Trầm cảm sau sinh, người mẹ vừa sinh con đã nhập viện tâm thần

Chia sẻ của độc giả Phương Thu,
Chia sẻ

Tôi không nhớ được chính xác thời điểm nào gia đình đưa tôi vào viện tâm thần. Tôi chỉ nhớ mình không chăm sóc con mà đắm chìm vào thế giới của riêng mình, tiêu tiền hoang phí và ghét bỏ người thân.

Hành trình sống chung với trầm cảm

Tôi 32 tuổi, tốt nghiệp đại học, con gái đầu lòng gần 2 tuổi. Tôi không phải là người không biết gì về trầm cảm, nếu không nói rằng tôi biết quá rõ về nó, bởi tôi mắc chứng rối loạn hưng trầm cảm từ hồi thi đại học, nghĩa là tôi đã sống chung với “nó” cả 13 năm nay.

Tôi không chỉ đơn thuần bị trầm cảm mà bị hưng trầm cảm vì có lúc tôi lên cơn hưng cảm dữ dội, không làm chủ được bản thân và có phần hoang tưởng, sau đó tôi lại có những thời gian tinh thần trì trệ, cảm xúc sa sút, buồn chán, thấy cuộc sống vô nghĩa, không có mục đích sống.

Trước khi có thai và sinh con, tôi đã nhiều lần phát bệnh, trong đó có 2 lần phải vào viện tâm thần điều trị. Bệnh của tôi khởi phát vào những cột mốc quan trọng, những thời điểm nhạy cảm trong cuộc đời: thi đại học, đi làm với công việc đầu tiên và ngay sau đám cưới.

Không biết có ai như tôi không khi hôm nay vừa mặc áo cô dâu thì ngày hôm sau đã phát bệnh, ghét chồng, đòi bỏ chồng, cắt phăng mái tóc dài ngay tại nhà chồng và bỏ đi. Ngay sau đó tôi được ba mẹ “áp giải” vào bệnh viện tâm thần.

Tôi phải điều trị bằng thuốc trong nhiều năm. Mặc dù vậy, thuốc chỉ giúp khống chế những cơn hưng cảm trong tôi, thay vào đó tôi vẫn bị trầm cảm, vẫn chán nản và mệt mỏi, bi quan thường xuyên, cảm thấy cuộc sống vô nghĩa và bản thân mình không có giá trị tồn tại.

Trầm cảm sau sinh 1
Sinh con xong, tôi luôn trong tâm trạng lo âu, và đáng sợ nhất, tôi bắt đầu mất ngủ, ngay từ sau đêm sinh con gái. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hai vợ chồng tôi cưới nhau đã 4 năm, khao khát có một đứa con cháy bỏng hơn bao giờ hết nhưng tôi biết mình chưa thể sẵn sàng cho việc mang thai và có con với tâm trạng luôn bất ổn và tồi tệ như vậy. Tôi rất sợ, thực sự sợ “nó” quay lại với tôi một lần nữa.

Tôi biết rõ sẽ nguy hiểm cho tôi và con như thế nào nếu tôi lại phát bệnh khi mang thai hoặc sau sinh. Tôi sợ mình sẽ rơi vào cái hố sâu hun hút ấy một lần nữa.

Và may mắn thay trong một lần đi buổi nói chuyện chuyên đề tiền sản tại Hội quán các bà mẹ, tôi có cơ hội gặp chị Huệ, một chuyên viên tâm lý. Trao đổi với chị về vấn đề của mình, chị giới thiệu cho tôi bác sĩ Tâm - chuyên khoa tâm thần và sau đó tôi quyết định đổi bác sĩ. Tôi đã theo bác sĩ cũ rất nhiều năm mà vẫn không thấy bệnh tình khá hơn, sự trì trệ cứ kéo dài mãi. Đổi bác sĩ đối với tôi khi ấy là một lựa chọn khó khăn và dũng cảm.

Thật may mắn, vị bác sĩ mới này rất có lương tâm, tận tình, luôn nhẹ nhàng và nhã nhặn. Tôi lại rất hợp thuốc của bác, mặc dù chưa thực sự ổn nhưng sự cân bằng dần đến. 1 năm sau khi điều trị bác sĩ Tâm, tôi nghĩ mình sẵn sàng để mang thai.

Những bước ngoặt không ngờ

Vợ chồng tôi chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng cho việc mang thai. Tôi cũng may mắn có thai ngay sau khi ngưng thuốc. Không biết do niềm hạnh phúc quá lớn hay do sức khỏe tâm thần tôi đã tạm ổn định, tôi có một thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh và hạnh phúc đủ đầy.

Thế nhưng, cơn ác mộng đã kéo đến với tôi và gia đình ngay sau khi tôi sinh con gái đầu lòng.

