Tên hay - khả năng thành đạt cao

,
Chia sẻ

Những người có tên hay và đặc biệt có khả năng thành công trong cuộc sống cao hơn những người có tên thông thường. Làm thế nào để con mình có một cái tên thật hay?

Mỗi đứa trẻ lúc chuẩn bị chào đời, điều mà cha mẹ quan tâm chính là việc đặt cho con mình một cái tên. Xưa nay quan niệm về tên gọi thường đơn giản chỉ để gọi. Nay xã hội phát triển, tên gọi mỗi người ít nhiều có ảnh hưởng đến cuộc sống của người đó ở một góc độ nhất định. Để có một cái tên đẹp và nhiều hàm ý cũng cần những tiêu chí khác nhau.
 
Ý nghĩa và quan niệm về tên người
 
Chức năng quan trọng nhất của tên người là để xác định, phân biệt phần “danh” giữa người với người. Mỗi người là một cá thể độc lập trong cả cộng đồng. Do vậy, tên gọi chính là sự phân biệt cơ bản, phổ thông nhất của từng cá nhân trong cả một tập thể, cộng đồng người. Tuy nhiên, tên gọi (họ và tên) chỉ là dấu hiệu phổ thông để phân biệt người này với người khác chứ không phải người có tên như thế nào thì bản tính thế ấy, ví dụ cùng tên Minh Đức nhưng không phải ai cũng là người lương thiện. Nếu cả mười người tên Minh Đức đều tốt thì cũng có cấp độ khác nhau. Sự khác nhau đó còn biểu hiện ở hình dáng, sức khoẻ, trình độ nghệ nghiệp… Cho nên, những hàm ý khác ngoài chức năng phân biệt chỉ là theo quan niệm duy tâm trong dân gian, hay của chính người đặt tên đó.
 
Trước kia ông cha ta thường khi sinh con ra nếu là trai thì gọi luôn là thằng cu, cái đĩ, gái… nhiều thì cu lớn, cu bé, đĩ lớn, đĩ bé… Bởi vì những tên gọi đó xấu xí, dễ lẫn lộn với những đứa trẻ khác mà không sợ bị tà mà dòm ngó, theo về quấy nhiễu. Rồi khi lớn lên cứ tiện những từ vần miệng là đặt như Bưởi, Bòng, Na, Lựu… Nhưng ngày nay không còn ai tin vào điều đó nữa. Việc đặt tên cho con cũng là thể hiện nguyện ước con mình sau này thành đạt, khỏe mạnh, có ý chí… Vì thế tên do cha mẹ đặt còn chất chứa trong đó bao niềm hy vọng, thiện cảm dành cho những đứa con mình. Một cái tên đẹp cả về ngữ nghĩa, hàm chứa được ý nguyện của cha mẹ chính là thứ mọi người mong muốn.
 
Thế nào được gọi là tên hay?
 
Trong phạm vi bài này không thể đưa hết ra được những tiêu chí để đánh giá cho một cái tên hay. Chỉ xin trao đổi những nguyên tắc và phương pháp phổ thông, dễ áp dụng trong đời sống hiện nay. Về cấu trúc tên của người Việt xưa nay gồm: họ - tên đệm – tên chính. Nhưng theo xu thế hiện nay và trong phạm vi bài này xin gọi luôn tên đệm và tên chính là một.
 
Đầu tiên là tên phải có ý nghĩa, ý nghĩa đó phụ thuộc vào động cơ, ý tưởng của cha mẹ đứa trẻ. Khi giao tiếp với ai đó việc đầu tiên người ta quan tâm đến chính là tên gọi của nhau. Do đó tên gọi sẽ là đại diện tiêu biểu của một người. Một cái tên đẹp như Tuấn Hưng, Thuỳ Dung, Kiều Anh… sẽ gây được thiện cảm ban đầu cho người khác. Vì thế khi đặt tên cho con cha mẹ cần phải chú ý đến điều đó. Như trên đã nói, con cái luôn là niềm hy vọng của cha mẹ, khi đặt tên cho con cũng nên chọn tên có ý nghĩa gửi gắm những lời chúc nguyện tốt đẹp mong con sẽ khoẻ mạnh, bình an, hạnh phúc và thành đạt. Nói chung, dù vì động cơ nào thì tên người phải có nội hàm cụ thể, đó chính là thể hiện được ý nghĩa của tên gọi. Nếu cái tên vô nghĩa hoặc nghĩa xấu thì sau này con cái sẽ không thích, có thể chúng sẽ tự đổi tên khác cho phù hợp.
 
