Sơ cứu khi trẻ bị tai nạn

,
Chia sẻ

Mỗi năm, TP HCM có khoảng 100 trẻ trong độ tuổi từ 1 - 14 tuổi bị tử vong do không biết cách sơ cứu ban đầu trước khi đưa đến viện.

Đó là con số thống kê theo công bố của Ban chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích TP HCM cuối tháng 8/2008. Chúng tôi xin giới thiệu hướng dẫn của BS Lê Xuân Ngọc - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Viện Nhi Trung ương, về một số kiến thức sơ cứu ban đầu cho trẻ với những loại tai nạn thường gặp.

Chấn thương do ngã: Không di chuyển nạn nhân nếu nghi ngờ gãy cột sống cổ

Khi trẻ bị chấn thương phần mềm (vết bầm tím, sưng) cần đắp khăn nhúng nước lạnh hoặc bọc đá lạnh chườm lên vết thương. Nếu vết thương hở hoặc chảy máu, cần rửa bằng nước sạch hoặc dung dịch rửa vết thương. Băng sạch để chống nhiễm trùng hoặc băng ép để cầm máu.
 

Trường hợp trẻ bị bong gân, nên lột bỏ những vật gây chèn ép chỗ sưng như giày, tất. Nâng khớp xương bị chấn thương trong tư thế dễ chịu nhất cho nạn nhân, đắp lên khớp xương một khăn nhúng nước lạnh hoặc khăn bọc đá để làm bớt sưng và giảm đau. Quấn một lớp bông ở xung quanh khớp xương bị bong gân và quấn băng đủ chặt để cố định. Không nên di chuyển nếu trẻ có dấu hiệu gẫy xương hay gẫy cột sống cổ, mà nên gọi ngay cấp cứu để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Để đề phòng trẻ bị tai nạn do ngã, trẻ em ở tuổi nhũ nhi luôn phải có người lớn bên cạnh trông nom. Trẻ lớn hơn không nên cho leo trèo, chạy nhảy gần bờ tường, đống gạch, cột điện.

Thống kê của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, 6 tháng đầu năm 2008 đã có 585 trẻ bị tai nạn thương tích được đưa vào viện cấp cứu.

Trong đó tai nạn do sinh hoạt chiếm 448 ca, tai nạn giao thông chiếm 161 ca. Năm 2007, con số này là 982 trong đó tai nạn do sinh hoạt là 573 ca, tai nạn do giao thông là 409 ca.
 
Hiện ở thành phố có nhiều gia đình xây nhà tầng, cửa sổ không có chấn song rất nguy hiểm cho trẻ. Nên làm cửa chắn ở đầu cầu thang và ban công, cầu thang luôn phải có lan can, tay vịn.

Trẻ bất tỉnh vì điện giật: Ép tim, hà hơi thổi ngạt

Khi trẻ bị điện giật, cần ngắt ngay dòng điện bằng cách kéo phích cắm ra khỏi ổ điện hoặc cắt cầu dao điện tại nguồn chính. Trong trường hợp không ngắt được nguồn điện phải đẩy giây điện ra khỏi người nạn nhân bằng cách đứng trên miếng gỗ, tập giấy hoặc đi giày cao su khô, dùng que gỗ khô, cán chổi, đòn gánh để gạt giây điện ra khỏi người bị nạn.

Trong trường hợp trẻ bị bất tỉnh, nên gọi ngay xe cấp cứu, đồng thời tiến hành hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực. Các bậc cha mẹ lưu ý khi hô hấp nhân tạo cho trẻ cần phải đặt nạn nhân nằm trên nền cứng, nới lỏng quần áo và phải làm động tác này kiên trì đến khi nào nạn nhân tự thở, nhịp tim đập trở lại hoặc có cấp cứu y tế tới.

Để phòng tránh tai nạn điện giật gia đình nên đặt ổ điện, bảng điện ngoài tầm tay với của trẻ; đậy nắp các ổ điện và các thiết bị điện phải an toàn, không bị hở... Ngoài ra, không trú, nấp dưới gốc cây to khi trời mưa đề phòng sét đánh.

Không dùng nước dội rửa, nếu bị bỏng hoá chất khô

GS.TS Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc Viện Nhi Trung ương:

Khi còn công tác ở Viện Nhi, tôi đã gặp nhiều trẻ bị nhiễm trùng nặng do trước đó trẻ bị bỏng, cha mẹ lấy nước mắm dội vào chỗ vết bỏng với mục đích sát khuẩn.

Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm, vì nước mắm tưới vào vết bỏng không những khiến trẻ bị xót, bị đau đớn hơn mà còn là nguyên nhân gây nên nhiễm trùng vết thương.
 
Khi trẻ bị bỏng, cần phải ngâm ngay vùng bị bỏng vào nước mát, sạch càng sớm càng tốt trong vòng 20 phút, nhằm hạ nhiệt tại nơi bị bỏng. Nếu trẻ bị bỏng hoá chất ướt thì cần phải dội nước mát, sạch nhiều lần để loại trừ hết hoá chất còn bám trên cơ thể.

Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị bỏng do hoá chất khô thì tuyệt đối không được dùng nước dội rửa, mà cần nhanh chóng lấy hoá chất khô ra khỏi cơ thể làm sao tránh hoá chất tiếp xúc với cơ thể trẻ càng ít càng tốt.

Với bất cứ loại bỏng nào, cha mẹ cũng cần cởi bỏ quần áo, giày tất, đồ trang sức... tại vùng trẻ bị bỏng trước khi phần bỏng bị phồng rộp.

Để phòng chống choáng cho bệnh nhân bị bỏng, nên ủ ấm cho trẻ để tránh mất nhiệt, nhất là vào mùa đông và cần phải cho trẻ uống đủ nước. Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu nguy hiểm như: Vết bỏng rộng hơn một bàn tay của nạn nhân, bỏng ở mặt, ở bộ phận sinh dục, có dấu hiệu nhiễm trùng, sốt, chỗ bỏng có mùi, chảy mủ, nạn nhân bất tỉnh hoặc rối loạn tri giác, gia đình cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.


Theo Gia Đình & Xã Hội

Chia sẻ