Vắng mẹ, con đổ bệnh

Theo PNO,
Chia sẻ

Không ít trường hợp trẻ mắc tâm bệnh dẫn đến chán ăn, suy kiệt vì mẹ gặp khó khăn trong cuộc sống, công việc, không thể gần gũi chăm sóc con…

Từ chán ăn tâm lý

Có không ít trường hợp trẻ chán ăn không phải vì no, thức ăn không ngon mà do tâm lý bất ổn. Chị Ngọc Nhung (Q.6, TP.HCM) khi chuyển qua chỗ làm mới, được phân làm ca chiều tối, mãi đến 21-22g mới về. Chị đành gửi đứa con ba tuổi cho người giúp việc. Trừ chủ nhật, mỗi ngày chị chỉ gặp và chăm sóc con vài chục phút trước khi đưa bé đi mẫu giáo; tối về chị chỉ được ngắm nhìn, nựng con trong lúc bé... đang ngủ. 

Từ một đứa trẻ ăn khá ngoan, bữa ăn chỉ dài tối đa 45 phút, món nào cũng không chê, sau hai tháng “xa cách” mẹ, bé “đạt kỷ lục” ăn chậm, người giúp việc phải “đánh vật” suốt hai tiếng đồng hồ mới xong bữa. Bé hay ngậm cơm, muỗng vừa đưa tới miệng đã oẹ hơi và hầu như món nào cũng đẩy ra… Lo con đổ bệnh, chị Nhung quyết định thay đổi chế độ sinh hoạt, nhưng phải hai tháng sau, chị mới có cơ hội chuyển sang làm giờ hành chính và được tận tay chăm sóc con. Tình trạng của con chị cải thiện dần, nhưng phải hơn nửa năm sau, bé mới trở lại nết ăn trước đây.

Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: P.Huy

Đến suy kiệt trầm trọng

Trường hợp bé gái V.M. thì bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Bé ốm yếu, xanh xao, tuy đã hơn 10 tuổi nhưng chỉ nặng chừng 15kg. Cách đây một năm, tôi tình cờ gặp chị X. đẩy xe lăn đưa bé M. từ Khoa Tiêu hóa đến Đơn vị Tâm lý của BV Nhi Đồng I TP.HCM. Chị buồn rầu kể, vì đi làm xa, phải gửi M. luân phiên cho bên nội và bên ngoại từ khi còn bé. Khoảng ba tuổi, M. hay nôn ói, không ăn được và phải thường xuyên nằm viện. Điều lạ là qua khám sức khỏe toàn diện, M. không mắc bệnh gì, trừ vẻ thờ ơ, không thích giao tiếp.

Sau nhiều lần nhập viện, bác sĩ yêu cầu khám tâm lý để tìm hiểu các mối quan hệ trong gia đình, cha mẹ của bé có bị áp lực gì, không khí bữa ăn ra sao; sự phát triển của M. có phù hợp tuổi không... Sau một vài buổi tiếp xúc và thấy an tâm, M. mới chịu cùng mẹ trả lời chuyên viên tâm lý. 

Hóa ra, chưa đầy ba tuổi, cha mẹ M. đã ly dị. được gửi ở nhà nội, nhà ngoại, M. thường xuyên chứng kiến sự xung đột giữa hai gia đình, lại thiếu tình thương, sự vỗ về, chăm sóc của cha mẹ nên bị trầm cảm. Dù có em và có nhiều đồ chơi nhưng M. chỉ thích chơi một mình. Về ăn uống, dù món “hảo” từ nhỏ là cơm gà xối mỡ, nhưng M. cũng không màng. M. cho biết, khi nằm viện em cảm thấy an tâm hơn, lòng cũng vui hơn khi có người thân đến thăm. 

Bệnh vắng mẹ

Theo BS Phạm Ngọc Thanh, Đơn vị Tâm lý BV Nhi Đồng I, rối loạn như bé M. là chứng trầm cảm vắng mẹ, thường xảy ra ở trẻ nhỏ khi vắng mẹ quá ba tháng. Bệnh hay gặp ở lứa tuổi 6-12 tháng, đặc biệt khi trẻ bị cách ly khỏi cha mẹ quá sớm. Sự trầm cảm này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, cảm xúc của trẻ, có thể kéo dài đến tuổi vị thành niên và trưởng thành.

Chị Thanh Mai, chuyên viên tâm lý Công ty A.V.S. cho biết, yếu tố tâm lý thiếu vắng mẹ đã gây ra rối loạn trên. Trẻ thường có những biểu hiện như không chịu ăn, khó ngủ, thu mình lại, không giao tiếp; nhưng cũng có trường hợp trẻ rất hung hăng, hiếu động. Theo chị Mai, trẻ em lúc nào cũng cần tình yêu thương của cha mẹ. Ánh mắt trìu mến, giọng nói dịu dàng, những vỗ về, chăm sóc ân cần… của đấng sinh thành là những điều không ai có thể thay thế trong lòng trẻ nhỏ. Muốn trẻ phát triển cân bằng, cha mẹ cần phải thu xếp cuộc sống để dành nhiều thời gian bên con.
Chia sẻ