Tuần thai thứ 11: Bé đã biết đá chân, xòe tay

Thúy Phạm/Parent,
Chia sẻ

Sự phát triển đặc biệt nhất của bé trong tuần thai này là phản xạ. Bé đã có thể bắt đầu nuốt và đá chân. Ngón tay bé có thể bắt đầu xòe ra và nắm lại được, các ngón chân cụp lại, và miệng sẽ có cử động mút.

Sự phát triển của em bé

Tuần thai này em bé có nhiều sự phát triển mạnh mẽ, nhanh đến chóng mặt. Tất cả các bộ phận chính của cơ thể như gan, thận, ruột, não và phổi đã phát triển đầy đủ. Đầu của bé khá lớn, nó chiếm gần như một nửa chiều dài cơ thể. Các “chi tiết” cũng đang được hoàn thiện như móng tay và lông tơ. Bộ phận sinh dục đã bắt đầu nhìn rõ nhờ sự phát triển từ những tuần trước đó. Nếu được nhìn bé lúc này, bạn sẽ thấy rõ xương sống và các ống thần kinh xương sống chạy dọc theo xương sống.

Sự phát triển đặc biệt nhất của bé trong tuần thai này là phản xạ. Bé đã có thể bắt đầu nuốt và đá chân. Ngón tay bé có thể bắt đầu xòe ra và nắm lại được, các ngón chân cụp lại, cơ mắt nhắm chặt, và miệng sẽ có cử động mút. Trên thực tế, nếu mẹ động vào bụng mình thì em bé đã có thể lúng búng bên trong để hồi đáp lại, dù là bạn sẽ không cảm thấy gì. Ruột bé phát triển rất nhanh và trồi lên thành dây rốn, bắt đầu chuyển vào khoang bụng vào thời điểm này, và thận bé bắt đầu bài tiết nước tiểu vào bàng quang.

Trong khi đó, các tế bào thần kinh đang nhân bản nhanh đến chóng mặt, và trong não bé các khớp thần kinh cũng đang hình thành với tốc độ khủng khiếp. Khuôn mặt bé giờ đã rất ra dáng người rồi: Hai mắt đã chuyển ra phía trước đầu, và đôi tai đã ở đúng vị trí của chúng. Từ đỉnh đầu đến chỏm mông, em bé tương lai của mẹ chỉ mới dài khoảng 4,1cm và nặng chừng 7g.
 

Những thay đổi của cơ thể mẹ

Bạn đang dần kết thúc giai đoạn đầu tiên của thai kỳ và tử cung của bạn lúc này có kích thước của một quả dưa vàng loại nhỏ, tương đương với kích thước vùng xương chậu. Dây rốn xoắn ốc như hai động mạch và tĩnh mạch xoay để phù hợp với vỏ bọc bảo vệ thai.

Tử cung của bạn đã phát triển đến độ mà bác sĩ giờ đây đã có thể cảm nhận được đỉnh của nó (hay đáy tử cung) ở phần bụng dưới ngay trên xương mu. Bạn có thể sẵn sàng để mặc đồ bầu rồi đấy, đặc biệt nếu đây không phải lần đầu bạn mang thai. Nếu bụng bạn vẫn còn khá nhỏ và bạn chưa sẵn sàng chuyển sang quần áo bầu thì bạn cũng thấy rõ là eo mình đang nở ra và bạn thấy thoải mái hơn với những loại quần áo rộng rãi.

Mẹ có thể bắt đầu biết thế nào là ợ nóng (còn gọi là chứng khó tiêu axit), cảm giác nóng rực thường kéo dài từ cuối xương ức đến dưới cổ họng. Nhiều phụ nữ trải qua hiện tưởng ợ nóng lần đầu tiên trong đời khi họ có thai, và những phụ nữ đã từng gặp hiện tượng này trước khi mang thai có thể sẽ có trải nghiệm nặng nề hơn trong thai kỳ.

Trong thời gian mang thai, nhau thai sản sinh nhiều nội tiết tố progesterone làm lỏng các van ngăn cách giữa thực quản và dạ dày. Nhất là khi mẹ nằm, axit dạ dạy dễ trào lên thấm ngược lại thực quản gây cảm giác rất khó chịu. Với nhiều phụ nữ, vấn đề này không xuất hiện (hoặc trở nên tệ hơn) cho đến cuối thai kỳ, khi tử cung nở to chèn ép lên dạ dày. Cảm giác khó chịu này có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng đến không thể tập trung làm gì.

Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?

