"Vượt rào" để làm mẹ

Thanh Thùy,
Chia sẻ

Với sự cảm thông sâu sắc và tình cảm chân thành, chắc chắc những người phụ nữ thêm một lần làm mẹ nữa sẽ dần có được chỗ đứng trong trái tim đứa con riêng của chồng.

Vật cản trẻ con

Quyết định kết hôn với anh Toàn, chị Mai vấp phải sự phản đối kịch liệt của bé Minh Khang, con trai anh Toàn. Minh Khang nhất quyết không đồng ý cho bố lấy thêm vợ nữa. Dù gì thằng bé cũng đã lớp 6, đã hiểu mọi chuyện. Ngày bố mẹ chia tay, nó đã khóc rất nhiều, dù hồi đó nó mới lớp 2. Trong suốt 3 năm, hai bố con yêu thương nhau vô cùng. Anh Toàn cũng tưởng sẽ chỉ ở vậy nuôi con vì nỗi đau bị vợ phản bội vẫn luôn làm anh đau đáu không nguôi.

Nhưng rồi nhìn thấy con trai phải lủi thủi ở nhà với bác giúp việc trong những ngày anh đi công tác anh không đành lòng. Khi gặp chị Mai, người phụ nữ đã mất cả chồng cả con trong một vụ tai nạn, sự đồng cảm đã kéo hai người lại với nhau và cả hai quyết định đến với nhau. Nhưng không ngờ Minh Khang phản đối kịch liệt với lý do: “Con chỉ thích sống có 2 bố con thôi, không thích có ai thay mẹ đâu”.


Cùng hoàn cảnh với anh Toàn, anh Dũng cũng gặp khó khăn khi muốn tiến đến hôn nhân lần thứ 2 vì cô con gái lớp 3 của anh nhất quyết không đồng ý. Cứ thấy cô Thu Lan đến nhà là con bé lại khóc và giẫy nẩy lên đòi đuổi cô về. Mỗi lần hai bố con đi chơi, bố gợi ý để cô Thu Lan đi cùng là con bé gào khóc và bảo bố không thương con, bố chỉ thương cô Thu Lan thôi, con muốn mẹ con…

Làm mẹ kế không khó

Cái quan niệm “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” của ông cha ta đúc kết từ xưa đến nay dường như đã trở thành một quan niệm sắt đá khiến rào cản mẹ kế - con chồng từ trước đến nay vẫn khó bị xóa bỏ. Mặc dù vẫn biết không phải người mẹ kế nào cũng không tốt với con chồng nhưng cái tâm lý khác máu tanh lòng vẫn khiến nhiều người phụ nữ khó tìm được hạnh phúc một lần nữa sau một lần đò tan vỡ.

Để cuộc hôn nhân lần thứ hai thành công, nhất là khi gặp phải những “vệ sĩ tí hon” thì những người mẹ kế cần phải hết sức cố gắng xóa đi rào cản mẹ kế - con chồng.


- Đối mặt với sự phản đối: Hầu hết những đứa trẻ khi đã có nhận thức sẽ không muốn phải sống chung với một người phụ nữ khác thay thế cương vị của mẹ chúng. Thậm chí cho dù trước đó chúng rất quý người phụ nữ đó nhưng khi cô ấy có ý định về sống chung với hai bố con là bọn trẻ sẽ có tâm lý sợ bị cướp mất bố (trước đến giờ chúng vẫn nghĩ bố là của chúng và chỉ có hai bố con), dẫn đến thái độ thờ ơ, xa lánh… Và với những đứa trẻ ương bướng thì có kh còn có một “cuộc chiến” thầm lặng chống lại sự thay đổi này.

- Quan tâm một cách chân thành: Không nên gồng mình hay đóng kịch tình cảm với con riêng của chồng vì trẻ con cũng rất nhạy cảm, nếu biết sự thật chúng sẽ càng không thích mẹ kế của mình hơn. Để làm một bà mẹ kế “được chấp nhận” (chứ chưa nói là tốt), điều quan trọng cần làm là hãy bao dung và nhẫn nhịn bằng cách khéo léo tìm hiểu tâm tính, sở thích… của con chồng. Đừng nghĩ cách đối phó với con chồng hoặc đối xử thiên vị giữa của chồng và con mình.

- Đừng cố bắt chước mẹ đẻ của những đứa trẻ: Sai lầm những người mẹ kế hay gặp là họ tìm hiểu các thói quen và sở thích của người vợ trước của chồng rồi cố bắt chước theo. Họ nghĩ rằng, làm như vậy sẽ lấy lòng đứa con riêng. Song, thực tế, điều đó chỉ làm đứa trẻ thêm khó chịu và không thích mẹ kế hơn mà thôi.

Với sự cảm thông sâu sắc và tình cảm chân thành, chắc chắc những người phụ nữ thêm một lần làm mẹ nữa sẽ dần có được chỗ đứng trong trái tim đứa con riêng của chồng.
Chia sẻ