Thương con kiểu... "cơm bưng nước rót"

Theo M&B,
Chia sẻ

Cưới chồng mãi mới sinh được cu Bon, Diệp chiều con hết mực. Cu Bon giờ gần 4 tuổi mà kéo quần đi tè là gọi mẹ, cơm chờ mẹ xúc, nước cũng chờ bưng cho uống.

Diệp kể, từ tuổi mới biết đi Bon đã nghịch ngợm, hay làm đổ vỡ, vấy bẩn áo quần nên hễ con muốn ăn thứ gì là Diệp bón tận miệng cho con. Không chỉ là các bữa chính mà cả bánh kẹo, hoa quả, cu Bon cũng chờ đút cho, chứ không chịu động tay vào vì sẽ bị quát là: “Không được nghịch, để mẹ lấy cho”. Ăn xong, Bon loay hoay muốn vứt rác vào thùng rác bắt chước mẹ, cũng bị Diệp nạt: “Cứ để vỏ bánh đấy cho mẹ, ngã bây giờ”.

Lúc Bon muốn uống nước, Diệp sợ con làm vỡ cốc, rồi đổ nước ra sàn, trơn ngã nên thường nhanh chân giành phần mở nước từ bình lọc cho con. Dần dần, Bon thành quen, hay ỷ lại mẹ. Đi học thì không sao, chứ hễ về đến nhà là đợi mẹ xúc cơm cho ăn, rót nước cho uống, đòi thứ nọ thứ kia chứ không phải làm gì hết.
 
Chưa kể, trong nhà, bà nội cu Bon cũng chiều cháu, sợ cháu ngã, vấy bẩn nên hay bắt cháu ngồi yên trên ghế, muốn ăn cam hay uống sữa thì để bà lấy, chứ không được tự ý mở tủ lạnh hay tự cắm ống hút vào hộp sữa. Có lần, bà nội đau lưng, đứng dậy chẳng nổi trong khi Bon gào khóc bắt đền bà nội vì chưa lấy nước cho uống...

Chi (quận 1, TP HCM) có con 2 tuổi rưỡi nhưng cũng luôn chăm chút cho con từng li từng tý vì sợ con đổ vỡ, rơi vãi. Mỗi lần con định lấy đũa, lấy thìa xúc mỳ, xúc xôi ăn sáng là bị Chi cản vì: “Ăn được ít mà rớt đầy nhà, phí của. Lại phải lo lau nhà, thay áo, lau rửa mặt mũi, tay chân dính đồ ăn cho con thì mệt lắm”. Những chuyện khác như rửa tay, cất quần áo của con, Chi cũng làm hộ con vì cứ để con làm rồi mình phải hì hục dọn lại thì mệt hơn.
 

Rèn luyện cho bé

Không ít bậc cha mẹ vì thương con hoặc sợ con làm hỏng, vấy bẩn, làm rơi vỡ mà quyết định tự làm thay cho bé. Tuy nhiên, điều này sẽ hình thành tâm lý thụ động, ỷ lại vào bố mẹ, khiến bé dù lớn (4-5 tuổi) mà vẫn chưa thể thành thạo những việc tự chăm sóc bản thân đơn giản như xúc cơm, rót nước uống, bỏ rác vào thùng rác, cất dọn đồ chơi, quần áo của bé...

Ngay khi các kỹ năng vận động của bé phát triển, cha mẹ nên rèn cho bé tính tự lập, hợp với độ tuổi. Chẳng hạn, bé 7-8 tháng có thể tự bốc thức ăn. Bé trên một tuổi biết dọn đồ chơi theo yêu cầu của mẹ. Khi biết đi hoặc biết chạy vững thì mẹ có thể dạy bé bỏ rác vào nơi quy định, cất giày của bé, của bố mẹ, cầm cho mẹ cái này, mang cho mẹ cái khác... Tiếp đến là cho bé tự xúc ăn bằng thìa, bát nhựa, biết tự lau tay, lau miệng bằng giấy, khăn... Khi lớn hơn có thể tập cầm đũa, rót nước bằng cốc nhựa, tự gấp chăn của bé khi ngủ dậy, giật nước khi đi toilet, tự phân loại và gập quần áo của bé.

Trong lúc “lao động”, bé có thể chạy nhảy, nghịch ngợm, nô đùa làm ngã hoặc vỡ, hỏng. Vì thế, khi trao nhiệm vụ cho bé, cha mẹ cần chú ý để mắt tới con, đảm bảo bé được an toàn, nên chọn đồ đạc bằng nhựa, nhẹ để tránh bé làm vỡ, hỏng. Nếu bé có làm lộn xộn hoặc chưa được gọn gàng, đẹp mắt thì cũng tránh cầu toàn, nên động viên để bé rèn luyện các kỹ năng ấy cho thành thục hơn.

Chuyện ăn uống của con hay được cha mẹ làm thay nhất. Nhiều phụ huynh nghĩ nếu cứ để bé tự ăn thì bé sẽ lười ăn hoặc là làm đổ, chọc thứ nọ, xúc thứ kia trong mâm cơm gia đình... Tất nhiên, không nên cứng nhắc bắt bé xúc ăn hoàn toàn mà khi bé mệt, mải chơi hoặc bị phân tán thì cha mẹ có thể xúc cơm cho bé. Khi bé khó khăn trong việc rót nước thì cha mẹ có thể hướng dẫn bé cách lấy nước làm sao cho an toàn, hoặc tạm thời rót nước hộ con. Có thể cho bé những món được phép xúc (gắp) và cho bé chỗ ngồi riêng để bé tự xúc ăn. Tránh stress trong bữa ăn của bé và luôn sẵn sàng tinh thần... lau dọn sau đó.
Chia sẻ