Vài tuổi đầu đã biết "lên mặt"

H. N,
Chia sẻ

“Bà mà không im mồm đi là tôi đá cho một cái xuống đất đấy”. Cả nhà đang cùng ngồi xem phim cười nghiêng ngả bỗng khựng lại, im bặt khi nghe tiếng của bé Sam gào toáng lên.

Bố mẹ Sam trợn tròn mắt nhìn, còn bà Châm giúp việc thì lấm lét nhìn con bé rồi ngượng nghịu xuề xòa: “Được rồi, bác không cười nữa được chưa. Con ngồi xuống đây xem tiếp đi”.

Đây không phải là lần đầu tiên Sam có thái độ hỗn hào với bà Châm. Bà Châm là người giúp việc nhà Sam từ hồi mẹ mới sinh Sam còn đỏ hỏn. Ngót nghét bà Châm đã ở cùng gia đình Sam được gần 5 năm. Bà không có người thân nên yêu quý gia đình Sam như gia đình mình, coi Sam như con cháu nhà mình. Được bà chăm bẵm và chiều từ bé nên Sam rất đành hanh. Lớn hơn một chút, ý thức được rằng dù gì bà Châm cũng chỉ là người giúp việc như các bà giúp việc nhà bạn bè cùng lớp nên trong đầu óc non nớt của Sam luôn tỏ ra mình là “cô chủ nhỏ”, có quyền quát tháo và mắng bà. Bà làm trái ý là Sam gào lên: “Cháu không thích mặc áo này”, “Cháu không thích đi dép này”, “Sao bà nấu ăn không ngon như bà osin nhà bạn Na, bạn Tít?”… Thậm chí, có lúc bị bà Châm “rèn” cho tính ngăn nắp, cất gọn đồ chơi thì Sam còn lớn tiếng đe nẹt: “Bà bắt cháu làm là cháu bảo bố mẹ đuổi bà đi luôn”…
 

Tất cả những lời nói, thái độ này là Sam được các bạn gần nhà “dạy” cho. Các bạn bảo: “Bà ý là osin, nên phải sợ mình chứ. Không thích thì bảo bố mẹ thay osin khác…”. Bố mẹ Sam bận bịu công việc, có hôm đến khuya mới về nhà. Mọi việc nhà cửa, chăm sóc Sam, vì tin tưởng nên cả hai giao hết cho bà Châm. Được cái bà Châm hiền lành, thật thà, lại sống cùng nhà lâu rồi, rất yêu và chiều Sam nên bố mẹ Sam cũng vô cùng yên tâm. Bố mẹ Sam không chèn ép hay chi li với bà mà trái lại, còn coi bà như người trong gia đình. Ngay cả việc dạy dỗ Sam, anh chị cũng cho phép bà được mắng hay nhắc nhở cháu những khi cần thiết. Mỗi lần nói chuyện hỏi han con bé, bà Châm đều gật gù: “Cháu nó ngoan lắm, đáng yêu lắm…”

Tin tưởng là thế, ấy vậy mà nay tận tai nghe cô con gái rượu quát bà giúp việc, tận mắt thấy con dùng chân đá liên tiếp vào người bà và thấy thái độ “nhường nhịn” con bé của bà giúp việc mà anh chị không khỏi ngỡ ngàng. Anh chị có kênh kiệu, kiêu căng gì cho cam, có coi thường người giúp việc đâu mà con gái anh chị lại có thái độ đó chứ. Dù bà Châm có là người giúp việc đi chăng nữa thì bà cũng đã ở cùng gia đình bao năm, chăm sóc Sam từ bé, Sam phải biết ơn bà chứ không nên có thái độ như vậy.
 

Bố mẹ Sam còn tá hỏa hơn khi nghe con gái thú nhận, tất cả những thái độ đó là do Sam học được từ các bạn. Có lần sang nhà cu Mít chơi, thấy chị giúp việc nhà Mít vừa xem phim vừa cười to thế là bị Mít quát, Sam về học tập theo ngay. “Các bạn bảo rằng mình là chủ nhà nên được quyền ra lệnh mẹ ạ, có thế osin mới sợ mình, mới không lừa được nhà mình”, lời cô con gái hồn nhiên khoe làm vợ chồng chị Trang giật mình. Đúng là vợ chồng chị đã quá sơ ý, không dạy dỗ con đến nơi đến chốn chuyện đối nhân xử thế, kể cả đối với người giúp việc trong nhà. Còn bà Châm, một phần là yêu quý và chiều cháu, một phần là tự ti mình là người giúp việc nên không dám quát mắng cháu. Điều này đã khiến bé Sam càng ngày càng có tính “cậy quyền cậy thế”.

Xã hội hiện đại làm nảy sinh nhiều mối quan hệ. Việc thuê người giúp việc đã không còn lạ lẫm, mà trở thành phổ biến ở những nơi phố thị, nhất là những gia đình có con nhỏ cần thuê người giúp việc để chăm sóc con cái như gia đình nhà anh chị Trang. Không thể áp đặt quan hệ tình cảm giữa chủ nhà với người giúp việc trong các hộ gia đình, nhưng điều đáng nói ở đây là, chính thái độ của cha mẹ, của người lớn trong gia đình đối xử với người giúp việc thế nào thì sẽ tác động đến suy nghĩ và tình cảm của con thế như thế đó. Tốt nhất đừng nên để trẻ mới ít tuổi đầu đã có tính phân biệt đối xử, vì như vậy trẻ sẽ không hình thành được những suy nghĩ biết cảm thương, đối xử tốt, bình đẳng và tôn trọng với mọi người.
Chia sẻ