Sai lầm thường gặp khi cho trẻ ăn dặm

,
Chia sẻ

Ăn dặm đến khi cai sữa là thời kỳ đe dọa suy dinh dưỡng với trẻ. Mẹ không nên cho con ăn quá sớm (trước 3 tháng) hoặc quá muộn (sau 7 tháng), tháng thứ 6 là thích hợp nhất.

Các thức ăn dùng cho trẻ ăn bổ sung

- Gạo, ngô, khoai tây, khoai lang, khoai sọ.

- Thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu, đỗ.

- Rau xanh (rau ngót, mồng tơi, rau muống, rau dền, rau cải, bắp cải, su hào, bí đỏ, bí xanh, cà rốt...).

- Dầu, mỡ, lạc, vừng (đậu phộng, mè).

- Các loại quả chín.

Số bữa ăn cụ thể trong ngày của trẻ

- 6-7 tháng: Bú mẹ là chính + 1 bữa bột loãng + nước quả, sau tăng dần lên 2 bữa mỗi ngày và nấu đặc dần.

- 7-12 tháng: Bú mẹ là chính + 3-4 bữa bột đặc mỗi ngày + hoa quả nghiền.

- 13-18 tháng: Bú mẹ + 4-5 bữa cháo + hoa quả, tập ăn cơm nát lúc ăn cùng gia đình.

- 19-24 tháng: Bú mẹ + mỗi ngày 4-5 bữa cơm nát + hoa quả.

- Từ 25 tháng trở đi cho trẻ ăn cơm như người lớn nhưng được ưu tiên thức ăn. Thức ăn cần nấu mềm, lúc này bữa ăn của trẻ thường chung với gia đình vì vậy ở nông thôn ngoài 3 bữa ăn chính cần cho trẻ ăn thêm các bữa phụ bằng các thực phẩm mà gia đình có như: khoai lang, khoai tây, ngô, chuối, bánh... còn ở thành phố hoặc các gia đình có điều kiện nên cho ăn thêm 2 bữa phụ: cháo, phở, bún, súp, sữa... Trong một ngày không nên cho trẻ ăn một món giống nhau.

Cần cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới.

Nguyên tắc cho ăn và chế biến thức ăn bổ sung

Cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới.

Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, bảo đảm thức ăn hợp với khẩu vị của trẻ.

Chế biến các thức ăn phối hợp giàu dinh dưỡng, sử dụng các thức ăn có tại địa phương.

Bát bột, bát cháo của trẻ cần thêm nhiều loại thực phẩm khác nhau để tạo nên màu sắc thơm ngon hấp dẫn và đủ chất.

Khi chế biến đảm bảo thức ăn mềm dễ nhai và dễ nuốt. Thêm dầu, mỡ hoặc dầu vừng, dầu lạc (mè, đậu phộng) làm cho bát bột vừa thơm, vừa béo, mềm trẻ dễ nuốt lại cung cấp thêm năng lượng giúp trẻ mau lớn.

Tất cả dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, cần rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.

Cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt.

Cho trẻ ăn sam nhiều hơn trong và sau khi ốm, cho trẻ ăn uống nhiều chất lỏng hơn đặc biệt khi bị tiêu chảy và sốt cao.

Không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì cho ăn uống như vậy trẻ sẽ bỏ bữa hoặc ăn ít đi trong bữa ăn.

Một số sai lầm hay gặp khi cho ăn bổ sung

Sử dụng chất đạm không đúng quy cách: Sai lầm chủ yếu là cho trẻ ăn dưới dạng nước thịt (chỉ cho ăn nước, không dùng cái, sợ trẻ hóc), nước xương hầm... Không biết sử dụng nguồn chất đạm dồi dào khác ngoài thịt cá như: ăn trứng sợ trẻ đầy bụng, tôm, cua sợ trẻ ho và tiêu chảy. Không biết dùng các loại đậu đỗ, lạc, vừng là nguồn đạm thực vật, tuy giá rẻ nhưng cũng rất cân đối.

Ít sử dụng dầu, mỡ trong bữa ăn của trẻ: Vì cho rằng dầu, mỡ khó tiêu hóa, gây tiêu chảy.

Không cho trẻ ăn các loại rau xanh: Thường các bà mẹ chỉ dùng nước luộc rau, ngay cả các loại củ như khoai tây, cà rốt cũng chỉ lấy nước ninh để quấy bột cho trẻ. Một số bà mẹ quan niệm sai lầm cho rằng trẻ không ăn được rau và ăn rau dễ rối loạn tiêu hóa.

Cho trẻ ăn cơm quá sớm khi chưa có răng: Các bà mẹ cho rằng ăn cơm sớm trẻ sẽ cứng cáp, nhanh biết đi. Thực tế nếu cho trẻ ăn cơm quá sớm, trẻ chỉ nuốt chửng với nước rau luộc hoặc nước canh vì vậy ảnh hưởng tới sự tiêu hóa của trẻ.

Theo BS. Hoàng Minh
SK&ĐS
Chia sẻ