Mẹ vợ nuôi ăn cả nhà, chồng vẫn bĩu môi “ở gần bà ngoại chẳng được nhờ vả gì” và cách ứng phó của vợ để chồng “câm nín”

Phạm Giang,
Chia sẻ

Đăng nghẹn lời, chẳng biết phản bác thế nào. Hôm trước anh vừa than phiền không nhờ vả mẹ vợ được gì, hôm nay lại nói thế, có khác gì “tự vả vào mặt mình”!

Nhà chồng Xuân cách nhà mẹ đẻ 40 cây số. Đăng làm việc gần khu nhà Xuân, rồi yêu và cưới cô. Sau đám cưới, 2 người ở cùng bố mẹ Xuân, Ở riêng cần thuê nhà tốn kém, lại không thể ở nhà chồng trong khi chỗ làm cách xa từng ấy được.

Bình thường hai vợ chồng Xuân đi làm cách nhà cô gần 10 cây số, vì thế đến tối 2 người mới về ăn cơm chung cùng bố mẹ cô. Bố mẹ thương đôi vợ chồng mới cưới, ăn có một bữa cơm ở nhà, nên không nhận tiền ăn bọn Xuân góp. Tới khi cô có bầu, vì thai yếu cô phải nghỉ việc ở nhà. Từ đó mẹ con cô cũng đều một tay bà ngoại chăm sóc, nuôi nấng.

Mẹ chồng Xuân có tới thăm con dâu một lần, tươi cười nhờ vả đằng ngoại, cho Xuân được túi hoa quả rồi bặt tăm tới khi Xuân sinh con. Trong khi đó buổi tối Đăng vẫn về nhà bố mẹ vợ ăn cơm, và vợ chồng cô chẳng đóng cho bà đồng tiền ăn nào. Mẹ cô bảo, để dành mà sau này nuôi con, ăn uống đáng bao nhiêu, bà không lấy.

Gần ngày sinh, mẹ Đăng gọi điện lên, tỏ ý bà ở dưới ấy bận rộn, bảo Xuân cứ sinh ở trên ngoại. Xuân không nói gì, nhưng phiền lòng ghê gớm. Bệnh khớp với đau lưng của mẹ cô ngày càng nặng, cô không nỡ bắt bà chăm mình cả tháng ở cữ. Công việc dưới kia của mẹ chồng, cô biết là không quá bận rộn, chắc chắn bà vẫn có thể bớt ra thời gian giúp cô ít ngày.

Mẹ vợ nuôi ăn cả nhà, chồng vẫn bĩu môi “ở gần bà ngoại chẳng được nhờ vả gì” và cách ứng phó của vợ để chồng “câm nín” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Xuân bàn với chồng, bảo anh nói với mẹ chồng, một là để cô về nội sinh con, nhờ bà giúp mấy bữa. Hai là, nếu cô sinh ở ngoại thì thuê bác hàng xóm gần nhà mẹ đẻ cô chăm sóc cô 1 tháng ở cữ, bác ấy đã từng chăm thuê bà đẻ rồi. Đăng nghe thế thì bĩu môi: “Chán nhỉ, ở gần bà ngoại mà chẳng nhờ vả được gì!”.

Xuân lặng người đi vì câu nói của chồng. Cô quá buồn bã lẫn đau đớn, không thiết tranh cãi với chồng câu nào nữa. Cô nằm mãi không ngủ được, nước mắt cứ lăn dài trên má. Thương mẹ, thương bố bao nhiêu thì trách bản thân bấy nhiêu. Bố mẹ nuôi cô lớn từng này, giờ lấy chồng sắp có con tới nơi song bố mẹ vẫn phải nuôi ăn cả nhà cô, đồ sơ sinh mẹ cũng mới đi sắm cho cô, có gì cũng vun vén cho vợ chồng cô… Thế mà Đăng nỡ lòng nào thốt ra một câu vô tâm tới độc ác như thế?

Bình thường Xuân để ý Đăng không biếu mẹ vợ được đồng nào tiêu vặt, quà cáp càng không. Cô chỉ nghĩ mấy chuyện đấy không quan trọng lắm, đâu ngờ trong lòng Đăng có ý nghĩ đấy. Vậy phải thế nào mới là được nhờ đằng ngoại? Anh còn muốn ra sao nữa?

