Trẻ quậy phá chưa chắc đã mắc bệnh hiếu động

,
Chia sẻ

Đa số các bậc cha mẹ đều nhầm tưởng khi trẻ nghịch ngợm và quậy phá thì sẽ mắc bệnh hiếu động. Chính nhầm lẫn này đã dẫn tới nhiều trường hợp điều trị sai ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ

Trẻ hay bị la mắng vì quá hiếu động, không tập trung trong học tập, hay đãng trí…nguyên nhân bố mẹ cho rằng con mình hư không chịu nghe lời. Trẻ hay quậy, không chịu ngồi yên một chỗ, chơi đồ chơi một lúc rồi phá tung ra …có lẽ trẻ bị bệnh hiếu động. Nhiều bố mẹ khi thấy những biểu hiện này của con rất lo lắng con mình bị bệnh hiếu động, có bố mẹ lại quát mắng trẻ khi nghĩ con mình không nghe lời.

 

Đâu là trẻ bị bệnh hiếu động, đâu là trẻ không bị bệnh

 

Chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp, Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh, cho biết : “ Không phải trẻ em nào luôn vận động, quậy phá ….cũng mắc bệnh hiếu động. Vì vậy, các mẹ cần phải phân biệt giữa trẻ có tính hiếu động và trẻ mắc bệnh hiếu động (rối loạn tăng động). Trẻ có tính hiếu động thể hiện sự năng động, luôn vận động, tò mò, tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Khả năng tìm tòi, khám phá... được nhìn nhận là rất có lợi cho sự phát triển trí tuệ của trẻ. Trẻ có tính hiếu động còn được các chuyên gia nhận định là thông minh và tính hiếu động là khả năng tuyệt vời của trẻ. Ngược lại, trẻ có tính hiếu động mà bị cha mẹ cho là xấu và cấm đoán, ngăn cản bằng nhiều hình thức như đe dọa, đánh, nhốt... để đừng “quậy” nữa sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ và vô tình cản trở sự phát triển tốt của trẻ”.

 

Theo các nhà chuyên môn, thì khó chẩn đoán trẻ bị bênh hiếu động với trẻ dưới 5 tuổi.  Như vậy, bố mẹ cần chú ý những biểu hiện ở con mình, có những trẻ chỉ là những hành động muốn khẳng định tính độc lập của mình, có ý thích được tìm hiểu các đồ vật xung quanh bằng cách tháo gỡ, khám phá …với các trẻ này điều đó giúp bé phát triển về trí tuệ.

 

Nếu như bố mẹ lầm tưởng trẻ bị bệnh hiếu động lại làm điều lo lắng cho chính bản thân mình và ảnh hưởng tâm lý tới đứa trẻ. Đối với các trẻ có biểu hiện của bệnh hiếu động, nhưng không được phát hiện kịp thời lúc phát hiện ra thì bệnh đã nặng.

 

Theo bác sĩ Thái Thanh Thủy, Trưởng Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 : “Trẻ mắc bệnh hiếu động sẽ có biểu hiện thái quá về mặt vận động, trẻ thường không tập trung, không ngồi yên một chỗ. Bệnh hiếu động nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng mức sẽ giúp trẻ phát triển tốt. Ngược lại, nếu không được điều trị, trẻ càng lớn càng trở nên hung hăng. Với tính khí như vậy, trẻ sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và không được suôn sẻ trong đời sống xã hội”.

 

Trường hợp cháu H con nhà anh D ở Hải Phòng có những biểu hiện của bệnh hiếu động, việc cháu H học hành không tập trung dẫn đến kết quả học tập rất kém, khi ở nhà cháu thường hay nổi xung lên khi bị người khác chêu, không thích chơi với trẻ khác. Nhưng có lẽ những biểu hiện này, bố mẹ không chú ý đến, chỉ cho rằng con mình học kém và đôi lúc ngỗ ngược. Do đặc thù công việc nên cháu H thường bị bố mẹ nhốt ở trong nhà tránh việc cháu ra ngoài nghich ngợm, nhiều lúc với những hành động của cháu bị bố mẹ la mắng và đánh đòn. Với những việc này của bố mẹ sẽ làm cho cháu có thể bị bệnh hiếu động nặng hơn khi không được giúp đỡ bằng lòng yêu thương.

 

Những biểu hiện của bệnh hiếu động :

 

- Mất khả năng tập trung, phân tán tư tưởng.


- Thiếu khả năng suy nghĩ trước khi hành động hoặc thiếu suy nghĩ đến hậu quả của hành động.


- Trẻ hiếu động thái quá hành động rất nhanh, bốc đồng, dễ thay đổi và nông nổi.


- Hay bồn chồn, đứng ngồi không yên, di chuyển thường xuyên.


- Trí nhớ kém, tỏ ra ương bướng.


- Ngại không muốn giao tiếp với bạn bè, khớ khăn về ngôn ngữ.


- Có những rối loạn về ăn uống, giấc ngủ.

 

Những nguyên nhân gây cho trẻ hiếu động quá mức :

 

- Tình trạng gia đình thường xuyên có xung đột sẽ tạo cho trẻ những ức chế về tâm lý.


- Chất phụ gia và phẩm màu nhân tạo dùng trong thực phẩm


- Ngồi trước ti vi nhiều.


- Có thể là di truyền, hay những tổn thương não trong thời kỳ trẻ đang phát triển, hoặc thời kỳ phôi thai: nhiễm độc, nhiễm trùng, đẻ khó...


- Bố mẹ quá nuông chiều hoặc chưa quan tâm, thiếu thời gian cho con cái.

 

Làm gì khi trẻ bị bệnh hiếu động


Bố mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm tới con nhiều hơn, cần kịp thời phát hiện ra những biểu hiện bất thường của trẻ, có những biểu hiện của bệnh hiếu động quá mức cần đưa bé đến tham vấn bởi các bác sỹ tâm lý….

 

- Bố mẹ cần gần gũi, tìm hiểu và nói chuyện với con nhiều hơn, động viên trẻ trong học tập hay với công việc khác.


- Tạo dựng lòng tin cho trẻ, khuyến khích động viên trẻ tham gia những công việc phù hợp với lứa tuổi tại gia đình.


- Kiềm chế việc quát mắng hay có những biểu hiện trừng phạt quá mức đối với trẻ khi trẻ quá hiếu động.


- Cho bé tham gia các hoạt động ngoài trời cùng các trẻ khác dưới sự giám sát của người lớn.


- Tránh cho trẻ không xem nhiều tivi, nhất là các bộ phim có nhiều bạo lực…


- Cần nói chuyện với nhà trường về trường hợp của trẻ, cùng hợp tác giữa gia đình và nhà trường trong việc dậy học.


- Trang trí phòng ngủ bằng mầu dịu nhẹ nhàng không sặc sỡ.


- Không áp đặt lên trẻ bằng những mệnh lệnh hay trừng phạt.


- Bố mẹ hướng dẫn con trong hành vi, ứng xử, ngôn ngữ.

 

Lê Gia Phong

 

Chia sẻ