Trò chuyện cùng bé yêu

Lan Thu,
Chia sẻ

Ngay từ trong bụng mẹ trẻ đã có khả năng nghe được các âm thanh. Vì vậy, trò chuyện với trẻ ngay từ lúc này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, trí thông minh khi trưởng thành.

Khi bào thai được 17 tuần tuổi, cơ quan thính giác của thai nhi đã bắt đầu hình thành và phát triển. Trẻ có thể cảm nhận được những âm thanh từ bên ngoài ở khoảng cách gần như: tiếng nói của cha mẹ, âm thanh của các bản nhạc…

Vì vậy, ngay từ khi mang thai, người mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ bằng những lời nói dịu dàng, tình cảm, thể hiện tình yêu thương đối với trẻ. Ngoài ra, cho trẻ nghe những bài hát, những bản nhạc với giai điệu du dương, nhẹ nhàng cũng giúp phát triển khả năng ngôn ngữ và trí tuệ khi trẻ trưởng thành.

Những căng thẳng bực bội, những lời nói gay gắt hoặc những bản nhạc dữ dội… có thể gây ra những tổn thương tinh thần và ảnh hưởng tới tính cách của trẻ.

Khi trẻ ra đời, môi trường tiếp xúc với ngôn ngữ của trẻ được mở rộng, do vậy khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng ngày một phát triển và hoàn thiện. Trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ chủ yếu qua 2 kênh: thị giác và thính giác. Những nụ cười, những lời nói và cử chỉ âu yếm sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ và mọi người dành cho mình.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý: khi trò chuyện, nên nhìn thẳng vào mắt trẻ ở khoảng cách từ 20 - 25cm và chú ý theo dõi phản ứng của trẻ. Trò chuyện với trẻ ở khoảng cách quá gần sẽ gây hại cho mắt và tai trẻ. Trẻ giao tiếp với bố mẹ và mọi người qua nét mặt, nụ cười, cũng như các cử động của cơ thể. Hãy chú ý điều này để có thể trò chuyện với trẻ một cách hiệu quả.

Hãy nhớ rằng: khóc là kênh thông tin rất quan trọng để trẻ có thể thông báo cho bố mẹ về những yêu cầu của mình. Vì vậy, khi trẻ khóc, hãy tìm hiểu và đáp ứng ngay những nhu cầu của trẻ. Để trẻ khóc lâu sẽ làm trẻ hoảng sợ, ảnh hưởng không tốt tới hệ thần kinh cũng như sự phát triển trí tuệ của trẻ khi trưởng thành.

Theo Lan Thu
Dân trí/passion
Chia sẻ