Trung tâm Tâm lý Ngàn Phố

Tôi phải làm thế nào mới đúng là người mẹ tốt?

,
Chia sẻ

Tôi chăm các con không kể ngày đêm, nào ăn, nào uống, nào tắm, nào giặt, nào ngủ, nào học… Vậy mà các con tôi vẫn không hài lòng.

Hỏi: Chị ạ, tôi chăm các con không kể ngày đêm, nào ăn, nào uống, nào tắm, nào giặt, nào ngủ, nào học… Vậy mà các con tôi vẫn không hài lòng, đứa lớn thì luôn cãi lại mẹ (năm nay cháu lên 9), vùng vằng khi mẹ nhắc giờ, còn đứa em sau thì suốt ngày giận dỗi, hễ có gì trái ý là ngồi lỳ ra một chỗ, mặt cau có.

Tôi chẳng hiểu phải làm thế nào để các cháu hài lòng nữa. Tôi cũng phải nói thêm là đôi khi tôi cũng có quát, đánh các cháu, nhưng chủ yếu là dù hoạ, không đau. Làm thế có phải là không tốt không chị?.

Thanh Hiên (Vinh)
 


Ảnh minh họa
 

Trung tâm Tâm lý Ngàn Phố

Thanh Hiên thân mến, làm cha mẹ hết lòng vì con, vậy mà con vẫn không hài lòng, đó chính là nỗi khổ của người làm cha, làm mẹ. Nhiều khi không hiểu sao lại thế khiến cho chúng ta bối rối, lo lắng và thậm chí chán nản. Tôi rất thông cảm với nỗi niềm của chị.


Chị Hiên ạ, chúng ta thường quan niệm trẻ không biết gì, cho nên thường áp đặt sự hiểu biết, suy nghĩ và các kinh nghiệm của chúng ta đối với các cháu.

Ví dụ, có mẹ đặt ra chương trình uống sữa một ngày ba lần vào giờ này, giờ nọ, hoặc phải làm xong bài tập trong vòng 30 phút,… Chương trình này mẹ thấy phù hợp và lúc nào cũng cố gắng áp con vào, nếu không thì mẹ cảm thấy bất an, lo lắng mà quên đi rằng, hôm ấy khác hơn mọi ngày, đi về con đã uống một cốc nước cam đầy hay ăn một một hộp sữa chua; hay hôm ấy nhà có khách đến chơi, vui quá nên con không làm xong bài tập theo thời gian đặt ra của mẹ,…

Chính vì làm cho con và với con xuất phát từ cái nhìn, cách nghĩ của cha mẹ, nên nhiều khi không khớp với con, khiến cho cha mẹ vất vả mà hiệu quả với con thì không cao.

 
Ngay khi bé chỉ mới biết "hóng hớt", việc bàn bạc, thương lượng với con cũng cần phải được tiến hành nhằm tìm tiếng nói chung giữa hai mẹ con. Ảnh minh hoạ.

 
Tôi đã từng chứng kiến nhiều bà mẹ vì lo lắng con mình không khoẻ, không bằng con người khác nên cố ép con ăn. Lúc ép, vì sợ mẹ, con có thể ăn nhiều hơn bận trước đó, nhưng sau những lần bị ép, cháu sẽ thấy sợ khi nghĩ đến bữa ăn, dễ sinh ra nôn, trớ do tâm lý căng thẳng và hậu quả sau đó là lười ăn.

Đó là chưa nói tình cảm mẹ con sẽ bị thương tổn, vì đứa con dù bé bao nhiêu đi chăng nữa, khi bị ép sẽ cảm thấy mẹ không yêu mình và không tôn trọng mình. Do vậy, không bao giờ được ép con bất cứ việc gì, kể cả ăn uống.

