Thiệt con

M. M,
Chia sẻ

Mỗi khi cu Tí có làm sai điều gì thì anh Hùng cũng ngại không dám đánh mắng, chị Hoa cũng vậy. Không dám đánh, dám phạt nặng làm cho hai đứa trẻ ngày càng trở nên bướng và biết bố mẹ sợ chúng.

Anh Hùng, chị Hoa đều đã qua "một lần đò" và giờ đến với nhau mang theo hai đứa con riêng. Cu Tí là con chị Hoa còn cu Mít là con anh Hùng. Cả hai đứa trẻ đều 5 tuổi nên nhiều khi chơi với nhau vẫn còn tranh giành nhau. Những ngày đầu về cùng chung sống, gia đình anh Hùng, chị Hoa khá vui vẻ vì hai đứa trẻ mới có bạn mới ở cùng và chơi cùng nên vui lắm. Nhưng rồi dần dần, vì ngày nào cũng ở cùng nhà, phải chia sẻ rất nhiều thứ mà hai đứa trẻ trở nên hay tranh giành và đánh nhau. Anh Hùng, chị Hoa làm bố làm mẹ ngày nào cũng phải đi giải quyết chuyện của các con, mà chẳng nhẽ lại không bênh con mình, thế là từ chuyện trẻ con lại thành ra chuyện của người lớn, không khí gia đình trở nên căng như dây đàn từ lúc nào không biết.
 
 
Chị Hoa không thích cho cu Tí chơi những trò chơi bạo lực như súng máy hay que gậy, nhưng anh Hùng lại bảo con trai thì phải chơi những cái đó chứ ai lại chơi thỏ bông với búp bê. Vậy là đồ chơi ở nhà cứ ngổn ngang đủ thứ, chị mua ô tô cho con thì anh lại đi mua máy bay hoặc súng siêu nhân. Mà chẳng nhẽ cái gì cũng mua hai cái, thế nhưng mua một thì chúng tranh nhau. Không ít lần chị Hoa cấm cu Tí không được đụng vào đồ chơi của cu Mít, nhưng trẻ con vốn ham vui, thấy cái mới lạ là tít mắt, thế là cu Tí không nghe lời mẹ. Cuộc xô xát tranh nhau đồ chơi của hai đứa trẻ khiến chị Hoa bực mình, đổ lỗi cho anh Hùng mua những thứ đồ chơi... vớ vẩn đấy về làm chúng tranh nhau. Anh Hùng thì đổ tại chị cứ bắt con chơi mấy thứ đồ chơi con gái với sách vở nên con mới thích những thứ đồ chơi đặc thù của con trai như vậy.
 
Chuyện ăn uống cũng thế. Hai đứa trẻ với hai sở thích ăn uống khác hẳn nhau. Cu Tí thì thích ăn đồ ăn nhiều mỡ, còn cu Mít thì chỉ thích ăn đồ ăn nhiều nạc. Cu Tí thích ăn món rán thì cu Mít lại thích ăn các món luộc. Vậy là mỗi bữa cơm lại dềnh dàng thêm nhiều món và mất thêm thời gian chuẩn bị, cho dù cả anh cả chị đều đi làm về khá muộn mới bắt đầu đi chợ nấu cơm. Hôm nào trót nấu món rán, xào thì cu Mít tị nạnh là bố mẹ chỉ thương cu Tí mà không thương mình, hôm nào lỡ làm nhiều món luộc thì cu Tí giận dỗi không ăn cơm. Thấy con mình dỗi, anh cũng xót con, chị cũng xót con, thế là lại cãi nhau, nào thì: "Em chỉ biết lo cho con em, nấu cho con em ăn", nào thì "cứ hôm nào anh nấu cơm là y như rằng chỉ có những món cu Mít thích ăn, chẳng làm gì cho cu Tí cả"...
 
Ngay cả chuyện mua quần áo cũng vậy. Cả anh Hùng và chị Hoa tuy không nói ra nhưng đều có chung tâm lý ái ngại mỗi khi định mua gì đó cho con. Hai đứa trẻ cùng thích màu sắc như nhau, nên nếu mua quần áo sẽ phải mua hai bộ giống hệt nhau, nếu cứ mua khác nhau là thế nào cũng có sự tranh giành. Mà nếu có mua giống nhau thì đến khi có bộ nào bị bẩn là không đứa nào chịu nhận đó là bộ của mình.
 
 
Chuyện ăn, chuyện mặc rồi đến chuyện dạy con cũng khiến vợ chồng anh Hùng, chị Hoa đau đầu. Hai đứa trẻ không còn quá nhỏ để không biết rằng đó không phải bố đẻ của mình, không phải mẹ đẻ của mình. Thế nên mỗi khi cu Tí có làm sai điều gì thì anh Hùng cũng ngại không dám đánh mắng, chị Hoa cũng vậy mỗi lần cu Mít mắc lỗi. Không dám đánh, dám phạt nặng làm cho hai đứa trẻ ngày càng trở nên bướng và biết bố mẹ sợ chúng. Anh Hùng chị Hoa dù đã thống nhất với nhau rằng coi hai đứa như con mình nên nếu đứa nào mắc lỗi thì cũng phạt như nhau. Thế nhưng, cứ mỗi lần anh Hùng mắng và dọa phạt cu Tí là chị Hoa lại xót con, chị cho rằng anh không công bằng với hai đứa, chỉ chăm chăm phạt con chị. Mâu thuẫn lại trở nên nặng nề hơn. Có lần, khi anh giơ roi định đánh cu Tí thì chị lao ra giằng lấy con, nói lớn: "Hai đứa cùng nghịch sao anh không đánh con anh mà cứ nhằm con người khác đánh thế. Con tôi, tôi dạy, anh dạy con anh ấy". Hai vợ chồng giận nhau đến gần tháng trời vì chuyện con anh con tôi.
 
Chuyện con anh, con tôi là vấn đề vô cùng nhạy cảm mà các ông bố bà mẹ trước khi quyết định "đi bước nữa" đã phải hết sức cân nhắc. Bởi chỉ cần một chút đối xử thiên lệch thôi là đã có thể gây ra xích mích và mâu thuẫn gia đình. Và việc sống cùng một lúc với cả con chung, con riêng là vô cùng phức tạp. Để mọi chuyện trở nên đơn giản hơn, cha mẹ cần trao đổi và thống nhất với con cách cư xử, đối xử, chăm sóc các con như thế nào cho phải, kể cả việc khi các con phạm lỗi sẽ bị phạt ra sao. Tuyệt đối không nên có sự so bì và phân biệt con cái ở đây. Nếu cha mẹ nào cũng khăng khăng bênh vực con mình hoặc tỏ ra miệt thị với con của chồng hoặc vợ thì người phải chịu thiệt thòi nhất sẽ là những đứa trẻ mà thôi. 
Chia sẻ