Tránh “hớ” khi trả lời câu hỏi “vặn vẹo” của con

,
Chia sẻ

Nghe bà nội là “mày”, Tũn lập tức hỏi ngay: “Tên con là Nam Anh. Tên giả là Tũn. Sao bà gọi con là mày?”

Hỏi tới cùng

Mẹ Jin không biết bao nhiêu lần bối rối vì cái kiểu “hỏi tới cùng” của con.

“Mẹ ơi, vì sao con chim biết bay?”. Mẹ giải thích: “Vì con chim có cánh con ạ”. Ngay lập tức, bé sẽ hỏi lại: “Sao cái quạt cũng có cánh mà không thể bay?”. Nếu mẹ tiếp tục trình bày: “Vì con chim là động vật, cánh quạt là đồ vật. Động vật thì biết ăn, biết ngủ, còn đồ vật không như thế” thì con lại hỏi khó: “Sao con vịt có cánh lại không bay được trên trời hả mẹ?”.

Nếu mẹ kiên nhẫn giải thích: “Có loại vịt bay được trên cao, gọi là vịt trời” thì con háo hức: “Thế có con gà trời không mẹ?”… Cứ như thế, mẹ giải thích một sự kiện gì, bé Jin cũng phải hỏi lại cho đến khi chán thì thôi.

Đọc truyện cổ tích, có vẽ hình hoàng tử và công chúa hôn nhau, Bờm lại “phán một câu”: “Chú này ăn môi cô này ạ?”. Mẹ thấy thế ngượng, né sang chuyện khác: “Trong truyện mới có con ạ?”.  “Hôm trước con thấy trên tivi cũng có”.

Mẹ đành ậm ừ cho qua truyện: “À, người ta làm phim từ truyện đấy con ạ”. Nếu con hỏi tiếp, không biết mẹ sẽ trả lời thế nào đây? Mẹ Bờm chẳng biết nói thế nào cho con hiểu về tình yêu, lại sợ con đến lớp mẫu giáo, bắt chước mà hôn các bạn nữ thì...
Giải thích cho con, bố mẹ nên trả lời một cách khoa học, nhất quán.
Đáo để hơn, nghe bà nội là “mày”, Tũn lập tức hỏi ngay: “Tên con là Nam Anh. Tên giả là Tũn. Sao bà gọi con là mày?”. Bà nội đành xin lỗi và bảo rằng: “Ừ, bà xin lỗi. Bà quên mất tên của Tũn. Con ngoan, bà không gọi là mày nữa đâu”.

Trả lời các bé phải siêu cẩn thận

Từ khi các bé bắt đầu nói sõi, bố mẹ tha hồ đối đầu với những câu hỏi khó và vặn vẹo của con.

Với các câu hỏi thường gặp như “Con chui ra từ đâu?”, có người mẹ giải thích: “Con chui ra từ bụng mẹ” nhưng cũng có người nói: “Con chui ra từ rốn của mẹ” hay “từ nách bố”… Nếu coi việc dạy con là qua loa thì đến một ngày bé sẽ hỏi: “Thế con chui vào bụng mẹ bằng cách nào?” hoặc “Làm sao con chui ra ngoài được?”… Chưa kể, những hình ảnh về việc sinh em bé ngày nay rất phổ biến, bé có thể quan sát được trên tivi, trong truyện rồi tự so sánh với lời giải thích của cha mẹ.

Phần lớn các con không chịu dừng lại trước một đáp án của cha mẹ mà thích “vặn vẹo” lại hoặc hỏi tới cùng. Không ít bố mẹ rơi vào tình huống khó xử vì sợ lời giải thích không logic sẽ làm hại con, thậm chí không biết trả lời con thế nào.

Ví dụ bé hỏi về chuyện “nụ hôn” có thể giải thích đó là cách biểu lộ tình yêu. Chẳng hạn, vì công chúa và hoàng tử yêu nhau nên hôn nhau, bố và mẹ yêu nhau nên cũng hôn nhau, mẹ yêu con nên hôn con… Dần dần, bé sẽ hiểu được, kiểu hôn môi chỉ dành cho người lớn.

 Bố mẹ luôn thật cẩn thận trong lời giải thích với bé, trước sau như một. Trí nhớ của các bé khá tốt. Do đó, một câu chuyện của cha mẹ có thể khiến bé ghi nhớ rất lâu và đến một lúc nào đó, bé sẽ “vặn” lại cha mẹ. Cho nên, những đáp án thiếu tính chặt chẽ của phụ huynh có thể khiến bé hoang mang vì không biết đâu là đúng, đâu là sai.

Với bất kỳ câu hỏi nào của con, cha mẹ cũng cần đặt trong một trật tự, có thể đi kèm với những kiến thức khoa học đơn giản để bé phân biệt được sự khác nhau giữa vật này với vật khác, chuyện này với chuyện khác… Không những thế, nếu bé có bất ngờ “vặn lại” cha mẹ cũng biết cách ứng xử logic, tránh được trường hợp không biết trả lời thế nào.
 
Bảo Châu
(Tổng hợp)
Chia sẻ