Mẹ Việt ở Úc kể lại trải nghiệm sinh con dưới nước nhẹ nhàng "đẻ mà như không đẻ"

Mẹ Subi - Subo,
Chia sẻ

Ngay sau khi sinh con dưới nước, Hà Trang đã có thể đi lại bình thường ngay lập tức, chồng và mẹ còn bảo "đẻ mà như không đẻ".

Sinh con dưới nước là phương pháp sinh khá phổ biến ở nước ngoài đặc biệt là Mỹ, châu Âu và châu Úc. Nhưng còn khá xa lạ với châu Á nói chung, người Việt nói riêng, kể cả là người Việt ở nước ngoài. Đa phần bởi thói quen sinh nở lâu nay trong tiềm thức người Việt là phải ở trên cạn. Thế nên dù sống ở nước ngoài thì việc sinh con trên cạn theo cách thông thường cũng làm các mẹ cảm thấy an toàn hơn.

Hà Trang, 30 tuổi - một mẹ Việt hiện đang sinh sống tại Sydney, Australia đã có trải nghiệm 2 lần sinh nở hoàn toàn khác nhau ở xứ người, lần đầu là sinh trên cạn và lần 2 là sinh dưới nước. Hà Trang cho rằng sinh con dưới nước thực sự là lựa chọn sáng suốt mà chị đã được trải nghiệm. Không chỉ giúp quá trình chuyển dạ, sinh con bớt đau đớn hơn nhiều mà "cái lợi to đùng" khác đó là ngay sau sinh, Hà Trang đã có thể đi lại bình thường ngay lập tức, chồng và mẹ còn bảo "đẻ mà như không đẻ". Cùng tìm hiểu thêm về những trải nghiệm và lợi ích của việc sinh con dưới nước trong lần sinh bé Subo - con thứ hai của Hà Trang trong những chia sẻ dưới đây:

Mẹ Việt ở Úc kể lại trải nghiệm sinh con dưới nước nhẹ nhàng đẻ mà như không đẻ - Ảnh 1.

Hà Trang đã trải nghiệm 2 lần sinh nở hoàn toàn khác nhau ở Australia.

Mình đã tìm đọc rất nhiều tài liệu, hỏi ý kiến bác sĩ, y tá có chuyên môn mới mạnh dạn quyết định sinh con dưới nước. Hồi sinh Subi – con đầu chưa có kinh nghiệm, mình đã quyết sinh dưới nước, nhưng khi vào viện luống cuống nhiều việc chưa nói được ngay, cứ nghĩ bác sĩ làm mọi công tác kiểm tra xong nói là được. Lúc ấy nói thì muộn mất rồi. Bác sĩ bảo đã mở 8 phân, chỉ nằm yên và sinh trên cạn.

Rút kinh nghiệm lần đầu, đến khi sinh bé Subo, vào viện là mình xin ngay bác sĩ cho sinh dưới nước ngay. 7h tối, mình lâm râm đau bụng và vào viện. 11h, mình bắt đầu đau nhiều hơn. Lúc vào viện Campbelltown Hospital, bác sĩ kiểm tra mình đã mở 5 phân rồi. Mình bước vào bồn nước khoảng lúc 12h30 và đến 3h40 ngày 11.11.2017 thì sinh em bé.

Phòng sinh dưới nước thực tế giống như một phòng tắm lớn, trong đó có bồn tắm. Y tá đã chuẩn bị sẵn nước ấm trong bồn để sẵn sàng cho các ca sinh nở dưới nước. Mình chọn phương pháp giảm đau bằng hít khí gas nên bác sĩ sẽ nối dây dẫn khí từ phòng ra đến bồn tắm. Nhưng hít đôi lần thì mình không dùng nữa, sinh tự nhiên hoàn toàn. Trong lúc ngâm mình trong bồn thì khoảng 5-10 phút y tá đỡ đẻ sẽ vào kiểm tra một lần. Cho đến khi thấy dấu hiệu là lúc gần sinh rồi thì y tá sẽ túc trực bên mình và hướng dẫn cách thở để em bé ra dễ dàng nhất.

Mẹ Việt ở Úc kể lại trải nghiệm sinh con dưới nước nhẹ nhàng đẻ mà như không đẻ - Ảnh 2.

