Mẹ Việt 9X kể chuyện đi đẻ "không như là mơ" ở Úc

Happy Moms,
Chia sẻ

Hai lần sinh con ở Úc là hai trải nghiệm “nhớ đời” của bà mẹ trẻ khi con đầu sinh non, con thứ bị băng huyết. Vừa trải qua những cảm xúc đi đẻ “hãi hùng” nhất nhưng câu chuyện mà mẹ Việt 9X chia sẻ vẫn ấm áp và đầy yêu thương.

Hai lần sinh con “nhớ đời”

Đối với mọi người mẹ, bên cạnh niềm hạnh phúc được nhìn thấy con sau 9 tháng 10 ngày chờ mong thì hành trình vượt cạn bao giờ cũng thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Tuy nhiên, nhật ký vượt cạn của mẹ Nguyễn Thị Nhật Trang (sinh năm 1991, hiện đang sống ở Úc) còn ly kỳ và “nhớ đời” hơn thế rất nhiều lần.

Sinh con đầu lòng tháng 4/2014 và con thứ 2 tháng 9/2015 vừa qua, nghĩ lại hành trình đi đẻ của mình, Nhật Trang vẫn rưng rưng và “toát mồ hôi”.

Khi sinh con đầu lòng, Nhật Trang sinh non lúc em bé mới được 31 tuần, khi sinh bé Tim chỉ nặng 1,7kg nhưng sau đó do ngót nước chỉ còn 1,4 kg. Do sinh non, nên sau khi sinh, Tim phải ở lại viện để được chăm sóc và theo dõi đặc biệt gần 2 tháng trời khiến bà mẹ trẻ “sống mà như chết” trong suốt 1 tháng trời. Nhớ lại lần đầu đi đẻ, Nhật Trang chia sẻ: “Hồi đó, khi vào viện khám 31 tuần thì cổ tử cung mình đã mở 7 phân rồi, lúc đi vào viện cả hai vợ chồng đều không có một đồng tiền nào trong người. Thấy bác sĩ bảo phải ở lại viện mình còn nhất quyết xin về vì không có tiền để đi đẻ nhưng bác sỹ cũng kiên quyết không cho về và bảo “ông cao nhất bệnh viện quyết định cho cô sinh miễn phí rồi, cứ yên tâm ở lại không nguy hiểm cả mẹ và bé”. 

Vì đồng ý dùng thử nghiệm một loại thuốc chưa được đưa vào thực tế để trì hoãn nguy cơ sinh non nhưng thuốc không có tác dụng nên bệnh viện đã miễn phí hoàn toàn hàng nghìn đô chi phí cho việc sinh con và chăm sóc em bé sinh non sau đó cho mình. Điều mình sợ nhất khi đó là mất con vì con sinh sớm quá, bé xíu và cứ ăn vào lại ói ra. Trộm vía, giờ cu cậu đã làm anh và lớn vượt chuẩn rồi”.

Sinh con ở Úc 1
Những khoảnh khắc đáng nhớ của lần đi đẻ thứ 2 được ghi lại bởi chồng của Nhật Trang.

Đến lần sinh con thứ 2 hơn một năm sau đó, cảm giác còn kinh hoàng hơn khi Nhật Trang bị băng huyết. Nhớ lại khoảnh khắc trước lúc gây mê để ngăn chảy máu âm đạo, bà mẹ trẻ vẫn trào nước mắt vì chỉ kịp dặn chồng: “Nếu em chết thì anh nhớ chăm sóc hai con”. Tuy trải qua cuộc sinh nở mất đến 1.8 lít máu, tổng thời gian sinh chỉ mất khoảng 30 phút mà dài như cả thế kỷ, nhưng khi công chúa Tina chào đời, nặng 3,3kg thì bà mẹ trẻ đã quên hết đau đớn để tận hưởng niềm hạnh phúc tuyệt vời khi con cất tiếng khóc chào đời.

Ngoài sức mạnh bản năng của một phụ nữ sắp làm mẹ, Nhật Trang chia sẻ, sự có mặt của chồng trong suốt thời gian lâm bồn chính là nguồn sức mạnh lớn nhất của chị. “Mình được hỗ trợ tinh thần rất nhiều vì có chồng ở bên cạnh. Điều đó giúp mình bớt cảm thấy đau đớn còn hơn cả thuốc giảm đau. Chồng ở cạnh nắm tay và hướng dẫn mình rặn cho đúng vì lúc đó mình chỉ tin mỗi anh ấy thôi! Thậm chí anh ấy còn giúp mình bình tĩnh, rặn đẻ từ từ để không bị rách tầng sinh môn quá sâu”, Nhật Trang tâm sự.

Sinh con xong là phải đi tắm

Chia sẻ về những cảm nhận khác biệt khi sinh con ở Úc, bà mẹ trẻ nói ấn tượng nhất là mỗi mẹ bầu có riêng một phòng sinh rất sạch sẽ và an toàn. Các bác sĩ, y tá đều rất tôn trọng, nhẹ nhàng và hết lòng giúp đỡ mình. 

Sinh con ở Úc 2
Phòng ở trong bệnh viện của bà mẹ trẻ 9X khi đi đẻ ở Úc.

