Trẻ tè dầm liên tục có phải do bị bệnh?

Thu Hương,
Chia sẻ

Mắng con nhiều nhưng con chỉ khóc chứ không thay đổi được cái tật tè dầm, chị Thu đâm hoang mang, không biết con trai có bị bệnh gì không.

Dạo này chị Thu không sao kiềm chế nổi sự bực tức với cậu con trai 4 tuổi của mình. Cu Bom từ trước đến giờ luôn được coi là đứa trẻ thông minh, ngoan ngoãn, nhất là cái khoản đi tè là Bom đã biết gọi mẹ từ hồi chưa đầy 2 tuổi. Hàng xóm ai cũng phải xuýt xoa thằng bé khôn thật, chẳng bao giờ tè dầm, mẹ đỡ hẳn khoản giặt quần ướt cho con.

Ấy thế mà mấy tháng nay, chẳng hiểu thế nào mà cu Bom liên tục tè dầm. Cô giáo phản ánh rằng Bom tè liên tục, mà chẳng lần nào chịu gọi cô nên nhiều lúc phải phạt Bom đứng góc lớp. Bom 4 tuổi rồi, nói rõ rồi chứ có phải chưa biết gọi đâu mà không chịu gọi người lớn khi muốn đi tè. Nhiều lần nhắc nhở Bom mà thấy con vẫn chứng nào tật đấy, chị Thu bực mình lắm. Cứ nghĩ con mải chơi nên quên mất, có lần chị phạt con chỉ được chơi quanh quẩn trong một phòng trống không có đồ chơi. Vậy nhưng chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ chơi trong đó, Bom cũng vẫn tè dầm đến 5 cái quần liên tục.



Mắng con nhiều nhưng con chỉ khóc chứ không thay đổi, thậm chí con còn không muốn đến lớp vì xấu hổ, chị Thu đâm hoang mang, không biết con trai có bị bệnh gì không. Theo lời khuyên của mọi người, chị đưa con đi khám ở khoa tiết niệu. Theo kết quả khám, bác sĩ kết luận cu Bom bị mất khả năng kiểm soát sự đi tiểu, hay còn gọi là “tiểu dầm”.

Không kiểm soát hoặc mất kiểm soát khả năng đi tiểu khiến cho trẻ cảm thấy ngại ngùng dù là ở nơi công cộng hay ở chỗ riêng tư. Biểu hiện này của trẻ có thể tự hết theo thời gian, nhưng nó cũng khiến trẻ mất tự tin và muốn khỏi “bệnh” ngay lập tức. Chính vì vậy, cha mẹ cần nắm bắt được tâm lý trẻ, hiểu được nguyên nhân của chứng mất kiểm soát đi tiểu này của con để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tiểu không kiểm soát thường gặp khá phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi. Cho đến khoảng 5 tuổi, cơ thể trẻ vẫn đang học cách lắng nghe chính mình, do đó, ngay cả khi trẻ đã được đào tạo đi toilet thì vẫn có lúc khi bàng quang quá đầy và trẻ không kịp vào nhà vệ sinh hoặc ngồi bô như đã được dạy. Đến khoảng 5 tuổi, 10% trẻ em vẫn mắc tật tè dầm. Con số này giảm xuống còn 5% với những trẻ lên 10 tuổi. Các bé trai thường mắc tật tè dầm cao gấp đôi so với các bé gái.

Nguyên nhân khiến trẻ mất kiểm soát đi tiểu

Có thể có nhiều nguyên nhân gây tiểu tiện bất thường ở trẻ em. Chẳng hạn như nước tiểu quá đầy trong bàng quang hoặc trẻ không có khả năng cảm nhận khi bàng quang đã đầy và trẻ cần đi tiểu. Không thường xuyên đi tiểu sẽ làm giảm khả năng của bàng quang và gây ra bất thường trong cấu trúc đường tiết niệu. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân dẫn đến sự mất kiểm soát này là: uống nhiều đồ uống có caffein hoặc thuốc lợi tiểu, do di truyền, hoặc do trạng thái cảm xúc…

Giúp con hạn chế tiểu dầm ban ngày

Có nhiều bậc phụ huynh không làm gì mà để tự nhiên theo thời gian và sau này con sẽ tự kiểm soát được vấn đề đi tiểu của mình.

Nhưng nếu muốn giúp con sớm kiểm soát được, cha mẹ có thể cố gắng hạn chế số lượng đồ uống có chứa cafein của con trong ngày. Đồng thời hạn chế cho con uống ít nước hơn khi con không ở gần nhà vệ sinh. Cha mẹ cũng có thể quy định khoảng thời gian đi vệ sinh cho con và khuyến khích con đi vệ sinh để con có cảm nhận về bàng quang của mình.

Nếu các biện pháp trên không có hiệu quả, cha mẹ hãy đưa con đi khám để phát hiện nguyên nhân sớm nhất và có cách điều trị thích hợp nhất.

Giúp con không tiểu dầm về đêm

Thay đổi thói quen ban đêm của trẻ có thể giúp làm giảm bớt tình trạng tè dầm vào ban đêm. Cha mẹ nên hạn chế lượng chất lỏng con ăn uống vào buổi tối, nhắc con đi tè trước khi đi ngủ và sau hai giờ đồng hồ thì đánh thức con dậy để đi tè, tránh để con ngủ liền tù tì một đêm dài. Mặc quần áo thoải mái và dễ dàng cởi ra khi trẻ đi tè. Ngoài ra, cha mẹ có thể đặt một miếng bảo vệ đệm hoặc tấm chống thấm nước trên giường để nếu trẻ có tè dầm thì không bị ướt chăn đệm. Cha mẹ cũng nên để đèn buổi đêm để trẻ không phải sợ mỗi lần dậy đi vệ sinh. Những điều này có thể bất tiện và phức tạp khi mới thực hiện nhưng nếu chịu khó có thể giúp trẻ vượt qua được tật tè dầm.

Nếu những cách này không mang lại hiệu quả gì, đừng ngần ngại liên hệ sự giúp đỡ của bác sĩ.

Chia sẻ