Chứng ốm nghén thường xảy ra vào xung quanh bữa ăn tối khiến nhiều bà bầu bị đói do không thể ăn gì. Vậy thì hãy ăn thật nhiều vào buổi sáng để bù đắp lại nhé.

Lưu ý khi chăm sóc sắc đẹp như: dưỡng da, làm móng tay, làm tóc... Bạn sinh mổ hay sinh thường trong lần sinh trước và lựa chọn của bạn lần này. Không nên để vòng bụng bị bó chặt (chưa cần phải mặc quần áo quá rộng rãi).

Nếu bạn thấy nước bọt tăng tiết nhiều hơn thì cũng đừng vội lo lắng, nó sẽ nhanh chóng biến mất sau 3 tháng đầu thai kỳ thôi. Thực ra chưa ai biết chính xác nguyên nhân nhưng chắc chắn rằng nó hoàn toàn vô hại. Bạn có thể dùng bạc hà hay đánh răng với kem chứa bạc hà để làm giảm tình trạng này. Do các hormon thai kỳ tác động tới sức khỏe nướu lợi của bạn nên thời gian này có thể bạn sẽ gặp phải các vấn đề về răng miệng. Các thức ăn cũng trở nên dễ bám vào răng và lợi khiến lợi hay bị chảy máu hơn. Điều này là nguyên nhân gây ra viêm nhiễm và sâu răng. Vì vậy, bạn nên luôn chú ý đến vấn đề vệ sinh răng miệng.

Nếu muốn giảm dần các loại nước uống mà trước đây bạn hay uống như: trà, cà phê, bạn có thể sử dụng các loại trà thảo dược phù hợp với các bà bầu. Cố gắng uống 8 cốc nước/ngày, nhưng hạn chế uống trước khi đi ngủ để tránh phải thức giấc nhiều lần trong đêm.

Nếu ngủ không ngon giấc, bạn hãy tập các bài thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ. Những giấc mơ kỳ lạ cũng thường rất phổ biến trong thời kỳ bầu bí và cũng là nguyên nhân khiến bạn thức giấc nửa đêm. Lúc này, bạn vẫn còn bị nghén và đến tuần thứ 12 hiện tượng này sẽ giảm đi.

Lưu ý thêm là bạn không nên nằm sấp khi ngủ nữa, như các chuyên gia nói rằng vị trí này làm tăng lưu lượng máu cho em bé. Một chiếc gối có thể giúp cho bạn nằm ngủ một bên thoải mái hơn. Nó cũng giúp cho những thai phụ ấm áp hơn nếu mang thai trong mùa đông.
 

Thăm khám bác sỹ

Chọc dò ối là một xét nghiệm tiền sản được thực hiện giữa tuần 15-19 (từ thời điểm thụ thai) hoặc từ 16-20 (từ kỳ kinh cuối). Xét nghiệm này chính xác đến hơn 99% để xác định các rối loạn nhiễm sắc thể ở thai nhi như hội chứng Down. Nó cũng phát hiện được hàng trăm loại rối loạn di truyền khác như xơ nang, bệnh hồng cầu hình liềm, rối loạn biến dưỡng Tay-Sachs, cũng như dị tật ống thần kinh (như nứt đốt sống hoặc thai vô sọ). Do chọc dò ối là xét nghiệm xâm lấn và có khả năng nhỏ gây sẩy thai, các thai phụ chọn thực hiện xét nghiệm này thường là nằm trong nhóm có nguy cơ về các vấn đề di truyền và nhiễm sắc thể.

Tiếp tục duy trì các bài kiểm tra ngực bằng tay trong suốt thai kỳ. Mẹ cần dành thời gian tìm hiểu để có thể nhận biết u ngực do thai kỳ và các u ngực đáng lo ngại để có thể nhờ trợ giúp của bác sĩ kịp thời.

Khám mắt trong thai kỳ được xem là an toàn, nhưng đó có thể không phải là vấn đề. Nếu mẹ giống như hầu hết phụ nữ khác, thị lực của mẹ chỉ hơi thay đổi một chút thì nó sẽ trở lại sau khi mẹ sinh bé. Trái lại, nếu tầm nhìn bị mờ nhòe rõ rệt, đó có thể là dấu hiệu của tiểu đường thai nghén hoặc cao huyết áp và cần được bác sĩ lưu ý.

Đây là lúc mẹ xác định xem mình có muốn biết giới tính của em bé hay không. Trong vài tuần nữa, mẹ có thể siêu âm để kiểm tra sức khỏe tổng quát của thai nhi hoặc tìm ra giới tính thai nhi. Tuy nhiên, siêu âm giới tính thai nhi không được khuyến khích do một số nguyên do về quan niệm giới tính ở nước ta.