Tôi là một cầu toàn, tôi luôn mong mình sẽ sinh thường, cho con bú sữa mẹ để tạo những điều tốt đẹp nhất cho con. Thế nhưng sau 16 tiếng trong phòng sinh, đau đớn tột cùng với tất cả các biện pháp giục sinh nhưng bất thành, tôi buộc phải sinh mổ trong tình trạng hoàn toàn kiệt sức. Con gái nhỏ bé của tôi sau sinh phải chích 7 mũi kháng sinh vì bị nhiễm trùng ối, bị vàng da và ngay sau đó bị phát hiện tim bẩm sinh. 

Những cú sốc cứ dồn dập kéo đến làm cho một người phụ nữ kiệt sức sau sinh của tôi không chịu đựng nổi. Mặc dù được phân tích bệnh tim của con rất nhẹ, dễ dàng can thiệp khi con lớn hơn một chút, nhưng với sự lo âu tràn ngập, tôi trở nên hoang mang và lo lắng không ngừng.

Tôi chỉ là một người mẹ sinh con đầu lòng, chẳng có chút kinh nghiệm nào, chỉ đọc chút ít từ sách vở nhưng lại luôn bất an, không hài lòng với bất cứ sự chăm sóc nào, kể cả của mẹ tôi đối với con gái tôi. Tôi đòi hỏi ở bản thân quá nhiều điều, kỳ vọng quá nhiều điều. Tôi luôn trong tâm trạng lo âu, và đáng sợ nhất, tôi bắt đầu mất ngủ, ngay từ sau đêm sinh con gái. 

Thông thường, bệnh của tôi, cứ mỗi lần mất ngủ là mỗi lần tôi phát bệnh. Trải qua một đêm sinh con đau đớn, trải qua sự thất vọng khi không thể sinh thường, kiệt sức, biết con bị bệnh tim... Tôi dường như muốn vỡ tung, nhưng mọi điều cứ đến từ từ, ngoài sự kiểm soát của tôi, tôi không hề nhận ra mình bệnh lại dù đã hàng nghìn lần nghĩ đến trước đó.

Tôi mất ngủ nhưng không chịu uống lại thuốc của bác sĩ Tâm vì muốn cho con bú sữa mẹ, thế nên tôi chỉ chấp nhận uống Mimosa, một loại thuốc nam trị mất ngủ.

Tôi bắt đầu ghét chồng mình. Mỗi lần bị bệnh, người tôi ghét bỏ nhất luôn là chồng, sau đó đến ba mẹ. Chẳng hiểu tại sao lại như vậy, cứ phát bệnh tôi lại ghét những người tôi yêu thương nhất. May thay tôi không ghét bỏ con mình.

Về đến nhà, tôi gọi điện cho những người bạn quen trên mạng, than thở và khóc lóc. Tôi mua sắm đủ thứ vô độ. Tôi sử dụng gói chăm sóc sau sinh và chỉ tin tưởng, yêu thương cô bé đến chăm sóc mình, còn mọi người trong nhà, kể cả mẹ ruột và chồng tôi đều khó chịu và ghét bỏ.

Không thể hiểu được, những lúc như thế này, tôi chỉ muốn chia sẻ với những người xa lạ, yêu quí họ và ngược lại ghét bỏ người thân.

Mọi điều cứ như được lập trình sẵn trong tôi khi phát bệnh. Tôi sống trong thế giới của riêng mình, lên mạng, thích viết lách linh tinh, chia sẻ với người lạ, đi lang thang, làm những điều trước nay tôi không bao giờ dám làm, chẳng hạn đến một quán cà phê và tham gia cuộc thi hát với nhau ở quán. 

Không như những bà mẹ khác bị chứng trầm cảm sau sinh. Tôi bị hưng cảm, người lúc nào cũng tràn trề năng lượng, tôi làm những điều điên khùng: lôi hết quần áo trong tủ ra đổ đống ngoài sân để “bán hàng sida”, cắt nát ảnh, quần áo chồng, nằng nặc đòi ly hôn, mặc đồ thật đẹp và đi hết nơi này đến nơi khác, không chăm sóc con mà cứ hết đi internet đến đi lang thang suốt ngày. Thậm chí tôi đến nhà cô giáo dạy thiền xin ngủ lại, đi theo cô trong một chuyến đi từ thiện, có những hành động quá khích ở đó. 

Tôi như mắc chứng tự tin quá độ, trong khi bình thường tôi là người khá tự ti. Năng lượng trong tôi vùn vụt và cao chót vót không sao kiểm soát được. Thậm chí tôi còn trèo lên cây, một cái cây rất cao và hú hét như khỉ trên đó.

Tôi không nhớ được chính xác vào thời điểm nào gia đình đưa tôi vào viện tâm thần. Tôi chỉ nhớ mình không chăm sóc con mà cứ dành thời gian lên mạng, đắm chìm vào thế giới của riêng mình, đi ra ngoài và tiêu tiền hoang phí và ghét bỏ người thân. 

