Phòng tránh tai nạn cho trẻ:

Trẻ gặp nạn vì bố mẹ đèo con hớ hênh

Bài: Nhã Đan, Ảnh: Chí Toàn,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Trong rất nhiều tình huống trẻ gặp nạn thì tai nạn trong khi tham giao thông dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của bé nhất.

Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng tránh được nếu cha mẹ và người chăm sóc trẻ, người trông trẻ cẩn thận và giữ gìn cho bé. Thực tế là không quá khó để bắt gặp trên đường những pha bố mẹ cho con “làm xiếc” ngoài đường, và đương nhiên, điều này rất dễ khiến trẻ gặp nạn. 

Cha mẹ hớ hênh - chủ quan khi cùng con tham gia giao thông...

Anh T. Long (Quận 3, TP HCM) là một ví dụ điển hình. Anh nổi tiếng ở cả dãy chung cư này vì có chiêu một tay lái xe, một tay bế con 11 tháng đi lại. 

Ai nói, ai khuyên gì anh cũng đều cười, gạt đi và bỏ ngoài tai: “Có gì mà phải lo lắng chứ, quan trọng là tay lái người ta có nghề. Cứng tay mới làm được như thế, đeo địu vào vướng víu, quê lắm".

Thế là cứ khi nào trông thấy cảnh anh đèo con, mọi người lại được một phen thót hết cả tim vì chỉ sợ thằng bé gặp nạn.

Trẻ gặp nạn vì bố mẹ đèo con hớ hênh 1
Không đội mũ bảo hiểm và vừa bồng con, vừa điều khiển xe, ông bố này sẽ "đặt" con vào tay tử thần nếu chẳng may tai nạn ập đến.

Không như anh T. Long, sau tai nạn xảy ra với con, chị Thủy (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) hoàn toàn “tỉnh ngộ” và luôn phải nhắc mình cẩn thận trong mọi hành động để giữ an toàn tuyệt đối cho con.

Chị nhớ lại cũng phải bật khóc, xấu hổ vì một lúc bất cẩn của mình mà chị suýt hại con. Chị thầm cảm ơn ông trời khi đã cho con mình được sống sót và dần bình phục trở lại. 

Cách đây 5 tháng, một ngày như bao ngày, chị Thủy đến đón con là bé Bu (2 tuổi) ở trường mà chị gửi con ngoài phố. Cứ nghĩ đoạn đường từ trường về nhà có một đoạn ngắn, nên ngày nào chị cũng chở Bu đằng sau và dặn con phải ôm chặt lấy mẹ, thi thoảng chị còn “cẩn thận” hơn khi luồn tay ra sau để giữ con.

Trẻ gặp nạn vì bố mẹ đèo con hớ hênh 2
Mẹ vô tư đi, không hay biết rằng con mình ngủ gật và ngã nhoài về phía sau.

Khi đang trên đường đèo con về nhà, xe ô tô ở ngay phía sau bấm còi inh ỏi và bé Bu giật mình, buông tay mẹ và rơi xuống mặt đường. Tím tái mặt, chị vội vàng dừng xe và hô hoán mọi người gọi xe cấp cứu giúp. Chị ngất lịm trên xe cứu thương khi nhìn thấy đầu con có máu chảy thành từng dòng. Tại viện Nhi trung ương, các bác sĩ chẩn đoán bé bị tổn thương não khá nặng.

May mắn mỉm cười với cả gia đình chị khi các bác sĩ đã giúp bé qua được cơn hiểm nghèo, hiện tại bé đang dần bình phục. 

Trẻ gặp nạn vì bố mẹ đèo con hớ hênh 3
Dù một bố một mẹ "kèm" một bé nhưng nếu có sự cố xảy ra, trẻ sẽ là đối tượng gặp phải nguy hiểm.
 
Mỗi ngày, trong quá trình tham gia giao thông, có lẽ chúng ta không còn xa lạ với cảnh cha mẹ kẹp 3-4 đứa trẻ phía sau xe máy hay cho trẻ ngồi ngay phía trước tay lái mà không sử dụng bất cứ dụng cụ hỗ trợ an toàn nào. Điều này khiến cha mẹ vô tình đặt con vào nguy hiểm, phó mặc tính mạng cũng như sự an toàn của trẻ cho chính trẻ.
 
Trên thực tế, có rất nhiều ông bố, bà mẹ chủ quan trong quá trình đèo con tham gia giao thông. Nhiều bậc phụ huynh thản nhiên cho rằng việc mình để con ngồi sau kèm theo lời nhắc nhở "con ngồi im"; "ôm chặt lấy mẹ"; "không được ngủ gật"... là trẻ sẽ nghe lời và không thể gặp sự cố gì. Tuy nhiên cha mẹ không biết rằng trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi không đủ khả năng để ngồi một mình ở phía sau. Vì ở độ tuổi này, trẻ thường hiếu động, không chịu ngồi yên, dễ mất tập trung, dễ ngủ gật... trong quá trình cha mẹ di chuyển. Điều này chắc chắn sẽ nảy sinh sự cố tai nạn khi cha mẹ tăng ga, trẻ giật mình bởi tác động ngoại cảnh, không còn nhớ bố mẹ đã dặn mình rằng: "nhớ ôm chặt bố (mẹ)"...
 
