Mẹ Việt chia sẻ bí quyết tăng cân đúng chuẩn khi mang thai

Linh Nhi,
Chia sẻ

Mang thai ở tuổi không còn trẻ nhưng trong suốt thai kỳ, chị Phương Hoàng vẫn duy trì việc vận động rất thường xuyên, tăng cân không quá nhiều, làn da khỏe mạnh và cũng không gặp phải căng, thẳng, mệt mỏi nào.

Profile nhân vật:

Nguyễn Thị Phương Hoàng
Sinh năm1982
Nơi ở: Đà Lạt, Lâm Đồng
Nghề nghiệp: Giáo viên yoga

Để có được sự khỏe mạnh, dẻo dai như vậy trong suốt quá trình mang thai và sau khi sinh, đó là thành quả của sự kết hợp hàng loạt các biện pháp như ăn uống, luyện tập… Cùng trò chuyện với chị để tìm hiểu những bí quyết chị đã áp dụng cho bản thân mình trong thai kỳ.

Khi mang thai, chị đã tăng tất cả bao nhiêu kg?

- Mình tăng tổng cộng 15kg và tăng đều ở các tháng đầu của thai kỳ, đến 3 tháng cuối thì tăng nhiều hơn, đặc biệt là tháng cuối cùng. Nhiều người khuyên rằng khi mang thai, chỉ nên tăng khoảng 10-12kg. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của mình, phụ nữ mang thai tăng cân hợp lý dựa trên chỉ số BMI của mỗi người (BMI = trọng lượng/bình phương chiều cao).

Nếu trước khi mang thai, bạn có chỉ số BMI:

BMI < 18,5 (dưới chuẩn): Khi mang thai nên tăng từ 12,6 – 18kg
BMI = 18,5-25 (bình thường): Nên tăng từ 11-15kg
BMI < 30 (quá cân): Nên tăng từ 6,5 – 11kg.
BMI > 30 (béo phì): Nên tăng từ 5-9kg.

Và chỉ nên tăng từ từ mỗi tháng.

Trong quá trình mang thai, cơ thể chị có thay đổi nhiều không? 

- Trong suốt thời gian thai kỳ, ngoại trừ 2 tuần của tháng đầu tiên mình có cảm giác đầy hơi, chướng bụng, còn thời gian sau đó thì mình hoàn toàn khỏe mạnh, không bị mất ngủ, ốm nghén hay đau lưng nhức mỏi gì cả, thậm chí mình còn có cảm giác là khỏe hơn bình thường nữa.

Điều mình e ngại nhất trước khi mang thai đối với sức khỏe và sắc đẹp của người phụ nữ là rạn da khi mang thai, bởi vì mình biết rạn da rất khó để hồi phục. Tuy nhiên, mình rất may mắn là không bị ảnh hưởng.

Tăng cân đúng chuẩn
Trong suốt thai kỳ, chị Phương Hoàng vẫn duy trì việc vận động rất thường xuyên, tăng cân không quá nhiều, làn da khỏe mạnh và cũng không gặp phải căng, thẳng, mệt mỏi nào.

Chị đã duy trì chế độ ăn uống như thế nào để có một thai kỳ khỏe mạnh?

- Nhiều người cho rằng khi mang thai cần ăn uống gấp đôi để đủ dinh dưỡng cho cả 2 người, thực tế không phải như vậy. Việc ăn uống quá nhiều không kiểm soát sẽ làm bạn tăng cân quá nhanh, điều đó dẫn đến những nguy cơ khiến da không kịp đàn hồi, gây rạn nứt, mẹ béo phì dẫn đến phù tay chân, huyết áp cao, tiểu đường, đi đứng khó khăn… Tất cả những điều này đều tiềm ẩn rủi ro cho cả mẹ và bé.

Theo mình biết, phụ nữ mang thai thường hay mắc các chứng như khó tiêu, đầy hơi… Vì vậy, mình chú trọng ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như các loại trái cây, rau xanh (rau tươi sống, hấp, luộc, nấu canh; hạn chế tối đa chiên, xào), ngũ cốc, hạt các loại, ăn đa dạng các loại thức ăn, uống nhiều nước mỗi ngày, đặc biệt là buổi sáng.

Từ tháng thứ 2 của thai kỳ, mình áp dụng chế độ ăn không thịt, chỉ ăn 1 ít cả nhỏ. Chế độ ăn này đã giúp mình có hệ tiêu hóa tốt hơn, da dẻ hồng hào, sáng mịn mà không bị nám, mụn, và mình nghĩ điều đó cũng giúp con thông minh và khỏe mạnh. Nhiều người nói ăn như vậy làm sao có chất, song theo mình tìm hiểu thì được biết, dinh dưỡng, vitamin trong rau, hạt, trái cây nhiều và bổ dưỡng hơn trong thịt cá và khi ăn thịt, rủi ro về bệnh tật càng nhiều.

Mình ăn 3 bữa chính mỗi ngày, rất ít ăn vặt. Mình cũng ăn khi cơ thể bắt đầu cảm thấy đói, như vậy thức ăn dễ hấp thu hơn và không hại cho dạ dày. Có một điều mình luôn lưu ý là không uống nước khi ăn vì điều đó làm loãng dịch vị dẫn đến khó tiêu hóa. Mình nói không với việc ăn đêm vì đó không phải thời gian làm việc của dạ dày, hay ruột non. Ngoài ra, những gì trước khi mang thai mình thích thì vẫn duy trì; chỉ tránh ăn bột ngọt, bột nêm, bánh ngọt, thức ăn nhanh, đồ hộp,…

Còn chế độ tập luyện, nghỉ ngơi thì sao?

