Tất tần tật những điều cần biết trong 3 tháng cuối thai kỳ

GiangC,
Chia sẻ

Càng gần ngày sinh, bạn càng cảm thấy mí mắt và mặt mình "húp híp" hơn. Lý do là vì lượng máu trong cơ thể lưu thông mạnh mẽ. Sưng mặt còn có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn bị phù, cao huyết áp.

Những biến đối cơ thể khác của người mẹ trong 3 tháng cuối là:

Bụng bầu: Tới giai đoạn cuối của thai kỳ, bụng bầu sẽ hạ thấp xuống. Nhiều thai phụ cảm giác em bé đã chui xuống khung xương chậu.

Tình trạng nghén ở quý III: Nguyên nhân là do sự giảm bài tiết mật trong cơ thể. Nó khiến bạn có cảm giác buồn nôn, mỏi mệt, vàng da. Nếu xuất hiện dấu hiệu bị ngứa trong quý III thì có thể chức năng hoạt động của gan yếu.

Thay đổi về da: Nhiều bà bầu vẫn có hiện tượng nổi mụn trứng cá trong 3 tháng cuối. Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone trong thời kỳ thai nghén, kích thích sự bài tiết của tuyến dầu dưới da.

- Nám da: Bạn có thể nhận thấy những đám da sạm màu xuất hiện ở vùng trán, thái dương hoặc má. Vết nám sẽ sậm màu hơn nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Phần lớn các vết nám sẽ tự biến mất sau sinh.

- Mồ hôi: Cũng do sự thay đổi hormone khi mang thai nên bạn cảm thấy cơ thể bài tiết mồ hôi nhiều hơn. Đồng thời, các nốt ban cũng xuất hiện.

- Giãn tĩnh mạch: Với một số thai phụ, giãn tĩnh mạch không gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe; nhưng với một số thai phụ khác, nó có thể dẫn tới tình trạng lở loét.

- Da chân như bị mốc: Nhất là khi trời lạnh, da chân của bạn có thể trông hơi xanh xao và không được sạch sẽ.

Tất tần tật những điều cần biết trong 3 tháng cuối thai kỳ 1

Thay đổi về tóc: Khoảng thời gian cuối thai kỳ, tóc của bạn trông có vẻ dày hơn. Tiếp đến, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng rụng tóc sau sinh.

- Lông có thể mọc nhiều hơn, nhất là ở trên mặt và vùng chân, tay. Tương tự với những thay đổi về tóc, hiện tượng mọc lông cũng sẽ giảm dần sau sinh.

Những đặc trưng cơ thể và điều bạn nên làm trong 3 tháng cuối

Tháng thứ 7

Đặc trưng: Bạn xuất hiện những cơn thở ngắn (thở dốc).

Điều bạn nên làm: Thời điểm này, chứng thèm ăn vẫn có thể “hoành hành” bạn. Vì vậy, bạn nên chọn những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.

- Bạn có thể bắt đầu đăng ký tham gia lớp học tiền sản. Lớp học này sẽ cung cấp cho bạn kiến thức về mang thai và sinh nở cũng như cách kiểm soát cảm xúc của bản thân khi cận kề ngày sinh.

- Bạn nên tăng cường tham khảo thông tin về mang thai và sinh nở. Kiến thức khoa học khi làm mẹ sẽ giúp bạn an tâm hơn.

- Bạn nên ngủ thường xuyên hơn.

Những điều thú vị bạn nên làm: Viết ra giấy những giấc mơ của bạn khi “bầu bí” và chia sẻ điều này cùng chồng.

- Khi rảnh rỗi, bạn nên tham gia “buôn dưa lê” cùng bạn bè.

Tháng thứ 8

Đặc trưng: Bạn có thể xuất hiện những cơn chuyển dạ giả. Đó là cách tử cung chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ thật.

Điều bạn nên làm: Tập thở trong những cơn chuyển dạ giả sẽ có ích cho bạn khi đối mặt với cơn chuyển dạ thật.

- Bạn nên tập luyện những bài tập đáy chậu để hỗ trợ quá trình sinh nở.

- Nếu bạn đã quyết định xin nghỉ việc bắt đầu từ tháng thứ 8, bạn nên chú ý để điều này không gây stress khi bạn ở nhà.

Điều thú vị bạn nên làm: Tham khảo thông tin về cách đặt tên cho bé sẽ giúp bạn chọn một cái tên nhiều ý nghĩa cho con.

