Thảng thốt vì con khuyên cha mẹ... nên li dị

Thiên Hương,
Chia sẻ

(Afamily.vn) Anh chị đang thao thao bất tuyệt mỗi người một ý thì bỗng tái mặt khi bé lồm cồm bò ra khỏi chăn chỉ tay vào bố mẹ và bảo: “Tôi sống thế này không bằng chết, li dị đi”.

Con ngây thơ bắt chước bố mẹ

Thấy mẹ nhiều lần nhiếc moc bố trong bếp: “Khiếp, hotboy của em đi tắm đi, người thiu ơi là thiu, bẩn ơi là bẩn”, thế là bé Cún (5 tuổi) cũng học đòi, bắt chước mẹ, có lúc bé chống nạch bảo bà: “Bà quá bẩn thỉu, bà đi chỗ khác chơi đi”. 

Anh chị đứng ngay ở đấy, giật mình chạy vào mắng con: “Sao Cún nói năng lạ thế nhỉ? Xin lỗi bà ngay”.

Vì tính chất công việc, chị Huyền Thanh (Từ Liêm, Hà Nội) – mẹ bé Cún khá bận rộn, có lúc đi từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Những lúc chị đi làm về muộn, hai bố con Cún lại tha thẩn nhau đi dạo ngoài công viên hoặc "lạc" đâu đó ngoài quán bia. 

Anh có một thói quen đó là uống bia, tối nào trước giờ ăn cơm là anh cũng phải nhâm nhi 1-2 cốc. Quen với cảnh bố “zô zô” giả vờ với mình. Mấy lần thấy con nói zô zô rồi cụng cốc với bố, anh chị cười tít, rung đùi khen: "Thằng bé nhanh thật, con bố có khác". Một ngày giỗ cụ, đang ngồi trước mâm cơm đông người, Cún vớ ngay lấy cốc bia của ông cũng "zô zô" rồi tu một ngụm. Uống chưa quen thế là bé sặc, nôn ồng ộc các thứ ra theo. 

Thế nhưng, sau đó bé vẫn chưa chừa, bé khóc ầm ĩ khi bà giấu ngay cốc bia của mọi người và chỉ nín khi có cốc bia bên cạnh. 

Thảng thốt vì con khuyên cha mẹ... nên li dị 1
Mọi sự bất cẩn, không để ý của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con (Ảnh minh họa)

Cũng cảnh con thích bắt chước bố mẹ, tivi là bé Ly (5 tuổi), mẹ của bé là chị Thuần (Hàng Da, Hà Nội). Dạo gần đây chị ái ngại khi nói câu nào, con cũng chê bai so sánh mẹ với người khác: “Eo, mẹ béo thế, cô Nga hàng xóm xinh hơn bao nhiêu”…

Buồn giận lắm nhưng chị cũng biết lỗi là do mình. Chả là chị làm kế toán, công việc công ty lu bu mà có cô bé nhân viên mới đến làm chưa quen, cái gì cũng hỏi, làm lại sai, công việc cứ thế mà dồn vào chị. Bực mình, tối về chị hay than thở, kể lể với anh xã: “Con bé đó làm việc dốt lắm, mà mặt cũng xấu”…

Thế là bao nhiêu câu chê bai của mẹ bay sang hẳn đầu Ly, bé cứ nghĩ nói vậy thì “hay hay, người lớn”. 

Một lần, vì không vừa ý nhau, anh chị chờ con ngủ rồi lời qua tiếng lại. Cả hai đang thao thao bất tuyệt mỗi người một ý thì bỗng tái mặt khi bé lồm cồm bò ra khỏi chăn chỉ tay vào bố mẹ và bảo: “Tôi sống thế này không bằng chết, li dị đi”. 

Vợ chồng anh bàng hoàng im thin thít. Sau khi dỗ con ngủ, anh chị tự vấn lương tâm xem mình có bao giờ nói những câu như vậy không, nhưng không hề. 

Hỏi thì con chẳng biết li dị là gì nhưng hỏi tại sao lại nói thế thì bé chẳng nói gì. Mãi mấy hôm sau hỏi đi hỏi lại mới biết: “Con xem phim thấy họ nói thế ạ”. 

Làm gương cho con

Ở lứa tuổi này, con trẻ đang từng bước tiếp cận với thế giới xung quanh qua việc nhìn bố mẹ, xem mọi người khác nói, làm để bắt chước. "Trẻ con như chiếc máy thu và phát lại những gì chúng thấy, vì thế trong mọi tình huống, hành động đúng và biết cách làm gương của cha mẹ là điều vô cùng quan trọng", chị Hậu (Q3, TP HCM) chia sẻ. 

Thật sự sai lầm nếu ba mẹ rung đùi và cười tít khi bé bắt chước mình. Đây không hẳn là điều minh chứng cho sự ghi nhớ và bắt chước tài tình của con đâu nhé. Việc hưởng ứng và lờ đi thói xấu này sẽ khiến con càng “nhầm đường”. 

Bởi không phải mọi hành động bắt chước của bé đều tốt, đúng đắn và phù hợp với sự vận động, phát triển tâm sinh lý của con. Bé mắng bà bẩn, chê mẹ xấu, uống bia như người lớn rồi khuyên cha mẹ li dị... là những hành động bắt chước thực sự đáng lo ngại. Hiện tại với số tuổi non nớt của mình, bé chưa thể nhận biết điều gì là đúng, điều gì là sai. Và bố mẹ là người đầu tiên dẫn dắt luồng suy nghĩ của con vào thời điểm này. 

Chị Thuận Yến (Tân Ấp, Hà Nội) chia sẻ: "Để con làm bạn với tivi là điều không nên, cha mẹ nên định hướng chương trình cho con xem, xem cùng con và trò chuyện cùng để hai bên hiểu nhau, bố mẹ hiểu con và con cũng hiểu được nội dung chương trình trên tivi, hiểu được bố mẹ". 

Cha mẹ nên dành thời gian quan tâm, trò chuyện, chăm sóc con, cho con tham gia vào những việc làm, hoạt động phù hợp với lứa tuổi của mình. Mọi sự bất cẩn, không để ý của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con. Tóm lại, bắt chước không những không hiểu được ý nghĩa của việc đang làm mà còn dẫn tới hành động của bé cũng sai. 



Bé vùng vằng, khóc toáng nhà bảo: “Tại con nghe thấy bố mẹ lúc tối qua nói như thế mà. Tại sao bố mẹ nói được mà con lại không?”.

Thảng thốt vì con khuyên cha mẹ... nên li dị 2
Chia sẻ