Trẻ gặp nạn vì bố mẹ đèo con hớ hênh 4
Khi cho trẻ tham gia giao thông, việc không cho trẻ đội mũ bảo hiểu là một thiếu sót lớn của cha mẹ.

... khiến con gặp nạn   
 
Chị Hường (Thái Thịnh, Hà Nội) sau khi “cân ba” mẹ con về đến nhà. Ngồi sau tay lái chị là 2 đứa con, bé Hoàng (6 tuổi), bé Ly (20 tháng tuổi), bé Hoàng ngồi sau có nhiệm vụ ôm em. 

Chưa dừng xe thì bé Hoàng nhảy phắt xuống trước, Ly bắt chước anh nhảy xuống theo thì bị ngã nhào, cả mặt va thẳng vào bô xe máy đang nóng hừng hực, rồi bé bị đập mặt xuống nền đất. 

Trẻ gặp nạn vì bố mẹ đèo con hớ hênh 5
Để trẻ đứng trên xe cũng là một hành động nguy hiểm, dễ khiến con gặp tai nạn.

Hậu quả là mặt, toàn bộ phần má, tay bé bị bỏng và phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Chưa hết, tại đây các bác sĩ còn kết luận bé bị ngã nên não bị tổn thương nhẹ.

Không chỉ hớ hênh khi chở con bằng xe máy, nhiều bậc phụ huynh bất cẩn khiến con dễ bị thương tích, tai nạn giao thông dù di chuyển bằng phương tiện ô tô. 

Như trường hợp của anh anh Thiện (Q1, TP HCM) là một ví dụ. Thấy bạn bè của mình được bố mẹ mở cửa trên cho thò đầu ra hóng mát, bé Bảo Nhi - con gái anh, cũng đòi bố mở cửa ra cho mình. Cho rằng không ảnh hưởng gì nên anh cũng chiều con. Thế là hôm nào tối mát trời, anh lại mở cửa gió trên nóc xe ra cho con đứng tha hồ ngắm đường phố và nghịch ngợm. Một lần bé bị xước mặt khi bố lái xe vào đúng chỗ có cành cây thấp, thấy cây lòa xòa trước mặt, bé Nhi còn thò tay ra với lấy cành cây để nghịch, hậu quả là bé còn bị chảy máu tay do tay bị cành cây quệt phải. 

Cho đến khi đọc báo thấy có trường hợp trẻ bị tử vong khi đang đứng chơi đùa trong xe, bố lái xe gặp sự cố, phanh gấp, theo quán tính trẻ lao ra phía trước, đập cổ vào thành cửa xe trên, anh Thiện sợ quá và quyết định không cho bé đứng lên như vậy nữa. 

Trẻ gặp nạn vì bố mẹ đèo con hớ hênh 6
Khi cho con tham gia giao thông bằng xe ô tô, cha mẹ tuyệt đối không để con thò đầu ra khỏi xe.
 
Cũng là chuyện trẻ gặp nạn khi đang tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô đó là trường hợp của anh Tuấn (Trương Định, Hà Nội). Mỗi khi nghĩ lại, anh không khỏi rùng mình. Hôm đó, anh đưa đứa con gái út của mình đi tiêm phòng ở đường Nguyễn Chí Thanh bằng taxi. 

Anh Tuấn chia sẻ: “Bé tuy gần 2 tuổi nhưng vô cùng hiếu động, đưa con đi hôm đó, đúng lúc mình hơi mệt mỏi. Ngủ thiếp đi một lúc, chẳng hiểu sao cháu nghịch thế nào mà rơi ra khỏi cửa kính xe lúc nào không hay. Lúc tỉnh dậy mình bàng hoàng, lo lắng và quay lại tìm con suốt dọc đường đó. Tại đầu đường Nguyễn Chí Thanh, cháu được mọi người đi đường ‘nhặt’ và bế vào một quán nước ven đường. Nghe mọi người kể lại rằng thấy cháu thò đầu và nhoài người qua cửa kính, sau đó rơi khỏi ô tô. May mắn thế nào bé chỉ bị trầy xước ngoài da”.

Một trong những tình huống khiến trẻ gặp nạn khi tham gia giao thông là cùng cha mẹ ngồi trên ô tô. Nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ rằng ôm bé trên tay là hoàn toàn an toàn. Nhưng điều đó thực sự không hẳn là đúng. Bởi chỉ cần một va chạm nhỏ xảy ra cũng có thể làm em bé bị tổn thương thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng của bé.

Như nhà chị Chiến (Quận 7, TP HCM) là một ví dụ. Bé Mầm (21 tháng tuổi) cứ khi nào được lên xe ô tô là đòi bố mẹ cho ngồi đằng trước. Chị Chiến cũng chắc mẩm chỉ cần ẵm bé trên tay là mọi việc an toàn. 