- Bạn viết một lá thư, kể cho bé nghe cảm giác háo hức của cha mẹ khi sắp đến ngày trọng đại.

Tháng thứ 9

Đặc trưng: Những cơn thở của bạn đã thoải mái hơn. Lúc này, trọng lượng của thai nhi gây sức ép lên bàng quang và khiến bạn gia tăng tình trạng tiểu rắt.

Điều bạn nên làm: Dù bụng bầu đã to, bạn vẫn có thể đi dạo phố hoặc ăn hàng với chồng.

- Bạn có thể thảo luận thêm với chồng về kế hoạch sinh nở, bao gồm cả vấn đề tài chính. Tùy vào bệnh viện bạn dự định sinh, bạn có thể chuẩn bị gói hành lý cho mẹ và bé ngay từ bây giờ. Bạn cũng nên lưu ý đến phương tiện đến bệnh viện trong cơn chuyển dạ (Bạn chớ vội cười về điều này. Rất nhiều gia đình thai phụ lúng túng về việc chọn phương tiện trong cơn chuyển dạ).

- Nếu bạn chưa quyết định xin nghỉ việc vào tháng thứ 8 thì đây là thời điểm để bạn cân nhắc chuyện này. Nếu muốn làm việc đến cận kề ngày sinh dự kiến, bạn nên chuyển những phần việc khó khăn cho đồng nghiệp.

- Bạn nên nghỉ ngơi bất kỳ khi nào có thể. Tinh thần thoải mái sẽ khiến cho cuộc vượt cạn được nhẹ nhàng hơn.

Điều thú vị bạn có thể làm: Ra tiệm cắt tóc để giữ diện mạo gọn gàng khi sinh. Tuy nhiên, việc cắt tóc còn phụ thuộc vào quan niệm của từng thai phụ và gia đình thai phụ. Nhiều người mẹ kiêng cắt tóc khi mang bầu vì lo con của mình sau này sẽ mất duyên trong khi một số người mẹ khác lại không đặt nặng vấn đề này.

- Bạn nên mua một vài thứ thật đặc biệt cho bé.

- Giữ tinh thần vui vẻ và bạn không nên ước bé sớm chào đời.

Tất tần tật những điều cần biết trong 3 tháng cuối thai kỳ 2


Duy trì ăn cá vào 3 tháng cuối để bé thông minh

Nhiều nghiên cứu chứng minh, bộ não của bé dần hoàn thiện vào 3 tháng cuối của thai kỳ và trong giai đoạn nhũ nhi. Khoảng 2 tuổi, bộ não của bé có thể tích bằng khoảng 80% bộ não người trưởng thành.

DHA (có trong cá) là yếu tố quan trọng cấu thành nên bộ não của thai nhi như hình thành hệ thần kinh trung ương, vỏ não và võng mạc. Trong 3 tháng cuối cuối, lượng DHA tích tụ trong màng não của bé ở mức khá cao.

Nhóm thực phẩm giàu DHA và Omega3: các loại cá biển (cà mòi, cá hồi, cá trích, cá thu, cá nục, cá ngừ…); Các loại dầu thực vật, bơ thực vật; trứng; các loại đậu nguyên hạt…

Với các loại cá biển, bạn chỉ nên ăn 2 bữa cá/tuần là đủ lượng DHA cho mẹ và bé. Bạn không nên ăn nhiều cá biển vì cá biển có thể chứa thủy ngân, nguy hiểm cho sức khỏe.

Ngủ trưa không khiến bạn khó sinh

Nhiều người mẹ sai lầm vì quan niệm “sắp đến ngày sinh, nếu ngủ nhiều thì em bé sẽ to nên khó sinh”. Ngược lại, ngủ trưa một giấc ngắn cũng rất tốt cho cơ thể bạn như sau: giúp giảm stress; tăng sự tỉnh táo, nhanh nhẹn; tốt cho tim mạch và hệ thần kinh.

Bạn không nên ngủ trưa lâu hơn 45 phút. Một giấc ngủ trưa chất lượng là giấc ngủ sâu trong khoảng 20-30 phút.

- Bạn nên tìm một nơi thoải mái để ngả lưng.

- Bạn có thể thảo luận với cấp trên nếu nơi làm việc của bạn không có thói quen ngủ trưa.



Nếu gặp những triệu chứng sau vào cuối thai kỳ, các mẹ bầu phải hết sức cẩn trọng.
Tất tần tật những điều cần biết trong 3 tháng cuối thai kỳ 3
Chia sẻ