Phòng sinh được trang bị đầy đủ để mẹ có thể sinh dưới nước (phía trong cánh cửa trắng đang mở) và sinh trên cạn nếu mẹ muốn thay đổi ý định hoặc bác sĩ thấy khả săng sinh dưới nước nhiều nguy hiểm do những phát sinh trong khi sinh.

Qua cả hai phương pháp sinh nở, cá nhân mình thấy thực sự sáng suốt khi lựa chọn sinh con dưới nước vì những lý do sau:

1. Nước cho mình cảm giác nổi, chính cảm giác này khiến cơ thể mình cảm thấy rất nhẹ nhàng, giúp mình rặn đẻ nhanh hơn nhờ vào lực nâng của nước.

2. Môi trường nước là lỏng, cùng với độ ấm của nước giúp xoa dịu những cơn đau, làm giảm bớt sự đau đớn của những cơn co thắt dạ con. Đồng thời, trong môi trường này, cơ thể sẽ tiết ra endorphin – một loại hormon giảm đau hiệu quả. Điều này khiến những tổn thương cho cơ thể giảm xuống tối đa. Cụ thể là mình chỉ dùng phương pháp giảm đau nhẹ nhất - hít gas 2 lần, sau đó mình không cần dùng nữa và sinh hoàn toàn tự nhiên.

3. Giảm rủi ro rách cổ tử cung, âm đạo hơn nhiều lần so với sinh thường. Sinh xong, mình chỉ khâu 4 mũi.

Mẹ Việt ở Úc kể lại trải nghiệm sinh con dưới nước nhẹ nhàng đẻ mà như không đẻ - Ảnh 3.

Bồn nước - nơi chị Hà Trang chuẩn bị bước vào để sinh bé trong đó.

Mẹ Việt ở Úc kể lại trải nghiệm sinh con dưới nước nhẹ nhàng đẻ mà như không đẻ - Ảnh 4.

Subo í lên một tiếng rồi khoan khoái nằm im trên ngực mẹ.

4. Vì là tổn thương ít, nên gần như mình không trải qua giai đoạn đau đớn phục hồi sau sinh. Với Subi mình mất khoảng 1 tuần đầu dùng Panadol để giảm đau và 2 tuần sau sinh mới đi lại bình thường. Lần sinh này, ngay sau sinh mình đi lại bình thường. Việc tiểu tiện và đại tiện cũng bình thường như trước khi đi sinh. Bản thân mình và người nhà cũng rất ngạc nhiên vì điều này. Chồng và mẹ mình còn bảo "đẻ mà như không đẻ".

5. Việc sinh con dưới nước còn rất tốt cho em bé. Chào đời trong nước con sẽ có cảm giác tương đồng với môi trường dịch ối, giúp con thích nghi tốt hơn. Subi chào đời khóc rất to và lâu. Subo í lên một tiếng rồi khoan khoái nằm im trên ngực mẹ.

Mẹ Việt ở Úc kể lại trải nghiệm sinh con dưới nước nhẹ nhàng đẻ mà như không đẻ - Ảnh 5.

Hà Trang hạnh phúc bên hai nhóc tỳ đáng yêu - Subi và Subo

6. Trong nước, con cũng không chịu áp lực của âm thanh, ánh sáng (những thứ không có trong môi trường bụng mẹ) ngay khi vừa sinh ra.

Đây là cảm nhận và trải nghiệm của cá nhân mình khi lựa chọn sinh con dưới nước. Với mình, mình hoàn toàn hài lòng với sự lựa chọn ấy. Tuy nhiên, mỗi người một cảm nhận. Mỗi cơ địa một thích nghi. Các mẹ hãy nghiên cứu thật kỹ trước khi lựa chọn phương pháp sinh cho mình.

Hot mom Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non sống tại Sydney (Úc). Cô là mẹ của 2 bé trai Subi và Subo.

Hà Trang định cư tại Úc năm 2013 và được biết đến với nhiều bài viết hay chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích. Độc giả có thể đọc thêm các bài viết thú vị của mẹ Subi-Subo TẠI ĐÂY.

Chia sẻ