Thế nhưng một lần chị đang ôm con trên tay và an tâm với tay lái xe của anh Bách - chồng chị. Đến một quãng đường, anh bỗng phanh gấp và bị lạng tay lái vì một em bé chạy vội sang đường. 

Không may lúc đó xe đâm đúng vào cột đèn, dù túi khí kịp thời bật ra nhưng bé Mun vẫn bị chấn thương nặng do bị ma sát quá mạnh từ túi khí.


Đây là đoạn clip thử nghiệm trường hợp xảy ra tai nạn khi không đeo dây bảo hiểm, không dùng ghế ngồi ô tô cho trẻ em (Nguồn: Youtube)

Túi khí có thể cứu mạng bạn, với điều kiện phải mang dây an toàn. Khi có tai nạn, túi khí bung ra rất nhanh và mạnh để mọi người ngồi trong xe không bị theo lực quán tính va người về phía trước, đập mạnh vào kính xe. Túi khí đuợc thiết kế cho nguời lớn, nhưng đối với trẻ em (đặc biệt khi người lớn bế con đặt trước ngực) có thể gây chấn thương rất nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng bé. 

Túi khí bật ra có tác dụng cứu người ngồi trong xe nhưng chính nó cũng là nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông (bị bỏng do ma sát mạnh, khả năng gãy xương rất cao). 

Trong trường hợp, nếu xe chạy với tốc độ 48km/giờ (30 dặm/giờ) và gặp phải một tai nan va đập mạnh, khi đó bé (được bố mẹ bế trên tay, không có ghế chuyên dụng) sẽ bị đẩy lên phía trước một lực mạnh gấp 30 đến 50 lần trọng lượng cơ thể. Với một lực lớn như thế sẽ không có một người mẹ nào có đủ sức khỏe để có thể giữ được đứa trẻ an toàn trong tay.

Trường hợp để bé ngồi độc lập trên ghế ô tô của người lớn thì khả năng tai nạn giao thông cũng vẫn cao bởi đai an toàn chưa thích hợp với bé. Trong trường hợp này, các chuyên gia về Nhi khuyên cha mẹ nên đầu tư ghế chuyên dụng để cho bé tham gia giao thông bằng ô tô một cách an toàn. 

Kết

Trẻ vài tháng đến một tuổi thường được bọc kín trong chăn, khăn và được bố mẹ ôm chặt trên tay thế nhưng không có gì để bảo đảm an toàn tuyệt đối 100% khi xảy ra va quệt, bé rất có thể bị văng ra và ngã xuống đường, gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Đến những bé lớn hơn, cha mẹ cũng không nên an tâm vội và phó mặc sự an toàn của con chỉ bằng một câu dặn dò. Vì thế, trong quá trình cùng con tham gia giao thông, cha mẹ phải hết sức lưu ý an toàn cho trẻ nhỏ.
 
Cha mẹ tuyệt đối không cho bé ngồi một mình ở yên sau xe máy vì trẻ nhỏ thường hiếu động, khó ngồi yên một chỗ trong một khoảng thời gian, thêm vào đó, trẻ nhỏ thường hay ngủ gật… nên rất dễ xảy ra tai nạn.
 
Để tránh cho trẻ gặp nạn khi tham gia giao thông, cha mẹ không để cho trẻ đứng trên yên xe hoặc ngồi phía trước (sát tay lái) mà không có đai (ghế) bảo hiểm. Khi ngồi phía sau ôm con, cha mẹ cũng nên để con ngồi gọn trong lòng. Không để trẻ thò đầu, thò tay chân ra ngoài để tránh xảy ra va quệt với phương tiện bên cạnh.

Đối với trẻ từ 2 - 6 tuổi, cha mẹ nên trang bị những vật dụng để đảm bảo an toàn cho bé khi tham gia giao thông: đai an toàn, đội mũ bảo hiểm,… Trong trường hợp chở bé một mình bằng xe máy, xe đạp, bạn nên chọn ghế ngồi đằng trước an toàn với đai thắt cẩn thận cho bé. 

Khi tham gia giao thông bằng ô tô, cha mẹ không nên cho bé đứng dậy, nhảy nhót trong xe. Hãy giữ con ngồi an toàn ở ghế và thắt đai bảo hiểm cho trẻ. Đối với trẻ dưới 15 tuổi nên có ghế ngồi chuyên dụng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự an toàn cho con trẻ, ngay từ khi con còn nhỏ cha mẹ nên dạy con biết cách tham gia giao thông một cách an toàn. 

Trẻ tiếp thu rất nhanh thông qua những đồ dùng trực quan, sinh động vì vậy cha mẹ có thể dạy con thông qua những bài hát, câu chuyện, đồ vật, hình vẽ liên quan tới giao thông để dạy trẻ.



Những tai nạn ở trẻ nguy hiểm như hóc dị vật, bỏng mặt do bóng nổ, nhét hòn bi nhỏ vào mũi, nuốt đồng xu, kéo tay hoặc tung hứng con… đều do sự bất cẩn của cha mẹ.
Trẻ gặp nạn vì bố mẹ đèo con hớ hênh 7
Chia sẻ