Trẻ gặp tai nạn phần lớn do lỗi của cha mẹ

,
Chia sẻ

Nguyên nhân tai nạn một phần do trẻ chưa nhận thức được mối nguy hiểm xung quanh. Nhưng phần lỗi lớn nhất vẫn thuộc về sự bất cẩn của người lớn.

Tai họa trong nhà

Giường ngủ là nơi trẻ dễ gặp tai nạn. Vì vậy, giường của trẻ nên có vật chắn bao quanh, đề phòng trường hợp bị chấn thương do trong lúc ngủ hoặc trẻ lăn mình rơi xuống đất. Tuy nhiên, không nên chặn hoặc để nhiều chăn, gối xung quanh trẻ phòng ngừa trường hợp trẻ bị ngạt do gối đè.

Các bao nilon đựng đồ dùng để gần chỗ trẻ nằm hoặc chơi cũng rất nguy hiểm vì trẻ có thể chui đầu vào bao và bị ngạt. Ngay cả đồ chơi với các chi tiết lắp ghép nhỏ và sắc cạnh cũng có thể là nguyên nhân gây mắc dị vật đường thở do trẻ đút vào miệng, mũi.  
 
BS Trương Ngọc Dương, bác sĩ chuyên khoa Nhi, Bệnh viện 103 cho hay, bếp cũng là một nơi có nguy cơ cao gây tai nạn thương tích cho trẻ. Vì các bà mẹ thường phải kết hợp việc trông con cùng với việc bếp núc.

TS Nguyễn Viết Lượng, Viện Bỏng Quốc gia cũng cho rằng, phích nước sôi ngoài phòng khách, các đồ nóng, thuốc lá đang cháy, bật lửa hay các dụng cụ điện, các phích cắm điện... đều có thể là nguyên nhân gây bỏng cho trẻ.

Các ổ cắm nên có nút bịt khi không sử dụng, với bật lửa và diêm quẹt cần để ngoài tầm với của trẻ. Nên dập lửa của điếu thuốc ngay khi đặt xuống gạt tàn, và tốt nhất là không hút thuốc khi nhà có trẻ nhỏ.

Cần tránh cho trẻ các nguy cơ tiếp xúc với xoong nồi khi có chứa đồ ăn nóng, hay thậm chí là các đĩa bát đựng thức ăn nóng đặt trên bàn ăn.

Đặc biệt, không để gần trẻ những dụng cụ điện như máy sấy tóc, máy cạo râu, nếu có nước sẽ có khả năng bị điện giật.

Bất cẩn do người lớn
 
Giải thích nguyên nhân của các loại tai nạn trẻ em thường hay gặp trong nhà, BS Trương Ngọc Dương cho rằng, phần nhiều là do người lớn sơ xuất, thiếu thận trọng để những đồ vật nguy hiểm, độc hại... trong tầm tay của trẻ.

Tuy nhiên, ngay cả khi tưởng đã khắc phục những điều kiện có thể gây nguy cơ, thì những người chăm sóc trẻ vẫn cần hết sức chú ý.

BS Dương dẫn ra một ví dụ về trường hợp một cháu bé 9 tháng tuổi chết do ngạt nước. Vì chủ quan cho rằng cháu đã bám được nên khi đang tắm cho cháu, ông ngoại chạy vào nhà nghe điện thoại trong vài phút. Khi trở ra, cháu đã bị ngạt do ngã úp mặt xuống chậu nước tắm. 
 
Hoặc trường hợp cháu bé 12 tháng tuổi bò lê dưới sàn, nhặt được mấy viên thuốc trông như hạt gạo màu hồng nằm ở góc nhà, bé cho ngay vào miệng nhai, phải đi cấp cứu vì ngộ độc. Thực ra đó là thuốc mà bố mẹ dùng để bẫy chuột.
Việc người lớn cất giấu các thứ ở trên cao như nóc tủ, nóc chạn cũng là nguy cơ khiến trẻ gặp tai nạn khi tìm cách trèo lên để lấy. Thương tích để lại có thể là gãy chân gãy tay, hay thậm chí là chấn thương sọ não...
 

Nên để xa tầm tay của trẻ các đồ vật dễ vỡ, những đồ sắc nhọn, hoặc những đồ có trọng lượng nặng và cả những thức ăn dễ gây dị vật đường thở như các loại hạt đậu đỗ, lạc...

Tuyệt đối không đặt trẻ ngồi lên góc bếp xem mẹ nấu ăn hoặc để mẹ tranh thủ làm một việc gì đó dù là trong thời gian ngắn.

Trẻ rất có thể sẽ ngã hoặc cầm vào những đồ vật nguy hiểm.

Những vũng nước nhỏ trong nền nhà bếp cũng là mối đe dọa có thể khiến trẻ bị trượt nước và té ngã.

 
Theo Khoa học & Đời sống
Chia sẻ