Nếu bạn mắc cúm trong giai đoạn này thì bạn vẫn phải tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi lựa chọn sử dụng. Acetaminophen (thành phần được tìm thấy trong Tylenol) và nhiều thuốc kháng acid thường được sử dụng, nhưng xi-rô ho, thuốc cảm lạnh, và các sản phẩm khác có thể có những thành phần gây hại cho thai nhi đang phát triển. Tuyệt đối, không được sử dụng ibuprofen trong thời kỳ mang thai của bạn.

Mua sắm

Dành thời gian để đi mua một ít đồ bầu cơ bản như mấy cái áo màu và quần jean hay đen đơn giản. Hãy liệt kê những cửa hàng đồ bầu lớn để dễ chọn lựa được đồ cho mình mà không phải đi quá nhiều. Khôn ngoan nhất là mẹ hãy mua quần áo rộng hơn 1-2 cỡ để có thể mặc lâu hơn khi mẹ tiếp tục tăng cân.

Ngồi lại với bố bé để thảo luận về cách mà bố mẹ sẽ kiểm soát chi tiêu cho em bé – tiền quần áo, thức ăn, tã bỉm, đồ chơi, vật dụng có thể tăng lên rất nhanh. Hội ý xem bố mẹ có thể cắt giảm khoản chi tiêu nào của mình để dành cho bé cũng như liệu có thể làm gì để tăng thêm thu nhập. Và đây là lúc bố mẹ nên bắt đầu mở tài khoản tiết kiệm cho bé.

Ngoài ra bạn cần phải bắt đầu chuẩn bị các vật dụng lớn: như xe đẩy, cũi, và chỗ ngồi trên xe hơi… Bạn không cần phải trả tiền ngay. Bởi đôi khi đồ nội thất và giường cầu cho trẻ mà bạn đặt có thể phải mất vài tháng mới được giao. Bạn nên xem xét thời gian để bạn có thể chủ động và có nhiều thời giờ chuẩn bị phòng cho bé.

Tập thể dục

Tiếp tục duy trì bài tập Kegel tăng cường cơ xương chậu sẽ giúp bạn tránh khỏi những tiêu tiểu không tự chủ, cả trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh. Cố gắng tăng cường lực ép của các cơ bắp xung quanh âm đạo và hậu môn lên 10 giây, thực hiện 10 đến 20 lần liên tiếp và khoảng ba lần mỗi ngày.

Mối quan hệ với chồng

Đây là lúc tuyệt vời để mẹ nối kết lại với bố (người mà mẹ đã giữ khoảng cách đến giờ vì nghén, vì không thoải mái, vì đơn giản là mẹ khó ở). Khôi phục lại sự gần gũi thể xác với người mình là điều mà cả tâm trí, thân thể lẫn mối quan hệ của mẹ cần. Hãy tận hưởng các tư thế khác nhau, một khi bụng mẹ đã lớn, lựa chọn của mẹ sẽ bị hạn chế lại.

Nhiều bố mẹ nghĩ đến việc tham gia bảo hiểm giáo dục cho con ngay khi bé vẫn còn nằm trong bụng mẹ nhằm đảm bảo tài chính lâu dài cho đến khi bé hoàn tất các cấp học. Nếu mẹ nằm số các bố mẹ này, hãy bắt đầu nghiên cứu các chương trình bảo hiểm để lựa chọn dịch vụ phù hợp nhất với gia đình.

Hãy tận dụng những tháng tới để thảo luận về sự thay đổi của gia đình khi em bé mới chào đời. Trong khi trò chuyện bạn và chồng có thể được gợi mở để thấu hiểu nhau hơn. Khi có cùng một mối quan tâm, hai bạn sẽ dễ dàng tìm được giải pháp chung. Thêm vào đó, sự giao tiếp cởi mở sẽ mang hai bạn đến gần nhau hơn.

Anh chị em ruột

Đây có lẽ là thời điểm hấp dẫn để tiết lộ về sự hiện diện của thành viên mới cho con lớn của bạn. Nếu con của bạn ít hơn 3 tuổi, các chuyên gia khuyên bạn hãy cứ giữ kín. Nhưng nếu bé đã đủ tuổi để xử lý thì bạn có thể tổ chức một bữa tiệc nhỏ trong gia đình, vừa để thông báo, vừa để đánh dấu sự bắt đầu của tam cá nguyệt thứ hai.

Chia sẻ