Trầm cảm sau sinh 2
Tôi sẽ quay lại với cuộc sống và mạnh mẽ chung sống, đối diện với căn bệnh kinh niên mà tôi mắc phải với sức mạnh và tình yêu thương của chồng và con gái nhỏ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bình tĩnh tận hưởng con đường dài phía trước

Theo người thân kể lại, ngay cả lúc vào viện, khi uống thuốc và chích rồi, tôi vẫn không ngủ được nên bác sĩ phải dùng tới biện pháp sốc điện, khi đó tôi mới có thể ngủ và giảm bớt tình trạng hưng phấn quá độ. Trong 1 tháng nằm viện, khi đã tỉnh táo hơn, tôi chỉ đòi về nhà và kì lạ một điều, tôi không hề có cảm giác nhớ con. Đến mức một cô bé bệnh nhân thắc mắc: Sao chẳng bao giờ em thấy chị nhắc đến bé Mía?... Tôi thực sự không biết phải trả lời thế nào...

Như những lần bị bệnh khác, tôi luôn nhẹ nhàng, hòa nhã, cư xử rất tốt với những người xung quanh, tôi chia sẻ với họ mọi thứ tôi có, cả vật chất lần tinh thần. Ai đó từng nằm viện chắc sẽ hiểu phần nào, đặc biệt những người nằm viện hoặc là thân nhân bệnh nhân tâm thần...

Rồi cũng đến ngày tôi ra viện, chồng đến đón tôi, như những người mẹ khác phải xa con cả tháng trời, lúc ấy có lẽ chỉ muốn nhào về với con. Nhưng tôi nói chồng chở đến bác sĩ Tâm lấy thuốc xong mới về nhà. Nhưng khi về đến nhà, ôm đứa con bé bỏng của tôi trong tay, tôi òa khóc nức nở vì thương con.

Mãi về sau này, mỗi lần nhớ lại hay xem lại những tấm ảnh chụp vào thời gian tôi bị bệnh hay trong thời gian tôi nằm viện, nhìn con tôi đau lòng vô cùng, thương con vô cùng. Con gái bé bỏng của tôi còn bé xíu đã phải xa mẹ trong cả tháng trời. Con đã sinh ra với một trái tim yếu ớt, hầu như không được bú sữa mẹ, những tháng đầu đời của con sống trong bầu không khí căng thẳng đến nghẹt thở của cả gia đình. Đến tận bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh rất nhiều về thời gian ấy.

Bệnh tình đã làm trí nhớ, khả năng tập trung của tôi suy giảm nghiêm trọng. Tôi cũng tăng cân khá nhiều. Sau khi ra viện tôi tiếp tục theo tiến trình điều trị với bác sĩ Tâm và nhanh chóng quay lại nhịp sống cũ. Chính nhờ con gái bé nhỏ - nguồn năng lượng và nguồn vui to lớn, tôi không còn bị trì trệ như trước. Nhưng thời gian 2 năm dài ở nhà, thỉnh thoảng tôi cũng không tránh khỏi cảm giác ngột ngạt, khó thở của một bà mẹ phải ở nhà quá nhiều. Mặc dù có sự hỗ trợ rất lớn từ mẹ tôi nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn stress, âu đó cũng là chuyện bình thường.

Mới ngày nào, hôm nay, con gái tôi sắp 2 tuổi. Tuần sau con sẽ đi nhà trẻ, tôi sẽ bắt đầu đi làm lại. Tôi sẽ trở lại nhịp sống cũ, có một nguồn thu nhập nho nhỏ cho riêng mình để dành cho thú vui làm bánh gần đây tôi đam mê. Thỉnh thoảng tôi sẽ tụ tập với bạn bè.

Tôi sẽ quay lại với cuộc sống và mạnh mẽ chung sống, đối diện với căn bệnh kinh niên mà tôi mắc phải.

Afamily mở ra diễn đàn “Trầm cảm sau sinh – Đối diện và Vượt qua” với thông điệp “Lắng nghe – Chia sẻ và Thấu hiểu”. Đây sẽ là nơi các bà mẹ có thể cởi mở chia sẻ câu chuyện thật của mình khi đã trải qua hoặc đang nỗ lực tìm cách để vượt qua trầm cảm sau sinh. 

Đó sẽ là những tiếng nói đầy thấu hiểu để giúp các bà mẹ khác đang trải qua những tháng ngày khủng khiếp này, là những tiếng nói để những người xung quanh hiểu rằng, các bà mẹ cần được lắng nghe và chia sẻ một cách thực sự trong giai đoạn nhạy cảm này. Hi vọng rằng, diễn đàn sẽ nhận được sự chia sẻ của các bà mẹ, nhận được sự quan tâm của các ông bố và được nhiều người lan tỏa.

Những câu chuyện và trải nghiệm về việc đối diện và vượt qua trầm cảm sau sinh của các mẹ, xin được gửi về emailmevabe@afamily.vn. Chân thành cảm ơn.

Chia sẻ