Đặc biệt, các bác sĩ đỡ đẻ ở đây rất kinh nghiệm và kiên nhẫn nên hầu hết các mẹ sinh thường đều không bị rạch tầng sinh môn, các bác sĩ sẽ giúp đỡ mình hết sức và để tầng sinh môn tự rách nên nhiều nhất cũng chỉ bị khâu khoảng 2 mũi sau khi sinh. Nếu vết khâu bị đau, bác sĩ sẽ cho kẹp đá lạnh để giảm đau, kẹp đá liên tục đến khi đi vệ sinh không còn rát nữa là ổn. Nhật Trang chia sẻ: “Hai ngày đầu sau sinh khi mình bị sưng to như quả bóng ấy, nhưng cứ kiên trì nằm kẹp đá như vậy mà nó xẹp lúc nào không hay”.

Sau khi sinh, các sản phụ sẽ được tiêm 1 mũi như vitamin tổng hợp để ổn định lại sức khỏe và đặc biệt họ không quá kiêng cữ sau sinh. Ví dụ, đẻ xong là các mẹ phải đi tắm ngay, “mình bị băng huyết mệt muốn xỉu, sau 1 ngày vẫn đau không đi được mà đã bị bác sĩ ủn vào nhà tắm rồi”, Nhật Trang nói. Các bữa ăn sau khi sinh của mình trong viện thì chủ yếu là rau với củ thôi, các mẹ ăn uống như bình thường mà không phải theo chế độ gì đặc biệt.

Sinh con ở Úc 3
Bữa ăn sau khi sinh của Nhật Trang, đồ ăn chủ yếu là rau củ.

Suýt bị “tước” quyền nuôi con

Thêm một kỉ niệm nhớ đời về chuyện sinh con ở Úc được mẹ 9X chia sẻ, đó là chuyện hai vợ chồng bị “giám sát” xem có đủ khả năng để nuôi con không. Mẹ Nhật Trang kể lại: “Sau khi sinh xong và ở viện 3 ngày, mình thấy sức khỏe đã tốt lắm rồi nên muốn xin ra viện về nhà. Bệnh viện không đồng ý vì sau khi khám mình vẫn còn vài vết mẩn ngứa như là bị muỗi đốt. Sau đó, mình phải viết giấy cam đoan chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu có vấn đề gì khi ra viện thì mới được chấp nhận cho xuất viện về nhà. 

Ngay ngày hôm sau thì người của bệnh viện cùng hai cảnh sát và 2 người của bên tổ chức hỗ trợ các gia đình đến nhà mình kiểm tra đột xuất. Khi phát hiện thấy Tina không có giường riêng, đang nằm trên giường của bố mẹ thì lập tức người của bệnh viện ôm luôn cô bé Tina và tuyên bố: “Nuôi con như này là không an toàn vì thế tạm thời không cho nuôi nữa”. Lúc đó mình hoảng quá, thuyết phục giải thích thế nào họ cũng không nghe nên đành phải chọn theo 2 phương án mà họ đưa ra, một là hai mẹ con quay lại bệnh viện, hai là hai mẹ con ở nhà nhưng chồng mình phải đi ra khỏi nhà và chịu giám sát 24/24. 

Sinh con ở Úc 4
Hai người của tổ chức hỗ trợ gia đình bế bé Tina và "áp tải" hai mẹ con quay trở lại bệnh viện.

Cuối cùng mình đành để hai người của bên tổ chức hỗ trợ gia đình “áp tải” hai mẹ con quay lại bệnh viện cho tới khi hết nốt mẩn ngứa thì được về.

Mình vừa bực mình vừa cảm động khi họ giải thích rằng: “Vì em bé cần phải ngủ riêng an toàn, và bảo vệ em bé là nhiệm vụ của chúng tôi”. Hai mẹ con còn được tặng rất nhiều đồ dùng, cả một chiếc cũi riêng cho Tina nữa. Sau đó, chồng mình còn phải đi học một lớp học làm cha theo yêu cầu của họ. 

Đó là những kỉ niệm nhớ đời mà có lẽ bà mẹ trẻ sẽ không bao giờ quên được.

Làm cha mẹ khi còn rất trẻ, lại sống ở xa quê hương nhưng niềm hạnh phúc có con như có một tài sản quý giá nhất trong đời đã giúp vợ chồng Nhật Trang vượt qua những khó khăn đó. Nhật Trang chia sẻ: “Bọn mình yêu nhau 10 năm, hai vợ chồng lại bằng tuổi nên nhiều lúc cũng cãi vã khá nhiều, nhưng có hai đứa con nên trách nhiệm càng cao cho gia đình hơn. Dù khi sinh con không có gia đình ở bên giúp đỡ nhưng ông bà nội ngoại ở nhà rất tâm lý và động viên rất nhiều về cả vật chất và tinh thần, nhờ thế mà bọn mình nghĩ không có khó khăn nào có thể đánh gục được. Mình chỉ mong các con lớn lên khỏe mạnh thôi, đó là điều ước duy nhất của mình bây giờ!”.

Cùng ngắm những hình ảnh đáng yêu của bé Tim và bé Tina mà mẹ Nhật Trang chia sẻ với Mẹ&Bé:

Sinh con ở Úc 4
Hai vợ chồng Nhật Trang và công chúa nhỏ Tina.

Sinh con ở Úc 5

Sinh con ở Úc 7

Sinh con ở Úc 8

Sinh con ở Úc 9

Sinh con ở Úc 10
Những hình ảnh tuyệt đẹp của con gái Tina được bố mẹ ghi lại khi chỉ mới vài ngày tuổi.

Sinh con ở Úc 11

Sinh con ở Úc 12
Cậu bé Tim sinh non ngày nào giờ đã lớn và trở thành một chàng trai mạnh khỏe, nhanh nhẹn. Tim hiện đang ở Việt Nam với ông bà để bố mẹ tập trung chăm sóc cho em Tina.
Chia sẻ