Yêu con sao cho đúng?

,
Chia sẻ

Đã có không ít những câu chuyện đau lòng giữa cha mẹ và con cái... xuất phát từ cách chăm con quá mức của hai đấng sinh thành.

Hy vọng những câu chuyện thực tế chúng tôi góp nhặt được dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ có một cái nhìn đúng mực hơn trong việc nuôi dạy con...
 

Ảnh: Trang Nguyễn

Từ "yêu thương" của cha mẹ...

Dù sống ở một xóm trọ nhưng gia đình anh chị Quang – Huệ (Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn trông có vẻ sung túc hơn so với những gia đình xóm trọ khác. Đặc biệt, góc đồ chơi của đứa con trai năm tuổi của họ không hề thiếu thứ gì, từ chiếc xe môtô điều khiển từ xa cho đến cây súng điện tử giá cả trăm ngàn đồng. Anh chị nghĩ, mình đã sinh ra trong cảnh túng thiếu, ít được cha mẹ quan tâm, giờ cuộc sống đã khá hơn, anh chị phải cho con tất cả những gì mà trước đây tuổi thơ mình không có. Những ngày cuối tuần, anh chị thường đưa cậu con trai đi mua sắm từ siêu thị đến nhà sách... Cậu bé mới lên năm nhưng thích gì cha mẹ cũng mua. Cậu ít khi phải giận dỗi, hay đòi hỏi chuyện gì, vì cha mẹ luôn đoán ý cậu để chiều theo.

Anh chị Phương – Dung (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cưới nhau bốn năm mới sinh được một cô con gái, nên cô bé được anh chị "nâng như trứng, hứng như hoa...". Bạn bè, người quen đến thăm, anh chị luôn lấy cháu bé ra làm đề tài câu chuyện. Họ thường khen ngợi hết lời cô con gái tám tuổi của mình trước mặt bạn bè, từ thành tích ăn nhanh, đến thói quen ngủ dậy sớm... của con. Mỗi lần được khen trước mặt bạn bè cha mẹ, cô bé không giấu vẻ đắc chí, tự mãn. Vì là "con cầu con tự" nên anh chị không cho con gái làm bất cứ việc gì, từ việc tắm rửa cho đến mặc quần áo... mà cô bé luôn có một vú em kè kè bên cạnh làm giúp. Để "đỡ đần" việc học của con, anh chị thuê gia sư kèm từ thứ hai đến thứ sáu để giải quyết bài vở về nhà cho con.

Một trường hợp khác, anh chị Bình (Q.1, TP.HCM) cũng chỉ có một cậu con trai.  Dù bé Minh khá thông minh và lanh lợi, lại là con một, nhưng anh chị  vẫn không tỏ ra nuông chiều bé. Minh cũng không hay đòi cái này, xin cái kia với ba mẹ. Cậu luôn tự hoàn thành bài vở trước khi ba mẹ hỏi đến. Để khuyến khích thành tích học tập của con, anh chị hứa sẽ mua cho Minh một máy laptop nếu cậu đậu vào một trường điểm trung học cơ sở. Đó là một món quà ngoài sức tưởng tượng của cậu học trò lớp 5, nên Minh rất phấn chấn. Kỳ thi đã qua, Minh đã có mặt ở một trường chuyên có tiếng, nhưng chiếc laptop đợi hoài chẳng thấy. Minh đã nhắc lại lời hứa của ba mẹ, nhưng lần nào cũng chỉ  nghe "ậm ờ". Cậu tỏ ra rất buồn.

...đến suy nghĩ của con trẻ

Quen với cảnh "muốn gì được nấy", nên khi vào tuổi teen, Hòa An - con chị Loan (huyện Bình Chánh) không ngần ngại bắt chước bạn bè đua đòi. Thấy bạn nào cũng có cái điện thoại có chức năng nghe nhạc, An về xin ba mẹ và đinh ninh ba mẹ chắc chắn sẽ mua cho, không ngờ lại nhận được câu từ chối với lý do gia đình đang khó khăn. Thế là cậu ấm ức ôm quần áo bỏ sang nhà ông bà nội "tá túc", nhất quyết không chịu đi học. Anh chị Loan phải nói mãi mới "rước" được cậu ấm về. Còn chuyện đi học, anh chị đành "từ từ hẵng tính" vì cậu ngại đến trường do... không bằng mấy thằng bạn! 
 
Xin mua điện thoại không được cậu ấm đòi bỏ học

Duy Anh - học sinh lớp 7 một trường PTCS ở TP.HCM tỏ ra bi quan khi nhắc đến cha mẹ. Duy Anh tâm sự, ba mẹ không làm em tin cậy bằng người ngoài vì chỉ lo kiếm tiền, không quan tâm đến em đang nghĩ gì, cần gì. Họ thường phớt lờ những lời hứa với em, dù do chính họ tự hứa. Ba mẹ em hay viện nhiều lý do để hoãn lại các chuyến đi chơi có cả nhà; những bữa cơm tối ba mẹ hứa sẽ về nhưng lại vắng mặt cả hai người, bỏ mặc cậu với cô người làm... Riết rồi cậu cũng chẳng thèm quan tâm gì đến những hứa hẹn của ba mẹ. Duy Anh nói, em chỉ tin khi mọi việc đã được ba mẹ thực hiện trước mắt em. Chính vì vậy, người cậu tin tưởng nhiều nhất lại là mấy cậu bạn cùng lớp, mọi vui buồn, suy nghĩ cậu đều chia sẻ cùng bạn.

Còn cô con gái "rượu" của anh chị Phương – Dung, vì quen lúc nào cũng có vú em bên cạnh nên hết sức thụ động. Mỗi khi "chị vú” có việc về quê là chuyện gì cô bé cũng kêu ba gọi má, thậm chí cả việc ăn uống, ba má cũng phải ở bên cạnh múc từng miếng cô mới ăn. Cô bé bảo: "Con quen thế rồi! Có một mình, con không ăn được!". Việc học ở trường, cô chỉ đạt điểm cao với bài tập về nhà, còn trong lớp, khi được giáo viên gọi lên bảng hay làm bài tập tại lớp thì cô luôn lãnh điểm dưới trung bình...

Chuyên viên tư vấn tâm lý Kim Bắc (Trung tâm tư vấn FDC, TP.HCM): Trong giáo dục con cái, cha mẹ không nên lúc nào cũng thỏa mãn những nhu cầu, sở thích của trẻ. Nếu thói quen này cứ lặp đi lặp lại, trẻ chỉ biết tiếp nhận những gì mình muốn mà không tiếp nhận được sự từ chối. Đứa trẻ chỉ học được từ "có” mà không có kinh nghiệm khi người khác nói "không", dễ bị "sốc" khi người khác không thỏa mãn nhu cầu của mình.

Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ có thói quen đưa ra một điều kiện để "ngả giá” về một công việc của con mà không giải thích ý nghĩa, giá trị của việc con sẽ làm. Cách này tuy khuyến khích được trẻ hăng hái với công việc để được nhận thưởng, nhưng khi trưởng thành, trẻ sẽ hình thành tính cách nghiêng về lợi lộc bản thân, quy chiếu về cá nhân hơn là tìm ra giá trị đích thực của công việc. "Ngả giá” là một sai lầm, không thực hiện lời hứa lại là sai lầm lớn hơn của bậc làm cha mẹ đối với con cái. Con trẻ sẽ mất lòng tin nơi cha mẹ nếu lời hứa không được thực hiện.

 
Theo Thúy Phượng
Phụ nữ
Chia sẻ