Trẻ hay nheo mắt cần đi khám sớm

,
Chia sẻ

BS Võ Thị Chinh Nga, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, Khoa vừa tiếp nhận bé Lê Thị Kim Anh, 11 tuổi (Cần Giuộc, Long An) nhập viện trong tình trạng mắt đã mờ .

Các xét nghiệm cho thấy, do Kim Anh bị viêm màng bồ đào, đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) lâu ngày nhưng phát hiện muộn dẫn đến biến chứng đục thủy tinh thể, giảm thị lực và phía đáy mắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giao mùa: Trẻ bị đau mắt đỏ tăng nhanh

Theo BS. Chinh Nga, bệnh đau mắt đỏ diễn ra quanh năm. Nhưng nhiều nhất là vào thời gian giao mùa. Cụ thể, trong tháng 9, Khoa Nhi đã tiếp nhận 1.102 ca đau mắt đỏ, tăng hơn hẳn so với tháng 8 với tổng 840 ca. Nhiều ca là trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ là do vius, vi trùng (phổ biến nhất là Adenovirus), nấm…

Vào thời điểm giao mùa, trẻ em dễ bị đau mắt đỏ hơn (Ảnh: Phan Tú)

Triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh đau mắt đỏ là lòng trắng trở nên đỏ, mi mắt sưng, có nhiều ghèn, chảy nước mắt, mắt có cảm giác kích thích, rát bỏng, ngứa hay chói mắt khi có ánh sáng.

Tuy nhiên, BS Nga lưu ý: ‘‘Không ít trường hợp các cháu có những biểu hiện khác như sổ mũi, ho, sốt, phát ban, nổi hạch sau tai’.

"Thông thường các bệnh do nhiễm virus như đau mắt đỏ sau 7-10 ngày sẽ tự khỏi. Nhưng vẫn nên cho trẻ uống kháng sinh để ngăn ngừa bội nhiễm và nên đưa trẻ đến bệnh viện", BS. Chinh Nga khuyến cáo.

Nếu không được phát hiện và chữa trị sớm, bệnh đau mắt đỏ sẽ gây ra các biến chứng như viêm giác mạc, trầy giác mạc, mủ trong mắt dẫn đến mù lòa.

Đặc biệt, trẻ sơ sinh dễ nhiễm đau mắt đỏ hơn, điều trị phức tạp hơn và dễ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, sáng ngày 6/10/2009, Khoa Nhi đã tiếp nhận bé Ngô Thị Thu Ngân, 2 tháng tuổi (quận 6,TP.HCM) bị đau mắt đỏ do gia đình chăm sóc không cẩn thận.

Bé Ngô Thị Thu Ngân bị đau mắt đỏ, được đưa vào Bệnh viện Mắt TP.HCM sáng 6/10/2009. (Ảnh: Phan Tú)

Theo BS. Chinh Nga, bệnh đau mắt đỏ không lây do giao tiếp thường như đứng gần, bế trẻ…Nếu một mắt đỏ thì chỉ cần nhỏ thuốc mắt đó, mắt kia cần giữ vệ sinh sạch sẽ.

"Để ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ, cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhất là tay ; tránh để trẻ dụi tay bẩn vào mắt. Đặc biệt, không dùng chung khăn, đồ dùng cá nhân," BS. Nga khuyến cáo.

Đi khám sớm nếu trẻ hay nheo mắt

Trong hai năm gần đây, mỗi năm Khoa Nhi, Bệnh viện Mắt TP.HCM phẫu thuật trung bình 700 ca đục thủy tinh thể. Riêng 9 tháng đầu năm 2009, Khoa đã tiếp nhận 307 ca đục thủy tinh thể, trong đó có nhiều ca nặng do gia đình phát hiện muộn.

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn lầm tưởng đục thủy tinh thể chỉ gặp ở người lớn tuổi. Trên thực tế, có rất nhiều trẻ em mắc chứng bệnh nguy hiểm này.

Theo BS. Chinh Nga, ở VN, tỉ lệ đục thủy tinh thể chiếm từ 10-38% trong các nguyên nhân gây mù lòa ở trẻ em và là nguyên nhân chủ yếu nhất.

Trong đó, tỉ lệ đục thủy tinh thể bẩm sinh chiếm nhiều nhất, từ 2-6 ca/10.000 trẻ sinh ra. Nguyên nhân có thể liên quan tới yếu tố di truyền hoặc tình trạng đột biến gen, sởi, nhiễm vius rubella, thủy đậu, các bệnh chuyển hóa của bào thai khi nằm trong bụng mẹ.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân như đục thể thủy tinh thứ phát, đục thể thủy tinh do chấn thương, viêm màng bồ đào.

Theo BS Nga, với những ca bệnh này, nguyên nhân chủ yếu do trẻ bị các chứng bệnh liên quan đến tiểu đường, tim, thận, dẫn đến đục thủy tinh thể. Cũng có không ít trường hợp, trẻ mới sinh đã có vài chấm đục thủy tinh thể, đến lúc trẻ 4,5 tuổi, bố mẹ mới phát hiện ra.

Triệu chứng của bệnh là con ngươi của mắt bị trắng đục dần, trẻ hay nheo mắt, mắt, lé, mờ mắt…

Riêng trẻ dưới 2 tuổi, BS Nga cho biết: “Ngoài các triệu chứng trên, trẻ còn đi kèm những biểu hiện rung giật nhãn cầu. Tuy vậy, ở lứa tuổi này, do trẻ chưa biết nói nên thường khó phát hiện”.

BS Nga khuyến cáo, phụ huynh nên đưa con đi khám khi thấy mắt trẻ có những biểu hiện bất thường. Nếu để muộn, bệnh đục thủy tinh thể sẽ dẫn đến những biến chứng lác mắt, giảm thị lực, mù.

Đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi, nếu không phát hiện và điều trị sớm, tế bào thị giác không được hoạt động sẽ teo nhỏ, dẫn đến mù lòa.

Theo Bee

Chia sẻ