Sinh con dưới nước: mẹ lẫn con đều mạo hiểm

,
Chia sẻ

Một số tài liệu nước ngoài có nói về phương pháp sinh con dưới nước, những bà mẹ sinh con lần đầu thường có tâm lý lo lắng và sợ đau đớn.

Trả lời báo chí mới đây, người mẫu Bằng Lăng cho biết đã sang Thái Lan để thực hiện kỹ thuật sinh con dưới nước với hy vọng ca vượt cạn lần đầu tiên này sẽ dễ dàng hơn, ít đau đớn hơn.

Thông tin trên ngay sau đó đã gây ra nhiều tranh luận trên mạng về tính khoa học cũng như mức độ an toàn của kỹ thuật sinh con “không đụng hàng” này.

Sẽ bớt đau, đỡ mất sức?

Người mẫu Bằng Lăng là trường hợp sinh con dưới nước đầu tiên mà dư luận được biết qua báo chí. Ảnh: Phạm Hoài Nam

Một số tài liệu nước ngoài có nói về phương pháp sinh con dưới nước, những bà mẹ sinh con lần đầu thường có tâm lý lo lắng và sợ đau đớn. Kỹ thuật sinh con dưới nước được “phát minh” ra chính là để giúp các sản phụ giải toả được những áp lực này và sinh nở dễ dàng hơn. Theo đó, các sản phụ chỉ cần nằm vào bồn nước ấm, thả lỏng người thư giãn. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ để “rặn” em bé ra. Nước sẽ tạo sức nổi giúp sản phụ cảm thấy nhẹ hơn, giảm áp lực lên cơ bụng, dễ dàng thay đổi tư thế, giúp tử cung thoải mái, tốt cho lưu thông máu, đỡ mất sức…

Và một lợi ích khác nữa là người chồng có thể cùng tham gia để động viên vợ. Trước và trong suốt quá trình “vượt cạn” này, các sản phụ cũng không cần phải gây tê màng cứng bên ngoài. Những ca sinh con dưới nước chủ yếu ở các nước có nền y học tiến bộ. Còn tại Đông Nam Á, vài năm gần đây Thái Lan là nước bắt đầu thực hiện phương pháp sinh này.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lưu Thị Hồng, vụ phó vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em (bộ Y tế) khẳng định: “Tại Việt Nam chưa có bất kỳ cơ sở y tế nào thực hiện phương pháp sinh con dưới nước. Đây là một phương pháp sinh hoàn toàn mới mẻ với Việt Nam. Chính vì vậy, muốn đưa ra những ưu điểm và nhược điểm của cách sinh này cần phải có quá trình nghiên cứu lâu dài. Do chưa có nơi nào trong nước làm nên bộ Y tế cũng chưa có quy định cấm hay cho phép”.

Nguy hiểm hơn sinh theo truyền thống

Theo TS.BS Nguyễn Viết Tiến, giám đốc bệnh viện phụ sản Trung ương, hiện bệnh viện phụ sản Trung ương và các viện sản khác trên cả nước vẫn chỉ áp dụng những cách sinh truyền thống, “điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép thực hiện cách sinh con dưới nước”, ông Tiến nói. Cũng theo ông Tiến, trên thế giới đã có nhiều nước cho các bà mẹ “vượt cạn” dưới nước. Tuy nhiên, điều kiện đòi hỏi phải rất tốt, nước phải sạch, vô trùng. Môi trường nước gần với môi trường dung dịch nước ối khi bé còn trong bụng mẹ nên bé dễ dàng thích nghi, “việc sinh con dưới nước không hề đơn giản và dễ dàng như các cách sinh truyền thống bởi ở môi trường nước bác sĩ khó thực hiện các thao tác đỡ đẻ. Với những ca có thai bất thường sẽ càng phức tạp hơn. Hơn nữa, nếu sinh dưới nước rất dễ nhiễm khuẩn, đứa bé cũng dễ sặc nếu không thực hiện đúng thao tác”, ông Tiến lưu ý.

BS Nguyễn Thu Giang, phó giám đốc trung tâm Phát triển ánh sáng và cộng đồng, người đã có nhiều năm làm việc trong ngành sản khoa cho biết tại một số khoá đào tạo về sản khoa được tổ chức tại Việt Nam có sự tham gia của chuyên gia thế giới cũng có nói đến kỹ thuật sinh con dưới nước nhưng họ không đưa ra khuyến khích nào về cách sinh này. “Bên cạnh môi trường sinh không tốt, việc sinh con dưới nước có nhiều khả năng mất chất gây trên da trẻ, là một chất bảo vệ da trẻ sơ sinh…”, bà Giang nói. Một điều nữa mà các bác sĩ lưu ý các sản phụ, nếu mắc bệnh tim, tâm lý bất ổn, thai quá lớn, người mẹ có bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng, bệnh liên quan vùng kín, sinh đôi trở lên, tư thế thai nhi bị ngược... không nên chọn sinh con dưới nước vì có thể nguy hiểm cho sức khoẻ mẹ và con.

Theo SGTT

Đã có trẻ suýt CHẾT vì nước tràn vào phổi

Vào khoảng giữa thập niên 1960, nhà nghiên cứu Liên bang Xô Viết Igor Charkovsky bắt đầu tìm hiểu mức độ an toàn và lợi ích của sinh con dưới nước. Đến cuối thập niên này, bác sĩ sản khoa người Pháp Frederick Leboyer bắt đầu phát triển phương pháp sinh sản trong nước ấm, giúp người mẹ sinh dễ hơn và giảm những ảnh hưởng trong khi sinh. Một bác sĩ sản khoa người Pháp khác là Michel Odent, tiếp tục nghiên cứu công trình của Leboyer, tuy nhiên đến nay vẫn không thấy tài liệu nào nói về kết quả này. Phương pháp sinh con này sau đó trở thành một “mốt” sinh con ở các nước phương Tây. Người sinh con dưới nước chỉ cần sử dụng bể, bồn nước tại nhà, nước không nóng quá 37oC. Giá cho thuê bồn sinh vào khoảng 300 USD hoặc mua là 1.000 USD. Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về mức độ nguy hiểm khi sinh con dưới nước nhưng đã từng có trẻ sơ sinh khi được sinh dưới nước, bị nước tràn vào phổi, suýt chết.

Kim Dung (theo waterbirth)

Chia sẻ