Thở nhanh: Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi

Hương Cát,
Chia sẻ

Khi bé thở nhanh, có thể bé đang bị viêm phổi. Cha mẹ cần theo dõi, phát hiện kịp thời, bởi mọi trường hợp nhập viện quá muộn đều có nguy cơ tử vong cao.

Thở nhanh: Trẻ đã bị viêm phổi

BS. Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp - BV Nhi Đồng 1, cho biết, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization - WHO), trong một năm, một em bé dưới 5 tuổi có thể bị từ 5-8 lần nhiễm khuẩn hô hấp. Trẻ dưới 12 tháng càng dễ bệnh nặng hơn vì do sức đề kháng chưa hoàn chỉnh. Số bệnh nhi nhập viện và có nguy cơ tử vong cũng nằm trong nhóm trẻ sơ sinh.

Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng. Bệnh thường có biểu hiện là ho kéo dài. Nhiễm khuẩn hô hấp có hai loại: nhiễm khuẩn hô hấp trên (viêm nhiễm vùng tai mũi họng) thường do siêu vi, nếu chăm sóc tốt, đa số sẽ tự khỏi và nhiễm khuẩn hô hấp dưới gồm viêm phế quản, viêm phổi... Thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi để các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp gia tăng, đặc biệt là viêm phổi.

"Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Khoa Hô hấp tiếp nhận trên dưới 20 bệnh nhân viêm phổi mới. Trong đó nhiều ca nặng phải hỗ trợ hô hấp, thở ôxy. Viêm phổi thường là nguyên nhân nhập viện và từ vong hàng đầu ở trẻ em", BS. Tuấn nói.

Việc phát hiện viêm phổi tại nhà không khó. "Thở nhanh" là triệu chứng sớm nhất, hơn cả việc thăm khám hơi thở thông qua tai nghe, và kết quả chụp X-quang. Người nhà chỉ cần có một đồng hồ có kim giây, và chú ý theo dõi nhịp thở của trẻ, khi trẻ nằm yên, không quấy khóc. Một nhịp thở tương đương với bụng trẻ nhấp nhô lên - xuống.

"Trẻ dưới hai tháng, thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên. Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng, thở nhanh với 50 lần/phút trở lên. Còn đối với trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi, 40 lần/phút trở lên là thở nhanh. Thở co lõm lồng ngực, nghĩa là khi trẻ hít vào, phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào thay vì nở ra như bình thường. Mọi trường hợp viêm phổi ở trẻ dưới 2 tháng đều nặng và cần phải nhập viện," BS. Tuấn hướng dẫn.

Tự điều trị kháng sinh: Nguy hiểm

Cha mẹ thường không phát hiện được thời điểm con bắt đầu khó thở để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Một sai lầm thường gặp là khi trẻ ho, cha mẹ thường quấn khăn hay chăn để giữ ấm cho trẻ và tránh gió.

"Ngoài ra, mỗi khi trẻ ho, cha mẹ thường tự ý lạm dụng kháng sinh, nhất là dùng các thuốc giảm ho của người lớn. Điều đó sẽ đưa đến rất nhiều bất lợi: kháng sinh trong các trường hợp cảm ho thông thường không hiệu quả trong việc ngừa viêm phổi, tốn kém, thuốc sẽ dẫn đến tác dụng phụ thậm chí là ngộ độc thuốc, đặc biệt là nảy sinh ra vấn đề kháng thuốc về sau," BS. Tuấn cảnh báo.

Chính vì vậy, cách chăm sóc trẻ bị ho, cảm lạnh tại nhà là tiếp tục cho trẻ ăn hoặc bú nhiều lần hơn. Ngoài ra, trẻ cần được uống đủ nước, làm thông thoáng mũi, giảm ho và đau họng bằng thuốc nam an toàn (theo chỉ định của lương y).

Trẻ cần phải đươc đưa đến bệnh viện ngay khi có một trong những dấu hiệu sau: Khó thở hơn, thở nhanh hơn, bỏ bú hoặc bú kém (trẻ dưới 2 tháng), không uống được (trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi), co giật, ngủ li bì khó đánh thức, thở có tiếng rít, suy dinh dưỡng nặng.

Đăc biệt, trẻ dưới 2 tháng tuổi, sốt hoặc hạ nhiệt đột ngột, thở khò khè cũng là dấu hiệu nguy hiểm.

Theo  Hương Cát
Vietnamnet
Chia sẻ