"Thị Mầu" Ngọc Khuê làm bạn với con qua game

Theo MYC,
Chia sẻ

Muốn hiểu con, mẹ phải là người bạn "2 cùng" - cùng học và cùng chơi với con.

“Thị Mầu” Ngọc Khuê là bạn chơi game “tutor” với cậu con trai 5 tuổi Tony, nhưng đồng thời là “cảnh sát”, là “tỉnh táo viên”, giúp con không bị sa chân vào game đen, game bạo lực.

Hai mẹ con coi tablet như một điều tất yếu của cuộc sống, và vì tất yếu nên phải sử dụng cho đúng, cho hữu ích!

- Thế hệ của chị chọn truyện tranh và phim hoạt hình, thì thế hệ con cái chúng ta đã lựa chọn công nghệ, đó là những trò chơi trên tablet. Nhiều người cho là tất yếu. Chị có nghĩ vậy không?

Nói tất yếu có vẻ chưa chắc chắn lắm. Đúng là bọn trẻ bây giờ sướng hơn bố mẹ ngày xưa rất nhiều. Bé Tony nhà Khuê đam mê môn vẽ và hát, vì vậy sau giờ học, Tony rất thích vẽ và nghe nhạc.

Ngoài những bức vẽ cháu thường dùng iPad để tô màu các nhân vật hoạt hình và lên Youtube để search những bài cháu thích. Khuê ủng hộ điều ấy bởi bé có khoảng thời gian tìm hiểu về thế giới số.

Tony rất thông minh, mới 5 tuổi, chưa biết hết các mặt chữ nhưng chỉ cần nhìn mẹ gõ password máy một lần là cháu tự vào mạng xem phim, search trò chơi và tự download về, cài đặt và chơi…


Bé Tony - con trai Ngọc Khuê rất thông minh.

- Nhiều bé coi iPad như phương tiện quan trọng trong cuộc sống. Bé vẽ, đọc truyện, học tiếng Anh, xem hoạt hình, chơi game trên đó. Chị có thể chia sẻ về việc lựa chọn đồ chơi của Tony?

Làm quen với các công nghệ hiện đại kích thích sự thông minh và tò mò của trẻ. Nhưng một ngày không nên cho trẻ tiếp xúc quá lâu. Vừa không tốt cho mắt và tổn hại thần kinh khi tập trung cao độ.

Ngoài những trò chơi trên iPhone và iPad, Tony còn đam mê sưu tập đồ chơi ô tô, máy bay các loại.

- Việc lựa chọn đồ chơi, hoặc chọn game trên tablet cũng sẽ cho thấy tính cách của bé, cho thấy bé thông minh hay không. Tony thuộc diện khó tính hay dễ tính trong chuyện này?

Thường Tony chọn các nhân vật hoạt hình để vẽ trên iPad. Nhìn cách bé phối màu để tô thì mình biết bé rất thích các màu mạnh và cá tính.

Ví dụ trong tranh vẽ có hình mẫu nhưng Tony tự khám phá những màu sắc với hình mẫu. Nhiều bức tranh rất độc đáo và… không đụng hàng. Tony cũng rất thích đua ô tô vì bé nói con tập lái xe ở đây để sau này con lái xe đưa mẹ đi làm.

Hai mẹ con Ngọc Khuê thường chơi một số trò chơi “tutor”, đó là khoảng thời gian để hai mẹ con hiểu nhau, vừa chơi vừa nghe bé kể chuyện, đồng thời cũng để nhận ra tâm tính của con mình mà uốn nắn cho kịp thời.

- Có nhiều chương trình bổ ích từ máy tính bảng thế hệ mới giúp trẻ thông minh và hiểu biết hơn. Chị có cập nhật kịp điều đó để Tony sử dụng chúng đúng hướng và có chọn lọc?

