chuyên và trường quốc tế ra, trường nào cũng có giỏi, có kém, và cũng có những bạn bị gọi là "khùng khùng", luôn lạc lõng, bất đắc chí. Thậm chí, sau khi học ở trường chuyên và trường quốc tế thì nếu thất bại, cái thất bại đó còn đau hơn.

Nhớ lại bạn học sinh lớp 11 khóc vì cô giáo im lặng 3 tháng không giảng bài nhận được đồng cảm từ hàng trăm bài báo và phụ huynh cả nước. Nhưng nếu một bé học trường quốc tế 50 triệu/tháng, hay 1 bé học trường chuyên tỷ lệ 1 chọi 20, khóc vì áp lực, liệu chúng ta có thương nhiều? Mà nước mắt nào chẳng mặn, áp lực nào chẳng đau?

Cô Trân Phượng (Hiệu trưởng trưởng ĐH Hoa Sen) nói: "Truyền thống Việt Nam mình quá trọng ông thầy, nghĩa là có thầy tốt mới học tốt được". Có lẽ vậy nên ba mẹ đã quá dày công tìm trường và quá đầu tư vào trường, mà bỏ lơ mất trường học quan trọng nhất, thầy giáo quan trọng nhất, mà học phí rẻ vô cùng, là chính ba mẹ và chính gia đình mình!

Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, đồng thời là tác giả cuốn sách: "Con nghĩ đi, mẹ không biết". Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu, cá tính là Xu và Sim. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.

Độc giả có thể đọc thêm các bài viết thú vị của mẹ Xu Sim tại đây.

Chia sẻ