Tìm hiểu 8 nguyên nhân khiến bé khóc

Nguyễn Thị Quyên (Theo pcbaby),
Chia sẻ

Đối với những ông bố bà mẹ trẻ lần đầu tiên có con, mỗi khi bé khóc thường lúng túng không biết làm thế nào? Bé rốt cuộc bị làm sao đây?

Các bé thường khóc vào ban đêm, điều này vẫn thường thấy thế nhưng chính những vấn đề thường gặp này trên thực tế có tiềm ẩn nhiều nguyên nhân hoặc những nhân tố ảnh hưởng khác. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân vì sao khiến bé yêu lại khóc như vậy nhé!

1. Bé đói

Đói là nguyên nhân phổ biến nhất khiến các bé sơ sinh khóc. Loại khóc này âm ngắn nhưng mạnh, có ngắt hơi giữa các tiếng khóc, bé càng khóc càng dồn dập. Nhưng kiểu khóc này mẹ bé rất dễ dàng nhận ra, chỉ cần cho bé bú no là bé sẽ nín ngay. Các bé được nuôi bằng sữa mẹ có thể được duy trì từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ, một số bé có thể kéo dài hơn.

Nếu như trong suốt 4 tiếng đồng hồ mà bé không khóc thì tốt nhất cũng chỉ nên cho bé ăn một bữa. Làm như vậy không chỉ có thể giảm bớt số lần khóc của bé mà còn giúp bé điều tiết tốt đồng hồ sinh học của mình. Vấn đề này không khiến cho các bậc phụ huynh phải lo lắng quá vì tất cả các gia đình có trẻ nhỏ đều hiểu rằng điều đầu tiên bé khóc chỉ là đòi được uống sữa. Sau khi bé sinh ra có thể bị giảm trong lượng cơ thể, thường thì sau hai tuần bé sẽ lấy lại được cân nặng.
 

Nếu như sau hai tuần bé vẫn chưa lấy lại được cân nặng như cũ hoặc sự tăng cân không ổn định trong suốt một tháng và bé vẫn thường xuyên khóc đó là do bé thể hiện rằng mình bị đói, cũng có thể là do chất lượng sữa mẹ không được tốt, mẹ cần phải tăng cường dinh dưỡng hoặc tìm hiểu các nguyên nhân khác nữa. Bé ăn sữa ngoài thì đơn giản hơn vì lượng sữa tương đối cố định nên dễ phán đoán xem đó có phải do bé bị đói hay không?

2. Bé khó chịu

Cảm thấy khó chịu cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến bé khóc, mỗi lần sau khi bé ị hoặc tè ướt bé thường khóc, nguyên nhân này chỉ cần bạn thay tã lót cho bé kịp thời như vậy là đã giải quyết được vấn đề rồi. Có khi do quần áo tã lót quá chặt cũng khiến cho bé khó chịu, đối với vấn đề này mới đầu ta chỉ thấy bé biểu hiện cảm giác khó chịu nhưng không khóc lớn tiếng dường như bé đang cố gắng chịu đựng, cứ như vậy nếu như chúng ta vẫn không chú ý đến bé thì bé sẽ bắt đầu khóc to hơn.

Quá lạnh hoặc quá nóng khiến bé không thể thích ứng được bé cũng sẽ thể hiện bằng tiếng khóc của mình. Nếu như ta sờ vào phần bụng bé thấy mát tay điều này cho thấy bé đã cảm thấy bị lạnh rồi, cần lập tức mặc thêm áo ấm. Nếu như mặt bé đỏ hồng lên, quấy khóc không yên đó là thể hiện bé đang bị nóng cần có biện pháp giải quyết giúp bé, bé sẽ ngừng khóc ngay.

3.Mệt mỏi

Trẻ em nô đùa mệt có thể khóc rất to trong lúc ngủ, điều này có thể kéo dài 10 phút thậm chí lâu hơn, bé càng mệt thì tiếng khóc càng lớn. Trước khi bé ngủ khoảng 20 phút nên tạo một không gian yên tĩnh, bé sẽ dễ dàng vào giấc ngủ hơn, thay đổi một chút không gian, môi trường cho bé là một biện pháp rất hữu ích.

4. Khát nước

Khát nước cũng là một nhân tố khiến bé khóc, và cũng là nhân tố dễ bị hiểu lầm. Thường thì các bé sau khi bú sữa mẹ rồi sẽ không cần uống nước nữa, nhưng nếu ở trong một môi trường khô hanh hoặc quá nóng, bé sẽ mất một lượng nước tương đối lớn và dễ bị khát.

Cũng có khi bé bị ngạt mũi khiến bé phải dùng miệng để thở, như vậy lượng nước mất đi cũng nhiều hơn và cũng là nguyên nhân khiến bé khát nước. Khi bị khát có thể bé sẽ quấy khóc không yên, hãy cho bé uống một chút nước điều này sẽ giải quyết vấn đề ngay.

5. Trướng bụng

Trong quá trình bé nuốt thức ăn, thường nuốt theo rất nhiều không khí, khiến bé bị trướng bụng. Điều này thường xuất hiện sau khi bé uống nước khoảng nửa tiếng. Bé khóc rất bất ngờ, tiếng khóc thứ nhất vừa vang vừa dài, sau đó bé nín thở rất dài rồi lại tiếp tục khóc lớn tiếng. Chỉ cần tìm cách giúp bé ợ hơi bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, biện pháp thường làm nhất chính là phải “vỗ hơi” cho bé sau mỗi lần uống sữa.

6. Có cảm giác bất an

Trước khi bé ngủ hoặc bé chuẩn bị ngủ dậy thường khóc rên rên, tiếng khóc không lớn có cảm giác như có điều gì khiến bé sợ, bất an. Mẹ hãy vỗ nhè nhẹ hoặc hát nhỏ cho bé nghe sẽ khiến bé có cảm giác như được an ủi, bé sẽ không khóc nữa và có thể sẽ tiếp tục ngủ.

7. Bé ngạt mũi

Khi bé bị cảm cúm, nước mũi làm tắc mũi bé, bé chỉ có thể dùng mũi để thở. Khi bé uống sữa là lúc gặp rắc rối nhất vì lúc đó bé sẽ không thở được và như thế bé sẽ khóc lớn tiếng rồi bỏ ăn sữa. Mẹ bé cần phải dùng các loại thuốc hoặc các biện pháp theo chỉ dẫn của bác sỹ để giúp bé đỡ ngạt mũi bé sẽ ăn ngon miệng hơn và ngủ ngon giấc hơn.

8. Bé đau bụng

Đau bụng là một nguyên nhân thường gặp khiến bé khóc, do đường ruột của bé phát triển chưa thành thục, khiến từng đoạn ruột của bé điều chỉnh chưa được nhuần nhuyễn, nhiều khi dẫn đến hiện tượng đau và đau quằn quại. Khóc thường mang tính đột phát, có khi khóc lớn đến khan cả tiếng, thậm chí khóc đến đỏ cả mặt cả cổ. Thường xuất hiện các hiện tượng như là: trướng bụng, hai tay nắm chặt, hai chân có thể co chặt lại, bàn tay và bàn chân thường lạnh toát. Nên có các biện pháp như xoa nhẹ nhàng vùng bụng cho bé để giúp bé tiêu hoá tốt và cảm giác dễ chịu hơn.

Chia sẻ