Rất nhiều trò chơi như spidermans, nijia… thấy chém giết và có phần bạo lực nên Khuê và ông xã không cho con tiếp xúc. Thường thì các mẹ cứ thấy con chơi game trên iPad ở nhà là có phần yên tâm. Nhưng nếu yêu con thì mẹ cần biết con đang chơi gì, chơi thế nào, thậm chí có thể… chơi phụ với con, như một người bạn.

Còn những trò bạo lực, khi nào cũng có và có rất nhiều. Mẹ khi ấy phải đóng vai “cảnh sát” để giữ con khỏi “phạm luật”. Tôi cũng khá mê công nghệ và thường xuyên sử dụng iPad để làm việc, theo dõi tin tức, chơi game trong lúc chờ diễn trong cánh gà.

Thế nên, hai mẹ con rất… tâm đầu ý hợp trong việc chọn những game có tính giáo dục và giải trí cao.


Gia đình Ngọc Khuê

- Hình ảnh tôi thường gặp ở các đô thị: Mẹ và con cùng chờ taxi hoặc trong quán cà phê ở các trung tâm thương mại, cùng chơi một game yêu thích và rất hạnh phúc vì sự sẻ chia đó. Chị nghĩ gì về điều này?

Việc tiếp xúc với con trẻ qua trò chơi cũng hay, qua đó hiểu được tính cách, suy nghĩ của bé. Thường bé đi học cả ngày, tối về tôi cho con chơi iPad 30 phút. Ngày nghỉ gia đình thường cho cháu đi picnic hoặc về quê.

Hình ảnh mà anh nói, nó mang đến một sự thật, là các bà mẹ muốn hiểu con phải là người bạn của con, học và chơi với con. Đôi khi mẹ cũng phải hóa thân thành người bạn cùng lứa với con, để hiểu con muốn gì…- Trên iPad có trò chơi TomCat cho phép chú mèo nhận giọng nói của chúng ta và nói lại giọng bẹt của… mèo. Hình như trẻ em nào cũng thích. Chị có bao giờ nghĩ mình sẽ hát “Bà tôi” để chú mèo nghe rồi thu âm và cho con nghe không?

Tony rất cá tính. Một trò chơi mới, chưa biết chơi thế nào bé sẽ không hỏi mẹ (dù chưa biết chữ). Bé thích tự mày mò. Trò TomCat Tony không thích lắm, cháu nói đấy là trò con gái, chỉ xem cho biết chứ không chơi.

Thế nên tôi chẳng có cơ hội hát “Bà tôi” tặng con. Nhưng biết đâu mai mốt tôi nhờ mèo Tom gửi bài hát đó tới… ông xã (cười).

- Người ta thường nói, con cái khôn lớn biết vâng lời hay không là do người mẹ. Với trường hợp của chị thì sao?

Các cụ thường nói con hư tại mẹ. Khuê thấy điều đó không đúng. Nếu một gia đình không thống nhất được cách giáo dục trẻ thì bé hư là đương nhiên. Bố mẹ mắng mà ông bà bênh thì khó để dạy con lắm.

Gia đình Khuê trước khi có em bé đã tìm hiểu và thống nhất quan điểm nên Tony dù rất cá tính nhưng biết dừng và nghe lời bố mẹ…

- Nãy giờ chúng ta toàn nói về công nghệ, hỏi chị câu cuối về chuyên môn. Chị có dự định gì mới trong cuộc sống cũng như dự án âm nhạc?

Hiện tạị Ngọc Khuê là giảng viên ở trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Và đang học cao học nên thời gian dành cho gia đình rất ít. Khuê và ông xã nếu bận không đưa con đi chơi được thì cũng duy trì bữa cơm cuối tuần với ông bà nội.

Khuê rất thích tự đi chợ và vào bếp để cả nhà có một bữa cơm cuối tuần quay quần vui và ý nghĩa. Chỉ đơn giản là sở thích và qua đó từng thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn.

Tất nhiên, hát vẫn là đam mê số 1. Khuê vẫn hát đều đặn tại các chương trình ca nhạc và các sự kiện.

Chia sẻ