Hôm sau, Xuân nói với mẹ mình sẽ về bên nhà chồng sinh con. Mẹ cô ngăn cản, sợ cô về bên ấy phải chịu tủi thân. Cô nói mãi bà mới đồng ý. Xuân bảo chồng: “Anh ơi, hôm nay mấy bà hàng xóm đang xì xào em không về nhà chồng sinh con kìa, nọ nói xấu bố mẹ bên nhà, nói ông bà ghét con ghét cháu, trốn tránh trách nhiệm nên không cho em về đấy sinh… Em muốn về bên nhà sinh con, để họ không nói xấu bố mẹ nữa, em cũng là nghĩ cho bố mẹ thôi…”. Đăng cũng không muốn bố mẹ mình mang tiếng xấu, liền đưa Xuân về.

Mẹ vợ nuôi ăn cả nhà, chồng vẫn bĩu môi “ở gần bà ngoại chẳng được nhờ vả gì” và cách ứng phó của vợ để chồng “câm nín” - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thời gian ở cữ bên nhà nội, tất nhiên cũng có va chạm, xung đột, nhưng việc gì cho qua được Xuân đều nhịn cho qua. Mẹ cô tới thăm, mang nào gà nào chân giò, còn cho Xuân tiền, nhưng cô chỉ lấy thức ăn, còn tiền bắt mẹ cầm về. Hết tiền cô đều gọi Đăng, bảo anh đưa. Ban đầu Đăng giãy nảy lên, bảo sao tiêu lắm thế. Nhưng khi Xuân liệt kê từng khoản thì anh chẳng nói năng được gì. Mẹ chồng giúp Xuân nấu nướng, giặt giũ 10 ngày đầu, còn lại đều một tay Xuân làm. Việc gì nặng nhọc, Xuân chờ Đăng về làm hộ, chứ bản thân cô sẽ không tự ngược đãi bản thân.

Con đầy tháng, Xuân đã khỏe hơn nhiều, Xuân xin phép bố mẹ chồng cho lên ngoại. Ông bà nội chẳng hề giữ cháu, đồng ý luôn. Đăng đồng thời nhẹ nhõm ra mặt. Lên bà ngoại, anh sẽ nhàn đi nhiều. Chứ hơn tháng vợ ở nhà nội, anh đến là mệt, vừa đi lại xa xôi, lại tiêu tốn bao nhiêu tiền.

Nhưng Xuân chỉ ở nhà ngoại đúng 10 ngày, sau đó cô tìm phòng trọ ra ở riêng bên ngoài. “Anh ơi, anh là đàn ông đi ở rể em biết anh phải chịu nhiều ấm ức, có người còn nói xấu sau lưng anh nữa. Em không muốn anh chịu oan ức, cũng muốn anh được tự do, thoải mái. Hơn nữa, em càng không muốn anh bị nói là phụ thuộc, ăn bám đằng ngoại. Mình tự lập vẫn hơn anh nhỉ, đợt ở bên bà nội, dù bà nội muốn giúp em nhiều việc nhưng em vẫn từ chối, tự lập làm hết đấy”, Xuân dịu dàng nói với chồng.

Đăng nghẹn lời, chẳng biết phản bác thế nào. Chẳng lẽ bảo: “Không, anh ở nhà ngoại sướng lắm, anh vẫn thích phụ thuộc nhà ngoại”. Hôm trước anh vừa than phiền không nhờ vả bà ngoại được gì, hôm nay lại nói thế, có khác gì “tự vả vào mặt mình”!

Dưới sự dụ dỗ, kèm khích bác và cả ép buộc của Xuân, 2 vợ chồng cô ra ở riêng. Xuân nói với mẹ, thi thoảng bà mua cho cháu cái quần cái áo thì được, chứ cô không lấy tiền của bà, cũng không nhận những món quà giá trị. Cô không thể làm khổ bố mẹ cô hơn nữa.

Và vì Xuân đang ở nhà trông con, nên mọi chi phí của cả nhà trông chờ vào lương của Đăng. Tháng nào hết nhẵn tháng ấy, thậm chí chưa hết tháng đã hết ấy chứ. Nào là tiền nhà, tiền ăn tiêu của vợ chồng, tiền cho con nhỏ…, đủ thứ. Chưa nói, cả ngày đi làm, tối về anh còn phải phụ vợ chăm con để vợ cơm nước việc nhà. Xuân còn bảo, lúc nào con được 6 tháng cô đi làm lại, cô sẽ thuê người chứ không nhờ bà ngoại trông. Mới mấy tháng ra ở riêng mà Đăng đã sụt mất vài cân.

Đăng lúc này mới thấm thía, khi xưa ở nhà mẹ vợ mình được lời những gì. Nhưng dù anh nịnh nọt Xuân thế nào, cô cũng kiên quyết không về nhà mình ở như trước.

Chia sẻ