- Trong suốt quá trình mang thai, mình luôn đi ngủ đúng giờ, thường từ 22h đêm đến 4h30 phút sáng. Là một “tín đồ” của yoga nên cả thai kỳ, mình duy trì việc tập luyện và dạy yoga mỗi ngày, không bỏ bất cứ buổi tập nào vì lý do sức khỏe hay kiêng cữ. Mình chỉ tránh những tư thế mà phụ nữa mang thai không được phép thực hiện, còn lại những động tác, vận động hàng ngày của mình gần như không có gì thay đổi. Việc tập luyện yoga đều đặn giúp mình có tinh thần thư thái, giảm bớt áp lực, lo lắng khi mang thai. Cả thai kỳ, mình vẫn làm việc 13 giờ/ngày, dạy yoga từ 5h-20h, nghỉ trưa từ 12-14h.

Vì vẫn duy trì việc đứng lớp, di chuyển và làm việc như bình thường nên đến khi mang thai tuần thứ 16, mọi người vẫn không biết mình đang có em bé. Đến tuần thứ 35, mọi người vẫn nhìn thấy mình nhanh nhẹn, năng động, khỏe mạnh. Trước khi sinh, mình vẫn có thể thực hiện gần 200 tư thế yoga, trong đó có cả những tư thế cực khó.

Có lẽ nhờ chế độ ăn uống và tập luyện đều đặn, nghỉ ngơi hợp lý mà khi mang bầu, da dẻ mình cũng không hề bị nám, vẫn hồng hào, sáng mịn. Ngay cả bác sĩ khám thai cho mình còn ngạc nhiên: “Trước giờ chị chưa thấy một bà bầu nào thanh thoát như em”.

Áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện “khắc nghiệt” như vậy, chị có bị người thân phản đối?

- Thực ra khi mang thai, nhiều học viên biết mình vẫn lên lớp bình thường và vận động rất nhiều, không kiêng cữ gì cả, họ đã rất e ngại, thậm chí còn chỉ trích việc tập luyện và chế độ ăn uống của mình. Mình hiểu, mọi người lo lắng cho sức khỏe của mình và bé. Tuy nhiên, hơn ai hết, mình hiểu và cảm nhận được những gì đang xảy ra trong cơ thể mình. 

Là một giáo viên yoga nên mình nắm được rất chắc chắn các kiến thức và chuyên môn về yoga cho phụ nữ mang thai. Việc luyện tập là rất tốt, song không nên tự tập hoặc, tập theo sách vở hoặc tập theo giáo viên không có đủ chuyên môn về yoga cho phụ nữ mang thai. Nếu bạn tập yoga trước khi mang thai càng tốt bởi vì khi có thai, tâm lý nhiều người rất e ngại đi tập vì chưa hiểu được hiệu quả của yoga cũng như chưa quen với những thay đổi của cơ thể mà yoga mang lại 1 cách tích cực

Hiện tại, sau khi sinh, chị đã lấy lại được vóc dáng như lúc chưa mang thai? 

- Sau khi sinh, cơ thể mình hồi phục rất nhanh, có thể đi lại, ăn uống và vận động bình thường ngay ngày hôm sau. Có lẽ vì điều này nên mình cảm thấy cơ thể không bị nặng nề hay mệt mỏi. Và cũng có thể chính sự vận động này mà trông mình không giống phụ nữ sau sinh như các ông bà thường nói về “gái đẻ”. 

Vì đang nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nên thật sự mình không có áp lực phải giảm cân nhanh sau sinh. Tuy nhiên, chính sự vận động sớm mà sau khi sinh 2 tháng, mình đã giảm được 10kg so với trước khi mang bầu. 

Tăng cân đúng chuẩn
Chị Phương Hoàng hạnh phúc bên con gái yêu.

Một bí quyết rất quan trọng khác mà mình nghĩ người mẹ nào cũng biết để giảm cân sau sinh, ngoài tập luyện, đó chính là cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, vừa giúp mẹ nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh mà vừa giúp con khỏe mạnh, thông minh; tăng tình mẫu tử.

Hiện nay, bé nhà mình đã được 2 tháng 10 ngày. Thật ra, hơn tháng là mẹ con mình đã đi ra ngoài. Ai cũng hỏi bé mấy tháng mà lanh ghê? Sao mẹ khỏe và gọn quá vậy? 

Chị có lời khuyên nào với các mẹ để tăng cân đúng chuẩn khi mang thai và về dáng nhanh sau sinh?

- Đầu tiên, bạn cần hiểu cơ thể mình và cảm nhận những thay đổi trong cơ thể, điều gì là tốt cho mẹ và bé để áp dụng đúng. Để có một thai kỳ hoàn hảo với cân nặng đúng chuẩn, không bị đau nhức, căng thẳng, mệt mỏi, làn da khỏe mạnh... bạn phải chăm sóc sức khỏe từ bên trong bằng chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ và luyện tập phù hợp.

Sau khi sinh, bạn cần vận động thông thường càng sớm càng tốt. Nếu bạn muốn lấy lại vóc dáng nhanh, hãy áp dụng phương pháp cho con bú sữa mẹ hoàn toàn. Về việc tập luyện, đối với bộ môn yoga, nếu bạn sinh thường thì sau 6 tuần có thể tập luyện, nếu sinh mổ thì sau 6 tháng. Tùy theo cơ địa của từng người, có thể sớm hơn hoặc trễ hơn 1 chút miễn đảm bảo sự an toàn khi luyện tập.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc chị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!
Chia sẻ