Muốn con thực hiện một số công việc vì lợi ích của con, trước hết mình cố gắng tìm hiểu xem trẻ thích gì và thích như thế nào và trên cơ sở đó, tìm cách phù hợp để trao đổi, bàn bạc và thương lượng với trẻ về kế hoạch của mình. Làm như thế không những mình đạt được mục đích của mình đề ra mà trẻ yêu quí, tôn trọng cha mẹ vì yêu, hiểu và thông cảm với trẻ.

Đọc rất kỹ bức thư tương đối ngắn của chị, tôi thấy nổi bật lên vấn đề “chăm sóc” mà chưa thấy nổi bật lên sự “tôn trọng” của chị dành cho các con mình. Về mặt chăm sóc chị đã làm hết sức mình, điều đó chứng tỏ chị rất yêu thương các con, nhưng liệu sự chăm sóc ấy có phù hợp với nhịp điệu, sự mong muốn của trẻ?

Chị đã xây dựng, điều chỉnh chương trình ấy thường xuyên trên cơ sở trao đổi, bàn bạc và thương lượng với các con? Điều này rất quan trọng, ngay cả với trẻ còn rất bé, vài ba tháng tuổi.

Tôi lấy ví dụ, khi con mình mới ba tháng tuổi, thấy con ra mồ hôi trộm, chị sẽ lấy khăn thấm cho cháu. Điều này là rất đúng, tuy nhiên, liệu chị có “trao đổi, bàn bạc, thương lượng” với cháu không”? Chẳng hạn “mẹ thấy con ra nhiều mồ hôi thế này, con đồng ý để mẹ lau nhé, vì nếu không con dễ bị ốm đấy” (khi con còn thức và đang “hóng hớt” hay khi con đang ngủ “Con của me đang ngủ say thế này mà mẹ vẫn phải lau mồ hôi cho con đây vì nếu không mẹ sẽ sợ con yêu ốm mất”. 

Đứa trẻ đang chơi, hay đang ngủ cũng như người lớn thôi, thường là không thích bị quấy rầy. Nhưng mẹ đã nói ra lý do chính đáng của sự “quấy rầy” của mình với giọng nói ấm áp, yêu thương, đứa trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận.

Hay khi con mình đã lớn, khi mẹ thực hiện chương trình của mình, mẹ có lắng nghe các ý kiến, đề đạt, nguyện vọng của con không? Hai mẹ con có trao đổi, bàn bạc và thương lượng để đi đến quyết định cuối cùng không? (lưu ý là quyết định cuối cùng vẫn là ý tưởng chính của mẹ được sự chấp nhận một cách thoải mái của con).

Là mẹ yêu thương con hết lòng, tôi biết, nhưng nếu nghiêng về sự chăm sóc thì sẽ nổi lên vai trò là “người chăm sóc”. Nếu nghiêng về “tôn trọng” mà thiếu đi sự chăm sóc tận tình thì lại là “người  mẹ lý thuyết”, cả hai loại người mẹ ấy đều không được.

Cố gắng làm sao trở thành “người mẹ tốt đủ” (thuật ngữ của nhà tâm lý học nổi tiếng Winnicott, người Anh “good enough mother) có nghĩa là không tốt quá hoặc cũng không đủ tốt, để đạt được ba mục đích chính là con khoẻ (thể lực, tinh thần), mẹ cảm thấy thoả mãn, vui vẻ vì thực hiện được chương trình của mình và mẹ con gần gũi nhau. Muốn vậy, phải là người mẹ yêu thương con hết lòng bằng những sự chăm sóc tận tình trên cơ sở trao đổi, bàn bạc và thương lượng thường xuyên với con, khi nhu khi cương.

Tuyệt đối không bao giờ nên mắng, chửi, đặc biệt không bao giờ đánh đập các cháu dù như chị nói chỉ là để hù doạ.

Tôi nhắc nhiều lần thuật ngữ “Trao đổi, bàn bạc và thương lượng” vì tính chất quan trọng của nó, mong chị thông cảm.

Thân chúc chị hạnh phúc!

Theo VTC
Chia sẻ