 
Điểm quan trọng thứ hai là khi đặt tên cần chú ý đến ngữ âm. Tên gọi hay ngoài việc đảm bảo ý nghĩa còn phải dễ đọc, dễ nhớ và điều này còn tuỳ thuộc vào quy luật phát âm của dân tộc mình. Thường thì tên gọi có hai âm tiết, nếu âm tiết trước là thanh bằng (các chữ có dấu huyền hoặc không dấu) thì âm tiết sau nên dùng thanh trắc (các chữ có dấu hỏi, ngã, sắc, nặng) và ngược lại. Hoặc cũng có thể dùng thanh bằng cho cả hai âm tiết, ví dụ Thuỳ Linh, Thuỳ Trang… Còn khi kết hợp thanh trắc cho cả hai âm tiết cần chú ý sao cho tên nghe không quá nặng, khó đọc, ví dụ: Phú Quý, Tuấn Nguyễn… Đặc biệt con gái thì hạn chế dùng hai âm tiết là hai thanh trắc, nghe nặng nề và thiếu nữ tính, lại khó nhớ. Tên đẹp và hay nên dùng một bằng một trắc. Nếu kết hợp hài hoà con bạn sẽ có tên vừa hay, âm đọc nhẹ nhàng và có ý nghĩa dễ được thể hiện hơn.
 
Ngoài ra, khi đặt tên cũng cần phải chú ý đến phong tục tập quán của từng dân tộc, của đất nước, dùng từ chuẩn mực, tránh những từ đa nghĩa trong đó có nghĩa xấu. Người Việt Nam không bao giờ lấy tên những thánh thần có ý nghĩa thiêng liêng để đặt cho con. Vì như thế sẽ phạm đến uy linh của thần thánh. Trong khi người phương Tây rất thích đặt tên cho con theo các vị thần thánh. Họ cho rằng như thế con cái sẽ gặp may mắn và được che chở. Người Việt cũng không lấy tên ông bà, cụ kị đặt tên cho con cái vì như vậy là phạm huý,  thiếu tôn trọng bề trên. Trong khi người phương Tây lấy tên  ông bà đặt lại cho con cháu để thể hiện sự tôn kính với bề trên, để lưu giữ tình cảm sâu nặng của mình với thế hệ trước. Đặc biệt tên của các vị lãnh tụ, những người đã trở thành niềm tự hào dân tộc, là biểu tượng quốc gia cũng không được lấy để đặt tên cho con mình.
 
Những cách đặt tên phổ biến trong dân gian
 
Đặt tên với niềm hy vọng của cha mẹ vào con cái. Phần lớn các bậc cha mẹ đều lấy đây là ý tưởng để đặt tên cho con cái. Người muốn con mình sau này thông minh và thành đạt hơn người. Người lại muốn con sau này sẽ là đứa hiếu thuận, sống có trước có sau…
 
Ghép họ của bố mẹ để đặt tên cho con. Cách đặt tên này có ý nghĩa thể hiện một phần máu thịt của cả bố và mẹ mới sinh ra đứa con yêu quý của mình. Hiện nay cách này được sử dụng khá phổ biến, nhất là ở các thành phố, thị xã.
 
Lấy quê quán để đặt tên cho con. Cách đặt tên như vậy thể hiện tình yêu quê hương, luôn nhớ về cội nguồn nơi mình đã sinh ra và lớn lên.
 
Lấy mùa sinh để đặt tên cho con. Nhiều bậc cha mẹ lấy mùa sinh để đặt tên hoặc làm tên đệm cho con mình, sinh mùa nào thì lấy mùa đó, ví dụ: Thu Hằng, Trang Hạ, Xuân Hương…
 
Đặt tên theo địa danh, kỉ niệm. Nơi ấy có thể là bố mẹ đã gặp gỡ và yêu nhau, hoặc người con được sinh ra ở địa danh đó, ví dụ: Việt Thái, Việt Nga…
 
Đặt tên con theo nhận vật trong truyện, tiểu thuyết. Vì yêu quý nhân vật nào đó mà lấy nguyên tên hoặc thay đổi một chút rồi đặt cho con mình. Ở ta, cách đặt tên này thường mượn tên trong các tiểu thuyết, truyện, phim dã sử kinh điển của Trung Quốc.
 
Đặt tên theo các hiện tượng tự nhiên. Những hiện tượng tự nhiên như mây, mưa, gió, băng, tuyết, sương… được chuyển sang dạng chữ Hán Việt: vân, vũ, phong, tuyết… rồi đặt tên cho con. Những từ này nếu ghép với từ phù hợp sẽ thành tên rất hay như Thanh Vân (mây trắng), Hồng Vân, Xuân Vũ (mưa xuân)…
 
Đặt tên con theo các loài thảo mộc. Những cái tên như Thạch Thảo, Hoàng Bách, Hoàng Tùng… đều được lấy từ loài hoa, loài cây quý có ý nghĩa biểu tượng nhất định, biểu hiện cho ý chí, sức mạnh của con người hay sự dịu dàng yểu điệu của người con gái.
 
Hải Minh
Chia sẻ